Vì sao Maroc không nhận thêm trợ giúp quốc tế sau trận động đất?
Các nhóm viện trợ ở châu Âu thất vọng vì Maroc không đón nhận sự trợ giúp rộng rãi từ bên ngoài như Thổ Nhĩ Kỳ đã làm sau trận động đất kinh hoàng hồi tháng Hai. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Maroc cảnh báo rằng viện trợ phối hợp kém “sẽ phản tác dụng”.
Ngày 8 tháng 9, một trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Maroc khiến hơn 2.900 người thiệt mạng và ít nhất 5.530 người bị thương.
Ngay sau đó, nhóm Những người cứu hộ không biên giới của Pháp đã lập tức tập hợp một đội tìm kiếm cứu nạn gồm 9 tình nguyện viên cùng với thiết bị thu phát âm thanh và các thiết bị khác phục vụ cho việc tìm kiếm những người bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Điều duy nhất mà các nhân viên cứu trợ Pháp không có là việc bật đèn xanh từ Maroc để lên chuyến bay có thể đưa họ tới vùng gặp thảm họa của quốc gia Bắc Phi này chưa đầy 24 giờ.
Arnaud Fraisse, điều phối viên và người sáng lập nhóm Những người cứu hộ không biên giới cho biết: “Đèn xanh đã không sáng”. “Tất cả các thành viên trong nhóm của chúng tôi, những người được đào tạo thường xuyên và quanh năm cho loại công việc này, đều rất đau khổ khi không thể đến đó và sử dụng các kỹ năng của mình cho công việc tìm kiếm cứu nạn".
Ngoài Pháp, Maroc đã từ chối nhận sự giúp đỡ của Đức khi nước này đề nghị cử đội cứu hộ gồm 50 người và chó đến. Nhóm đã tập hợp ngay sau trận động đất tại một sân bay ở Đức trước khi được yêu cầu quay về nhà.
Cơ quan cứu hộ Séc cũng đã chuẩn bị sẵn sàng một đội gồm 70 người nhưng cũng bị Maroc từ chối tiếp nhận sự hỗ trợ. “Đó có thể là lý do chính trị, tôn giáo hoặc bất kỳ lý do nào khác”, Vladimir Vlcek, người đứng đầu cơ quan này, nói với đài phát thanh công cộng Séc hôm thứ Ba. “Càng trì hoãn thì cơ hội sống sót cho ai đó dưới đống đổ nát càng mỏng manh”.
Patricia McIlreavy, Giám đốc điều hành của Trung tâm Từ thiện thiên tai, cho biết phản ứng của Maroc dường như không làm chậm hoạt động viện trợ từ các tổ chức từ thiện và phi lợi nhuận. Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington của cô đã tư vấn cho các nhà tài trợ về cách quyên góp hiệu quả sau thảm họa.
“Người ngoài rất dễ chỉ trích và nói, ‘Chà, nếu họ nhận tất cả sự hỗ trợ mà chúng tôi đưa ra thì mọi thứ sẽ ổn thôi’", cô nói. “Nhưng thực sự còn rất nhiều việc phải làm để phối hợp một cách hiệu quả các hỗ trợ quốc tế”
Vậy, lý do là gì?
Nhanh chóng nắm bắt được quy mô rộng lớn của thảm họa, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong vài giờ đã kêu gọi sự giúp đỡ quốc tế và các đội cứu hộ từ 90 quốc gia đac tới và kéo hàng trăm người còn sống ra khỏi đống đổ nát.
Không giống Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc đã thực hiện một cách tiếp cận hạn chế hơn. Nước này chấp nhận các đội tìm kiếm và cứu hộ từ Chính phủ các nước Tây Ban Nha, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Vương quốc Anh, nhưng không nhận các đề nghị hỗ trợ khẩn cấp từ Hoa Kỳ, Pháp và các nơi khác.
Những lý do được đưa ra có vẻ khá logic. Các chuyên gia viện trợ cho biết, các đội cứu hộ có thể gây trở ngại hơn là giúp đỡ nếu tất cả đều lao vào mà không được kêu gọi và không có sự phối hợp.
Hơn nữa, việc nhanh chóng đưa họ đến vùng thảm họa của Maroc trên dãy núi Atlas có thể là một việc khó khăn. Những con đường đất vốn dĩ đã khó di chuyển trước đó giờ đã bị phá hủy và chặn lại bởi những tảng đá rơi.
Bên cạnh đó, Maroc cũng có những ký ức tồi tệ về viện trợ quốc tế hỗn loạn sau một trận động đất chết người năm 2004.
Sau trận động đất vừa xảy ra, Bộ Nội vụ Maroc cảnh báo, viện trợ mà phối hợp kém “sẽ phản tác dụng”.
Thượng nghị sĩ Maroc Lahcen Haddad, người trước đây từng giữ chức Bộ trưởng Du lịch nước này, cho biết, ưu tiên trước mắt là dọn đường và tiếp cận những người sống sót.
“Chúng tôi không cần số lượng mà cần tốc độ. Chúng tôi cần nhanh chóng tiếp cận được những người gặp nạn và đã có đủ người để làm điều đó", ông nói.
Ông cho biết thêm: “Nếu có viện trợ thì chúng tôi xin nhận muộn hơn chút”. “Trong mọi trường hợp, đối với những người muốn giúp đỡ, sẽ có đủ việc cho mọi người”.
Caroline Holt thuộc Liên đoàn Chữ thập đỏ quốc tế đồng ý rằng việc tiếp cận một số khu vực bị động đất là “cực kỳ phức tạp” và cho biết “Chính phủ Maroc đang thực hiện các bước cẩn thận liên quan đến việc mở cửa”.
Cô nói: “Một trong những điều tồi tệ nhất trong một tình huống vốn đã hỗn loạn là gây thêm bất ổn và hỗn loạn tiềm ẩn bằng cách mở cửa cho tất cả mọi người lao vào".
Fraisse của nhóm Những người cứu hộ không biên giới thừa nhận rằng hàng chục đội tìm kiếm có thiện chí đến từ nước ngoài có thể sẽ quá tải. Ông cho biết các quốc gia khác cũng đã từng từ chối sự giúp đỡ từ các đội cứu hộ như của ông, bao gồm cả Armenia vào năm 1988.
Nhưng ông cũng biết thời gian quý giá như thế nào khi có những sinh mạng đang chờ được cứu. Sau trận động đất khiến hơn 50.000 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ, do trục trặc trên đường đi, nhóm của ông đã đến vùng thảm họa khá muộn - khoảng 48 giờ sau trận động đất.
Ông cho biết việc triển khai cứu hộ được “phối hợp cực kỳ tốt”, nhưng lực lượng cứu hộ Pháp đã đến quá muộn để giải cứu những người sống sót. Fraisse nhớ lại một số xác chết được tìm thấy vẫn còn ấm.