Bản sắc của ngôi làng được vua miễn thuế
Sau khi lên ngôi, vua Lý Nam Đế đã ban cho làng Giang Xá (nay thuộc thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là Thang Mộc ấp, tức là vùng đất được miễn trừ sưu dịch. Sau khi nhà vua mất, để tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công ơn của ông, dân làng đã dựng đền thờ. Kể từ đó đến nay, có tám dòng họ trong làng luôn cắt cử nhau trông nom hương khói và duy trì các hoạt động tế lễ.
Thấm nhuần từ trong máu thịt
Từ khi lập làng, cứ đời trước rồi tới đời sau, người dân Giang Xá vẫn lưu truyền lại cho nhau để bảo lưu, gìn giữ những giá trị văn hóa cũng như những phong tục tốt đẹp của cha ông để lại. Những giá trị, bản sắc văn hóa đó dường như đã ngấm sâu vào trong máu thịt của mỗi người.
Qua thời gian, cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, làng Giang Xá giờ đã khác xưa. Những ngôi nhà cổ dần mất đi, thay vào đó là những công trình khang trang, sáng sủa, to lớn, bề thế hơn. Phong cách, chất lượng cuộc sống của người dân cũng dần được nâng cao. Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là nhiều nét văn hóa truyền thống của làng vẫn được trân trọng, lưu giữ, bảo tồn. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của làng đã dần trở thành Hương Ước và cũng là “hồn cốt” trong đời sống tâm linh của mỗi người dân.
Trong tiết trời mùa thu dịu êm riêng biệt của Hà Nội, chúng tôi có dịp ghé thăm làng Giang Xá (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội) để được ngồi nghe những câu chuyện của làng. Bên trong ngôi Đình cổ, cầm trên tay tách trà nóng đang phảng phất hương thơm, chúng tôi được ông Nguyễn Tiến Sơn (cụ từ trông nom Đền và Đình của làng Giang Xá) kể cho nghe về rất nhiều “chuyện xưa, tích cũ” của làng.
Ông Sơn kể, theo ghi chép của lịch sử để lại, vua Lý Nam Đế (có tên gọi khác là Lý Bôn, Lý Bí) sinh ngày 12/9 năm Quý Mùi (tức ngày 17/10 năm 503) tại thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Tương truyền, khi Lý Bí lên 7 tuổi thì cha mất và tới 9 tuổi thì mẹ cũng qua đời nên Lý Bí được người chú ruột đón về chăm sóc.
Một ngày nọ, có vị Pháp tổ thiền sư đến chùa Châu Ấp (Hương Ấp) làm lễ, trông thấy Lý Bí có diện mạo khôi ngô, tuấn tú, Thiền sư liền xin Lý Bí về làm "con nuôi cửa Phật" để dạy bảo, học hành.
Đến năm 13 tuổi, Lý Bí theo Pháp tổ thiền sư về tu hành tại chùa Linh Bảo, Giang Xá thuộc quận Tống Bình (nay thuộc thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Lớn lên, bởi căm thù giặc Lương tàn bạo, ông đã triệu tập nhân dân cùng các hào kiệt nổi dậy chống lại quân Lương từ năm 541 đến cuối năm 542. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược, tháng giêng năm 544, ông tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đóng đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội), dựng quốc hiệu là Vạn Xuân.
Sau khi lên ngôi, để ghi nhớ công ơn dân làng đã giúp ông trong việc chiêu binh mãi mã, dựng cờ khởi nghĩa nên ông đã sắc phong cho làng Giang Xá là Thang Mộc ấp, tức là vùng đất được miễn trừ sưu dịch.
Tháng 6 năm Ất Sửu (545), nhà Lương cất quân sang đánh Giao Châu. Vua Lý Nam Đế đem quân kháng cự nhưng bị thua và lui về giữ động Khuất Lão (thuộc khu 10 xã Vạn Xuân ngày nay) và giao binh quyền cho Tả tướng quân Triệu Quang Phục cầm quân chống giặc. Tại đây, vua Lý Nam Đế mất vào ngày 2/5 năm Mậu Thìn - 548.
Sau khi nhà vua băng hà, nhân dân làng Giang Xá đã lập đền thờ để tưởng nhớ tới công lao to lớn của ông, rồi thờ phụng từ đó cho tới bây giờ.
Giữ mãi truyền thống của làng
Theo một số lão niên ở Giang Xá chia sẻ thì làng có từ ngàn xưa, nằm sát dòng sông nhỏ có tên là Tiểu Giang Biên, thuộc Tả ngạn sông Hát Giang. Dân cư lập nghiệp đông đúc tại đây được sắp đặt các họ theo thứ tự: Đứng đầu là dòng họ Nguyễn - Đỗ - Bùi - Lê - Giang - Hồ - Trần - Trịnh - sau có thêm dòng họ Cao. Đến thời Lê, họ Trịnh ly tán không còn, từ đó tới nay chính thống làng chỉ có 8 dòng họ chia thành 9 Giáp (hoặc Phe) để lo việc làng.
Tính chất Giáp hoặc Phe được thành lập với mục đích là để cùng lo và thực hiện việc tu lễ tại Đình làng, không có tính chất huyết thống. Vì thế có những Giáp có tới 3 đến 4 dòng họ sinh hoạt cùng để gánh vác việc làng, phục vụ quan triều đình về tế lễ trong các tuần lễ trọng và xuân thu nhị kỳ.
Bởi Thành Hoàng làng thờ Quốc vương Thiên tử vị anh hùng dân tộc xưng đế đầu tiên của nước Nam lập lên Nhà nước Vạn Xuân, lấy Niên hiệu là Thiên Đức phong cho đất làng là Thang Mộc ấp (Đất tắm gội), cho nên làng Giang Xá một năm có tới 64 tuần lễ ghi nhớ công ơn.
Trong đó, tháng giêng (tháng 1 âm lịch) là nhiều nhất, có tới hơn 10 tuần lễ, còn đâu là chia đều cho các tháng, ít nhất tháng nào cũng có 2 tuần lễ là ngày 1 và 15 (âm lịch).
Trong 1 năm, làng Giáng Xá có 7 tuần tế chính theo âm lịch lần lượt như: ngày 7 tháng Giêng Tế cầu đinh (cầu con trai); Lễ hội truyền thống 12 tháng Giêng (là ngày đăng quang của Đức Thượng đẳng Lý Nam Đế); ngày 12 tháng 2 (ngày tế xuân); ngày 10 tháng 3 kỷ niệm ngày hưng bình (khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương xâm lược); ngày 2 tháng 5 giỗ Đức Thượng Đẳng Lý Nam Đế; ngày 12 tháng 8 tế thu; ngày 12 tháng 9 lễ sinh nhật Đức Thượng Đẳng.
Hàng năm người dân tổ chức hội làng vào ngày 12/1 (tháng Giêng Âm lịch) là ngày lên ngôi của Lý Nam Đế, và cứ 5 năm làng Giang Xá lại tổ chức một lần lễ lớn. Lễ hội diễn ra trong 5 ngày được chia đều thành ba ngày chính và hai ngày phụ.
Những năm không phải là đại lễ, thì ở đình làng và ở đền thờ người dân chỉ tổ chức tế lễ với các loại cỗ chay cùng bánh dày, bánh bác. Để tỏ lòng thành kính với đức Vua nên mọi công việc chuẩn bị đều được dân làng chuẩn bị làm từ trước hết sức kỹ càng.
Phong tục tập quán của làng Giang Xá đã thấm nhuần vào mỗi một con người nơi đây, để rồi những văn hoá đó mãi theo họ từ đời này qua đời khác, không phải nhắc nhở mà cứ răm rắp tuân theo. Ví như, vào những ngày lễ lớn như 12/1 (tháng giếng âm lịch) và 12/9 (âm lịch), theo phong tục của làng thì bất cứ những việc khác như “hiếu, hỷ” đều phải dừng lại, không được tổ chức cùng ngày đó.
Trong trường hợp bất khả kháng thì phải đi theo con đường khác để đi ra khỏi làng, chứ không được phép đi qua Đình. Còn vào những ngày thường (hiện tại), những đám hỷ khi đi qua Đình làng thì phải làm lễ tạ ơn, còn đám hiếu khi đi qua Đình thì phải im lặng, không được thổi kèn, đánh trống, khi ra tới tấm bia đá Hạ Mã (dừng ngựa) thì cũng phải làm lễ để xin phép xong mới được đi ra khỏi làng.
Cứ như vậy, những truyền thống đáng quý của làng Giang Xá cứ mãi được lưu truyền qua các thế hệ, con cháu học hỏi để tiếp nối cha ông đi trước. Cho dù cuộc sống có đổi thay, có phát triển với xu thế hiện đại và tiên tiến theo nhu cầu từng ngày thì văn hóa đó, truyền thống đó vẫn còn nguyên những giá trị để trường tồn trong mỗi một người dân làng Giang Xá từ lịch sử cho tới hiện tại.