Đời sống

Hàng nghìn hộ dân miền núi Cẩm Thủy mong ngóng cây cầu cứng

Thanh Phương 12/09/2023 - 10:06

Nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân xã phía nam huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa) mong ngóng 1 cây cầu cứng để không bị chia cắt bởi sông Mã khi nước dâng cao...

Đối với xã Cẩm Vân có 5/6 thôn phải qua sông (sang Cẩm Tân) để sản xuất nông nghiệp. Học sinh phải nghỉ học nếu cầu phao bị cắt vào mùa lũ. Cũng tại khu vực này, những năm qua đã có nhiều người dân bị tai nạn đuối nước.

lenphacv.jpg
Người dân, học sinh mạo hiểm đi đò qua sông Mã

Mong mỏi 1 cây cầu cứng bắc qua sông Mã không chỉ của riêng lãnh đạo huyện miền núi này, mà còn của hàng chục nghìn nhân khẩu của 7 xã phía Nam huyện Cẩm Thủy.

Hiện tại, người dân vẫn phải đánh liều đi qua cầu phao Cẩm Vân có bề rộng khoảng 3 - 4m, dài 240m được nối bởi các nhịp phao đã hoen rỉ, mặt sàn của cầu là các then gỗ, các tấm tôn kim loại được xếp đặt lộn xộn… Mỗi khi người dân và học sinh qua lại, cây cầu chung chiêng trực muốn xô đẩy người qua cầu xuống sông.

hientrang.jpg
Cầu phao tạm bợ phải cắt cầu khi nước lũ lên

Vào ngày mùa, nhu cầu đi lại cao trong khi cây cầu nhỏ và hẹp, không có lan can hai bên thì mối nguy hiểm thường trực hơn bao giờ hết. Theo người dân địa phương, trận lũ những năm 70 đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 người vì lật đò. Khoảng vài năm trở lại đây, vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi sinh mạng của 2 mẹ con khi qua cầu.

Mùa này, cầu phao đang dùng được, đến mùa mưa nước dữ thì cầu phao bị cắt, các cháu học sinh rồi người dân sang bên kia sông canh tác đều phải đi bằng thuyền. Nước lớn thì cả xã như vùng bị cô lập. Cũng bởi những cách trở đó, mà tình hình sản xuất nông nghiệp phía bên kia bờ gần như kém hiệu quả. Học sinh mùa lũ gần như phải nghỉ ở nhà không thể đến lớp.

lenpha.jpg
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi qua phà trên sông Mã

7 xã thuộc phía Nam huyện Cẩm Thủy đều phải phụ thuộc vào cây cầu phao nếu muốn đi sang bên kia sông để giao thương, buôn bán, đi học. Riêng với xã Cẩm Vân, cầu phao còn phục vụ phát triển sản xuất vì bên kia sông Mã xã này có 100ha đất sản xuất nông nghiệp.

Ngày nào, người dân cũng phải qua cầu để đi làm đồng. Bởi vì tầm quan trọng của việc đi lại, giao thương nên mặc cho cầu xuống cấp, người dân vẫn phải liều mình để qua cầu. Mong ước có một cây cầu cứng là tất yếu đối với người dân nơi đây.

Sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi, hàng nghìn hộ dân huyện Cẩm Thủy phấn khởi khi chuẩn bị có một cây cầu với tổng mức đầu tư khoảng 330 tỷ đồng. Phương án thiết kế, theo hướng tuyến bước lập chủ trương đầu tư; điểm đầu giao với Đường tỉnh 518B tại vị trí Chợ Bãi (Km14+621/ĐT.518B) thuộc xã Cẩm Vân; điểm cuối giao với Quốc lộ 217 tại Km41+191/QL 217 thuộc xã Cẩm Tân và giải pháp thiết kế cầu Cẩm Vân theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa.

Để việc xây dựng cầu Cẩm Vân sớm được triển khai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã chỉ đạo đơn vị tư vấn và đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy và trình thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật...

Khi biết được thông tin, người dân địa phương rất vui mừng. Ông Phạm Văn Thư, thôn 102 xã Cẩm Yên, chia sẻ: “Cây cầu là niềm mong ước của hàng nghìn bà con mấy xã chúng tôi. Vì đường giao thông không thuận tiện nên người dân sản xuất, canh tác ra nông sản khi bán ra với giá khá thấp, có khi còn lỗ vốn. Chưa kể đến mùa nước lên học sinh phải nghỉ học. Hàng năm đều có người thiệt mạng khi tham gia giao thông qua cây cầu phao hiện tại. Nay được Nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu cứng thì vui lắm, đời sống người dân quanh vùng sẽ phát triển hơn rất nhiều. Mong điều ước này sớm trở thành hiện thực”.

Khát vọng có một cây cầu của hàng nghìn hộ dân thuộc 7 xã phía Nam huyện Cẩm Thủy đang dần thành hiện thực. Sau khi cây cầu hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Thanh Phương