Xã hội

'Dự án nuôi em Nghệ An' chắp cánh ước mơ cho học sinh vùng khó

Trần Tú - Lữ Phú 11/09/2023 17:00

Để chia sẻ gánh nặng khó khăn, giúp các em học sinh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đến trường với bữa ăn đủ dinh dưỡng, góp phần tạo dựng một thế hệ tương lai có kiến thức, biết lao động và có cơ hội thay đổi cuộc sống, mạng lưới tình nguyện quốc gia, thuộc Trung tâm tình nguyện Quốc gia đã triển khai “Dự án nuôi em Nghệ An.”

Dự án này đang ngày một lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, mang lại nhiều suất ăn trưa cho học sinh đồng bào dân tộc tỉnh Nghệ An.

Mặc dù cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn xã miền núi Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, tiện nghi, nhưng đời sống người dân xã Chiêu Lưu còn nhiều khó khăn. Vì thế, trẻ em nơi đây vẫn chưa được chăm sóc đầy đủ. Thậm chí các em học sinh có nhà ở cách điểm trường từ 2 đến 3km, đi học còn bữa đói, bữa no, rất nhiều em còn vắng học buổi chiều.

du_an_nuoi_em_nghe_an_2.jpg
“Dự án nuôi em Nghệ An” hỗ trợ 270 suất cơm trưa từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần cho các em học sinh Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2, xã miền núi Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn

Để có những bữa ăn trưa cho các em học sinh vùng khó nơi đây, mạng lưới tình nguyện quốc gia, thuộc Trung tâm tình nguyện Quốc gia đã triển khai “Dự án nuôi em Nghệ An”. Qua đó đã giúp 270 em học sinh Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2, không còn lo đói cơm trưa mỗi khi đến trường.

“Người dân trong bản toàn đi làm ăn xa, con nhỏ gửi ở nhà với ông, bà, thường ngày ông bà toàn đi rừng, đi rẫy. Có hôm, các em đi học về buổi trưa không có cơm ăn, phải nhặt ăn cơm nguội. Nhưng từ ngày được hỗ trợ cơm trưa thì phụ huynh cũng bớt khó khăn hơn, học sinh được nhà trường quản lý ở lại buổi trưa, cho ăn uống đầy đủ thoải mái”, một thầy giáo công tác tại trường Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2 cho biết.

“Dự án nuôi em Nghệ An” là dự án tình nguyện chung sức cùng cộng đồng do mạng lưới tình nguyện quốc gia, thuộc Trung tâm tình nguyện Quốc gia triển khai. Từ năm học 2019-2020, “Dự án nuôi em Nghệ An” còn hỗ trợ cơm trưa cho hơn 160 em học sinh của trường Tiểu học Bảo Bam 2, một trong những điểm trường khó khăn nhất trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, với 100% học sinh là con em đồng bào Khơ mú, điều kiện kinh tế gia đình của các hộ còn nhiều thiếu thốn.

du_an_nuoi_em_nghe_an_1.jpg
Các em học sinh có nhà cách xa điểm trường không còn lo đói cơm trưa mỗi ngày

Thầy giáo Phạm Bá Đường, Hiệu trưởng Tiểu học Bảo Bam 2, chia sẻ: “Trước đây các em học sinh ở cách trường từ 3km trở lại thường phải đi về ăn cơm trưa ở nhà. Tuy nhiên, về nhà các em ít được ăn no, thậm chí phải nhịn đói, vì cha mẹ, ông bà phải lên rừng kiếm rau, kiếm măng cho bữa tối. Nhiều hôm trời mưa, đường trơn thì các em bỏ học ở nhà luôn, ảnh hưởng đến chất lượng học tập và giảng dạy của nhà trường”...

Cũng theo thầy Đường, từ khi dự án nuôi em đồng hành cùng nhà trường, dinh dưỡng bữa ăn được nâng cao, chiều cao cân nặng các học sinh được tăng lên, nhà trường cũng duy trì sĩ số học sinh vào buổi chiều được đảm bảo. Thông qua đây cũng mong muốn rằng, các nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng các nhà trường trên địa bàn vùng khó khăn nói chung và huyện Kỳ Sơn nói riêng.

Bà Đỗ Thị Nga – Phụ trách “Dự án nuôi em Nghệ An”, Trưởng ban thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia cho biết, qua 6 năm triển khai, đến nay dự án đã nuôi cơm trưa cho gần 3.400 em học sinh mầm non và tiểu học tại 3 huyện miền núi Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong.

du_an_nuoi_em_nghe_an_3.jpg
Những phần cơm góp thêm nguồn dinh dưỡng cho các em học sinh nghèo miền núi

Dự án nuôi em được Trung tâm tình nguyện Quốc gia phát động từ ngày 4/6/2018. Dự án được triển khai theo mô hình: Xây trường - Nhận nuôi - Nuôi cơm trưa cho các em học sinh tại các huyện miền núi khó khăn trong cả nước.

Ở dự án này, mỗi em học sinh sẽ có 1 người nhận nuôi, người nuôi các em sẽ được cung cấp toàn bộ thông tin về hoàn cảnh các em, hình ảnh, số điện thoại của bố mẹ, già làng, trưởng bản, thầy cô giáo... để kiểm tra, kiểm soát. Người nhận nuôi chỉ cần nhắn mã số là nhận được thông tin cá nhân của người được nuôi.

Thông tin hình ảnh, clip ăn uống của các em được thầy cô giáo quay, chụp theo tháng và cập nhật lên nhóm của điểm bản cùng người nuôi học sinh đó. Mỗi năm, người nuôi có thể lên thăm hoặc gọi điện để hỏi thăm các em.

Với số tiền 150.000 đồng/em/tháng, một năm học các em sẽ được hỗ trợ tổng cộng 1.450.000 đồng. Mỗi bữa ăn, thầy cô giáo sẽ lên thực đơn, bữa ăn thịt, đậu, canh, rau... với giá chỉ 7.000-8.000 đồng/suất, cộng thêm sự hỗ trợ từ gia đình và địa phương các em sẽ có bữa ăn no và đủ chất.

Bà Nga cho biết, ngoài hỗ trợ các suất cơm miễn phí, thông qua chương trình “Dự án nuôi em Nghệ An”, mạng lưới tình nguyện Quốc gia cũng tổ chức vận động các nhà hảo tâm, hỗ trợ kinh phí xây cầu giúp em vượt lũ, xây trường học cho em, lập các tủ sách và lắp đặt hệ thống nước sạch cho học sinh bán trú.

du_an_nuoi_em_nghe_an_4.jpg
Nhờ những suất cơm trưa đầy ý nghĩa, các em học sinh miền núi không còn vắng học, sĩ số lớp học buổi chiều đầy đủ hơn

Cùng với đó các em học sinh tại các điểm trường có “Dự án nuôi em Nghệ An” hỗ trợ cũng được trao quà, hỗ trợ đồ dùng bán trú, tham gia các hoạt động trải nghiệm Tết, đêm trung thu cho học sinh vùng khó…

“Mong muốn sau này là cố gắng sẽ hỗ trợ được nhiều em học sinh ở những điểm trường khó khăn hơn và chăm sóc được cho các em từ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi cũng mong rằng, khi đến trường, các con học được ý thức và khả năng tự phục vụ lấy chính mình, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Mong muốn nữa là các nhà hảo tâm quan tâm đến các dự án mang tính bền vững của Trung tâm tình nguyện Quốc gia”, bà Đỗ Thị Nga Chia sẻ.

Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục mở rộng ra những điểm trường khó khăn của tỉnh Nghệ An, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, mang lại nhiều hơn những suất ăn trưa cho các em học sinh.

Trần Tú - Lữ Phú