Văn hóa - giải trí

"Thanh âm đại ngàn" vang vọng giữa lòng TP.HCM

Kim Sáng 10/09/2023 14:41

"Ta yêu nhau thì về Buôn Ma Thuột, còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột...", con người Đắk Lắk với sự nhiệt tình, hiếu khách luôn rộng cửa đón chào bạn hữu gần xa đến với tiếng cồng chiêng, với ly cà phê Ban Mê.

Sáng cuối tuần, đông đảo người dân, du khách tham quan đường sách TP.HCM bất ngờ vì được thưởng thức cà phê miễn phí, xem triển lãm tranh và nghe người Đắk Lắk hát, biểu diễn nghệ thuật.

Đây là các hoạt động nằm trong chương trình "Thanh âm đại ngàn" do Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Đắk Lắk phối hợp với đường sách TP.HCM, Hội Nhiếp ảnh TP.HCM tổ chức vào sáng 10/9.

Mở đầu chương trình, NSƯT, nhạc sĩ Y Phôn Ksor kothay mặt Ban Tổ chức (BTC) mời các đại biểu lớn tuổi uống rượu cần, đây là phong tục truyền thống, thể hiện sự mến khách của con người Tây Nguyên.

p1890845.jpg
"Thanh âm đại ngàn" vang vọng giữa lòng TP.HCM.

"Thanh âm đại ngàn" được xem là chương trình "chào hàng" của Đắk Lắk ở TP.HCM, với mục đích lan tỏa những nét đặc sắc, phong phú của đời sống văn hoá, tinh thần các dân tộc Tây Nguyên thông qua tác phẩm văn học nghệ thuật. Đồng thời lan toả sự nhiệt tình, hiếu khách của con người, vùng đất Đắk Lắk.

Đến với Thành phố mang tên Bác, chương trình giới thiệu các tác phẩm âm nhạc viết về Tây Nguyên của NSƯT, nhạc sĩ người Ê đê Y Phôn Ksor, Nguyễn Hương Thành (nghệ sĩ Đắk Lắk sống và làm việc tại TP.HCM), Linh Nga Niê Kdăm…; giới thiệu thơ của nhà thơ Lê Vĩnh Tài, Hữu Chỉnh, Văn Thảnh…

p1890851.jpg
Ông Lê Hoàng - Giám đốc đường sách TP.HCM bày tỏ sự vui mừng khi được phối hợp tổ chức chương trình "Thanh âm đại ngàn", giới thiệu, quảng bá văn hoá, vùng đất con người Tây Nguyên.

Cạnh đó, người dân, du khách còn được chiêm ngưỡng 100 bức ảnh nghệ thuật sáng tác về con người, văn hoá và cùng đất Tây nguyên, Đắk Lắk (gồm 50 bức của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hội VHNT Đắk Lắk, 50 bức của NSNA Hội Nhiếp ảnh TP.HCM); tranh của các hoạ sĩ Đắk Lắk; trưng bày chữ thư pháp và tặng chữ; giới thiệu nặn tò he dấu ấn Tây Nguyên; trải nghiệm và thưởng thức cà phê Buôn Ma Thuột...

Nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk cho biết, đến với TP.HCM, các anh chị em nghệ sĩ Đắk Lắk mong muốn nhận được sự hỗ trợ, quan tâm của các cơ quan, ban ngành, nhà xuất bản, từ đó tạo điều kiện để nghệ sĩ Đắk Lắk giới thiệu, quảng bá các phẩm.

p1890864.jpg
Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk Niê Thanh Mai trao tặng món quà của Hội VHNT Đắk Lắk cho đường sách TP.HCM.

"Thế mạnh của Tây Nguyên là âm nhạc, hội hoạ, nhiếp ảnh, văn học, thông qua tác phẩm VHNT ở các loại hình, chúng tôi muốn giới thiệu đến văn nghệ sĩ, công chúng TP.HCM về con người, văn hoá, vùng đất Đắk Lắk, Tây Nguyên, đó cũng là lời mời chào mọi người đến khám phá vùng đất nắng gió nhưng ấm áp này", Nhà văn Niê Thanh Mai chia sẻ.

Hòa mình trong các tiết mục cùng anh chị em nghệ sĩ Đắk Lắk, nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ người Ê đê Y Phôn Ksor không giấu được sự vui mừng, xúc động.

Theo nhạc sĩ Y Phôn Ksor, quảng bá bản sắc văn hoá dân tộc không phải là công việc, trách nhiệm của riêng người nghệ sĩ mà cần sự chung sức, đồng lòng của tất cả mọi người.

p1890890.jpg
Chương trình có sự góp mặt của nhiều văn nghệ sĩ như NSƯT Vũ Lân, Y Phôn Ksor; nhà thơ Lê Vĩnh Tài, Ánh Nguyệt, Trần Thị Mùi, Vũ Duy Thương, Y Moan H’Mok, Dương Thanh Nga, Ánh Tuyết, Đinh Tarina…

Trong thời gian chương trình diễn ra, nhiều người dân, du khách nước ngoài, đặc biệt các bạn trẻ vây kín khu vực sân khấu, chăm chú theo dõi các tiết mục biểu diễn.

Vừa thưởng thức ly cà phê đậm chất Tây Nguyên, Kim Thoa (TP Thủ Đức) thốt lên sự vui sướng khi được đắm chìm trong những giai điệu mang nét "riêng" của vùng đất đỏ bazan.

"Từ trước đến nay, tôi đã nghe về con người, vùng đất Đắk Lắk rất nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được xem trọn vẹn một chương trình nghệ thuật do anh chị em nghệ sĩ biểu diễn ở trung tâm TP.HCM. Mọi thứ rất chỉn chu, hoành tráng, nhất định tôi sẽ đến Đắk Lắk để khám phá văn hoá nơi đây", Kim Thoa hào hứng nói.

p1890877.jpg
Trao học bổng cho các sinh viên Đắk Lắk hiện đang học tập ở các trường đại học tại TP.HCM.

Với mong muốn tiếp sức cho các sinh viên khó khăn đến trường, chương trình đã trao 23 suất học bổng cho các sinh viên Đắk Lắk hiện đang học tập ở các trường đại học tại TP.HCM.

Tỉnh Đắk Lắk tọa lạc ở trung tâm Tây Nguyên, hội tụ 49/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa của các dân tộc trên vùng đất này đa dạng, nhiều sắc màu. Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa như Ê-đê, M’nông, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng còn có sự hiện diện văn hóa của các dân tộc từ các tỉnh vùng Tây Bắc như Tày, Thái, Nùng, Mông, Dao…

p1890840.jpg
Đại sứ truyền thông của chương trình là siêu mẫu H’Ăng Niê, dân tộc Ê đê, một người con ưu tú của Đắk Lắk.

Đắk Lắk từ lâu được mọi người biết đến là "thủ phủ" của lễ hội và ngành nghề truyền thống của dân tộc bản địa như đẽo tượng gỗ, đan lát mây tre, làm rượu cần, dệt thổ cẩm…; các lễ hội đặc sắc như mừng cơm mới, cúng bến nước, hội đua voi…; nền âm nhạc truyền thống với nhạc cụ tre nứa, đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng và kho tàng văn học, văn nghệ dân gian đặc sắc khác.

Đặc biệt “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… tất cả điều đó tạo nên một Đắk Lắk trong Tây Nguyên vô cùng đa dạng, phong phú.

p1890837.jpg
Bạn trẻ Kim Thoa chăm chú xem các tác phẩm tại triển lãm ảnh về vùng đất, con người Tây Nguyên.

Kho tàng văn hóa vùng đất Tây Nguyên với các trường ca, sử thi đồ sộ, kỳ vĩ đã khẳng định sức sống bền vững cùng thời gian. Đó cũng là tiền đề để VHNT ở vùng đất này có những sự thành tựu đáng khích lệ.

Nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã để lại dấu ấn sâu sắc trên diễn đàn văn học nghệ thuật như các nhà văn Linh Nga Niê Kdăm, Hữu Chỉnh, Đặng Bá Tiến, Lê Vĩnh Tài, Nguyên Hương, Niê Thanh Mai, Nguyễn Văn Thiện…; các nhạc sĩ Kpă Púi, Ama Nô, NSND Y Sanh Liaô, NSUT Y Phôn Ksor, các nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian NSƯT Vũ Lân, Nguyễn An Sơn, Buôn Krông Tuyết Nhung, Lương Thanh Sơn…

Cạnh đó, hàng trăm tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh sáng tác về con người các dân tộc thiểu số như Ê đê, Mơ Nông, K’ho, Xê Đăng, Tày, Nùng, Mông với sức sống mãnh liệt, huyền bí, màu sắc đa dạng đã đạt nhiều huy chương trong và ngoài nước.

p1890905.jpg
"Ta yêu nhau thì về Buôn Ma Thuột, còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột...".

Qua cái nhìn cảm quan và sự cảm nhận sâu sắc về cuộc sống, tâm tư, tình cảm của người dân tộc thiểu số tại vùng đất Đắk Lắk. Nhiều truyện ngắn, tập thơ, công trình nghiên cứu về văn hóa các dân tộc ra đời chứa đựng những gửi gắm, tâm tư và khát vọng bỏng cháy về con người và vùng đất huyền thoại này.

Phải khẳng định rằng, thông qua việc sáng tác tác phẩm VHNT, đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung trở nên phong phú và gắn bó sâu sắc. Trong đó, Hội VHNT Đắk Lắk đã phát huy tốt vai trò của mình, rút ngắn khoảng cách giữa dân tộc thiểu số bản địa với các dân tộc khác lại với nhau.

Kim Sáng