Phát huy vai trò của các Nghị sĩ trẻ, giới trẻ trong giải quyết những thách thức toàn cầu.
Chính trị - Ngày đăng : 16:04, 09/09/2023
Thành lập năm 1889, đến nay Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) có 179 nghị viện thành viên. Quốc hội Việt Nam gia nhập IPU năm 1979. Năm 2010, Đại hội đồng IPU-122 tại Bangkok (Thái Lan) thông qua nghị quyết mang tính bước ngoặt về sự tham gia của thanh niên trong tiến trình dân chủ.
Trên tinh thần đó, năm 2013, IPU thành lập Diễn đàn Nghị sĩ trẻ. Tiếp đó, năm 2014, IPU thiết lập cơ chế hội nghị toàn cầu hằng năm quy tụ các nghị sĩ trẻ từ khắp nơi trên thế giới - Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu. Cho đến nay, 8 hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu đã được tổ chức với các chủ đề khác nhau.
Chia sẻ với báo chí trước thềm Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị nhấn mạnh, triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Quốc hội Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các hoạt động đối ngoại song phương cũng như đa phương.
Việt Nam trở thành thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới từ năm 1979, là thành viên của Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) từ năm 1995, là thành viên sáng lập của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), thành viên của Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP) và nhiều tổ chức liên nghị viện khu vực.
Triển khai Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Quốc hội đã rất tích cực, chủ động tham gia các diễn đàn, thể hiện vai trò tích cực, chủ động và có trách nhiệm đóng góp, xây dựng, hình thành những "luật chơi" của các diễn đàn này. Đặc biệt, đối với các diễn đàn quan trọng như: IPU, AIPA, APPF… Việt Nam đã có những đóng góp rất tích cực.
Tiêu biểu, Việt Nam đã tổ chức rất thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) vào năm 2015, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, là bước rất quan trọng đóng góp vào quá trình xây dựng Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững. Hiện nay, các nước vẫn nhắc đến Tuyên bố Hà Nội như một hình mẫu để các nghị viện tiếp tục thực hiện những mục tiêu của Tuyên bố này.
Việt Nam cũng đã chủ động tham gia vào tất cả các hoạt động của IPU, tổ chức các hội nghị quan trọng, đóng góp vào những mục tiêu để nghị viện các nước cùng nhau phấn đấu thực hiện thông qua những chức năng của mình như lập pháp, giám sát, quyết định về ngân sách để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đối với AIPA, Việt Nam đã đóng góp những sáng kiến, nội dung vào những nghị quyết đã được thông qua nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, hợp tác và khai thác có hiệu quả nguồn nước sông Mekong... Về kinh tế, Việt Nam đã đóng góp những nội dung về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng; đảm bảo việc làm, công bằng, an sinh xã hội...
Với việc đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò, có trách nhiệm của mình đối với cộng đồng thế giới; phát huy vai trò của các nghị sĩ trẻ, giới trẻ trong giải quyết những vấn đề mang tính thách thức toàn cầu, đóng góp vào việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.
Hội nghị là hoạt động tiếp nối những hoạt động chủ động, tích cực trước đây của Quốc hội Việt Nam để giải quyết những vấn đề toàn cầu qua xu thế chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để có những bước tiến kịp những mục tiêu đặt ra trong giai đoạn phát triển hiện nay của Việt Nam cũng như trên thế giới.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, đối với Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, chúng ta chọn chủ đề là: "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo".
Việc Quốc hội Việt Nam đưa ra chủ đề mang tính thời sự này đã được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Mục tiêu của chúng ta nhằm phát huy sự đóng góp của giới trẻ vào các chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc và thông qua những xu thế phát triển hiện nay của thế giới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Một đặc sắc nữa là chúng ta đưa vấn đề văn hóa, con người vào trong phát triển bền vững. Vì vậy, ba chuyên đề của Hội nghị lần này xoay quanh các chủ đề về chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, giá trị văn hoá và con người trong phát triển bền vững. Việt Nam mong muốn đóng góp tại các cuộc thảo luận mang tính toàn cầu về định hướng để thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.
Với sự tham gia đông đảo của các nghị sĩ trẻ toàn cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà hy vọng và tin tưởng rằng, các nghị sĩ trẻ sẽ có những đóng góp tích cực thông qua các hoạt động, chức năng của Quốc hội/Nghị viện là lập pháp, xây dựng thể chế, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng.
Đồng thời, thông qua các chủ đề chính liên quan đến chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi nước, mỗi quốc gia. Qua đó, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.