Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo “chạy việc”
Câu chuyện lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm tuy không mới nhưng vì cần việc, thiếu hiểu biết nên nhiều người vẫn sập bẫy. Thủ đoạn của các đối tượng là tự nhận mình có mối quan hệ với “sếp” lớn có khả năng “chạy việc” khiến người dân tin tưởng, dẫn đến tiền mất, tật mang.
Hằng năm, lực lượng Công an các địa phương vẫn đều đặn tiếp nhận nhiều trường hợp là nạn nhân trong các đường dây, cá nhân đứng ra nhận tiền để lo công việc nhưng tiền mất mà việc chẳng thấy đâu. Điều đáng nói, phương thức và thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực này dù tinh vi, có tổ chức song cách thức thì vẫn lối mòn, nhưng năm nào cũng có thêm những nạn nhân mới sập bẫy.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ án lừa đảo bằng hình thức chạy việc. Nhiều bị cáo đã bị đưa ra xét xử, tuy vậy tội phạm này vẫn tiếp diễn. Điển hình là đầu tháng 8/2022, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Trần Anh Tuấn (SN 1984, trú xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuấn là bác sĩ làm việc tại Trung tâm tiêm chủng Vacxin Nghệ An, dù không có chức năng, nhiệm vụ trong bố trí việc làm nhưng đã cấu kết với Trần Văn Quân (SN 1987, trú TP. Vinh) – nhân viên giữ xe của trung tâm để nhận tiền của người lao động xin việc, tuyển dụng vào làm, đi học tại các cơ quan trong cả nước.
Trong thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2021, Quân tự giới thiệu bản thân quen biết nhiều lãnh đạo các cơ quan, ban ngành khác có khả năng xin việc làm cho người lao động tại các trường học, bệnh viện trên địa bàn.
Sau khi nhận tiền của các bị hại, Quân và Tuấn thuê hội trường tổ chức các buổi phỏng vấn đối với người lao động nhằm tạo lòng tin với các bị hại. Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã lừa đảo 51 người lao động, chiếm đoạt hơn 3,67 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 1/2021, hai “siêu lừa” Lê Thị Tuyết (SN 1979) và Trần Ngọc Tuyên (SN 1959) cùng trú xã Nghi Kim, TP. Vinh bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt tổng cộng 32 năm tù. Trong thời gian 3 năm, từ 2017 đến năm 2019, hai đối tượng này đã cấu kết, lập nên đường dây “chạy việc” vào các bệnh viện, nhận của nhiều bị hại để chiếm đoạt số tiền gần 6 tỉ đồng.
Có thể thấy, thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là tự “nổ” mình có các mối quan hệ lớn, quen biết với lãnh đạo, người nhà lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước... Mục đích là để khuếch trương thanh thế, tạo sự tin tưởng cho nạn nhân. Đáng chú ý, có cả những đối tượng đang là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước nhưng ham làm giàu bất chính nên vẫn thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.
Tội phạm lừa đảo ngoài lòng tham của các đối tượng còn có một bộ phận người dân do định kiến biên chế còn đè nặng nên sẵn sàng chi ra số tiền lớn để “chạy” mà không tìm hiểu kĩ lưỡng, không đăng ký tuyển dụng theo cơ chế minh bạch.
Trong khi đó, tội phạm liên quan đến lĩnh vực này thường rất tinh vi, có nhiều chiêu trò để dẫn dụ “con mồi” vào bẫy. Các đối tượng phân công với nhau trong từng công đoạn, sau đó làm giả các quyết định tuyển dụng để hối thúc bị hại nộp tiền để chiếm đoạt. Đến khi nạn nhân phát hiện ra thì đã muộn.
Theo ngành chức năng ở một số vụ án, đối tượng lừa đảo và nạn nhân thường chỉ viết giấy dưới hình thức vay nợ, không đề cập đến nội dung xin việc khiến công tác điều tra gặp khó khăn. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người dân vì quá sốt ruột vấn đề việc làm mà sập bẫy các đối tượng lừa đảo.
Để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng cũng khuyến cáo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch nhu cầu tuyển công chức, viên chức, người lao động.
Về phía người dân cần tỉnh táo trước chiêu lừa “chạy việc” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số đối tượng. Khi có nhu cầu tìm việc làm, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc đến tận nơi có nhu cầu tuyển dụng để tìm hiểu. Người dân không nên đặt niềm tin, giao tài sản cho các đối tượng trung gian để tránh trở thành “con mồi” của “cò” lừa đảo.
Trong trường hợp phát hiện đối tượng “chạy việc” có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể tố cáo với các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn.