Ghi chép tại lễ hội chém lợn Đình Thạch Cầu Bây, Hà Nội

Đời sống - Ngày đăng : 13:06, 31/03/2015

Khi lợn anh đã thấm mệt, cai đám cầm con dao gỗ ấn vào cổ và coi như chặt xong thủ. Sau đó, lợn anh sẽ được mang đến nơi kín đáo để “xử lý”. Thủ lợn và đuôi lợn được mang lên trước sân đình tế lễ.

Thời gian qua, nhân dân cả nước xôn xao với lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh). Tuy nhiên, tại Đình Thạch Cầu Bây (phường Thạch Bàn, Long Biên) cũng có một lễ hội chém lợn khác…

Từ tích xưa kể lại…

Từ trung tâm Thành phố Hà Nội, qua cầu Chương Dương rẽ phải theo đê Sông Hồng, đi khoảng 7km là đến địa phận phường Thạch Bàn, di tích Đình Thạch Cầu Bây nằm bên trái, cách đê sông Hồng khoảng 1.500m.

Đình Thạch Cầu Bây là một trong những di tích lịch sử văn hóa có giá trị được ra đời để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân làng xã. Trong quá trình tồn tại, phát triển lâu dài, Đình đã trải qua những biến đổi của lịch sử xã hội. Ngày nay, tuy di tích không còn bề thế vốn có trước đây, song những giá trị to lớn về lịch sử, nghệ thuật vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và ngày càng phát triển.

Ghi chép tại lễ hội chém lợn Đình Thạch Cầu Bây, Hà Nội

Con dao gỗ tượng trưng để chém thủ lợn anh

Theo truyền thuyết dân gian, vị thần hoàng của làng Cầu Bây là một vị võ tướng tên gọi Lã Lang Đường phù tá cho Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân. Qua tìm hiểu sự tích của thần, phần nào hiểu được công sức đóng góp của thần vào việc bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc, và đó chính là biểu tượng tiêu biểu cho sự hy sinh, ủng hộ của người dân Thăng Long xưa với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tại di tích Đình Thạch Cầu Bây, ngoài những kỳ lễ hội dâng hương định kỳ vào các dịp tuần, tiết, sóc, vọng, thường là mùng một hoặc mười rằm hàng tháng, Thượng Nguyên 15 và lễ Tất niên ngày 30 tháng Chạp còn có các lễ liên quan đến các vị thành được thờ trong di tích, nhân dân lại mở hội để tưởng nhớ công đức các vị thần.

Tục xưa để lại, hàng năm, dân làng Cầu tổ chức lễ hội vào ngày 11 và 12/02 (âm lịch). Ngày 11/02, làng tổ chức chạy ngựa có hai tổng cơ và 10 thanh niên làm giai ngựa. Lợn được chọn cẩn thận, và nuôi trước đó một đến hai năm.

Ghi chép tại lễ hội chém lợn Đình Thạch Cầu Bây, Hà Nội

Ông Đỗ Văn Triền, Phó ban quản lý Di tích Đình Thạch Cầu Bây

21h00 ngày 11/02 (âm lịch), làng tổ chức chém lợn còn sống. Lợn được thả ra, các trai làng khỏe mạnh chạy đuổi theo chém đứt đuôi, thường thì chủ định chém một nhát là đứt, sau đó mang ra đình giết lợn bằng cách đập cho nát đầu lợn. Hình tượng đuổi lợn được tượng trưng cho việc đi đánh trận, chém một nhát đứt là biểu trưng cho sức mạnh của võ tướng, đập nát đầu lợn tượng trưng cho việc bắt được giặc về hành hình. Ngày 12/02 (âm lịch), làm lễ tế cỗ lợn trước anh linh Thần hoàng làng.

Cho đến lễ hội chém lợn ngày nay

Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố lịch sử, cùng với sự phát triển của xã hội, sau khi tiến hành xây dựng lại Đình Thạch, UBND Phường Thạch Bàn, cùng với kiến nghị của nhân dân Cầu Bây, đã cho phục dựng lễ hội chém thủ lợn anh theo nghi thức truyền thống.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thế, Phó Chủ tịch UBND Phường Thạch Bàn, lễ hội diễn ra hàng năm tại Đình Thạch cũng là một hoạt động văn hóa dân gian mà mọi yếu tố đều mang tính chất văn hóa từ việc tổ chức tế lễ, rước thần, hưởng lễ vật đến các trò vui dân gian khác… Chính từ những dịp này, ngôi đình ngày một hòa nhập khăng khít hơn vào đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.

Ghi chép tại lễ hội chém lợn Đình Thạch Cầu Bây, Hà Nội

Cụ Đỗ Văn Cầu - Trưởng ban tổ chức lễ hội đang thử tù và

Theo đó, các cán bộ UBND Phường Thạch Bàn đã tiến hành tuyên truyền, vận động bà con nhân dân Cầu Bây tổ chức lễ hội chém thủ lợn anh dựa trên nghi lễ truyền thống, song phải phù hợp với đời sống văn minh, việc “chém” đúng theo màu sắc tượng trưng để lễ hội thực sự mang tính nhân văn, tránh gây cảm giác ghê sợ cho người dân đi xem.

Trước giờ khai hội, gặp gỡ và trò chuyện với bà con dân Cầu Bây, ai nấy đều háo hức chờ đón lễ hội chém lợn đặc biệt này. Cụ Tản, hơn 80 tuổi, Tổ 14 (Phường Thạch Bàn, Quận Long Biên) kể lại rằng, ông vẫn nhớ như in cái cảnh đoàn thanh niên trai tráng cầm đuốc đuổi theo con lợn được xua từ trong thôn ra trong tiếng hò reo của người dân. Còn bà Chu Thị Xạ thì cho biết việc chém lợn chỉ là “làm phép”, thịt lợn sẽ được bán cho bà con thụ lộc, tiền thu được dùng để công đức cho đình.

Phường Thạch Bàn có 4 Tổ (từ Tổ 13 đến Tổ 16), luân phiên nhau làm cai đám. Cứ hết một năm lại chọn một tổ làm cai đám để nuôi lợn cho năm sau. Lợn có thể được nuôi hoặc mua, tùy theo tình hình kinh tế và hoàn cảnh của từng tổ.

Ghi chép tại lễ hội chém lợn Đình Thạch Cầu Bây, Hà Nội

Ghi chép tại lễ hội chém lợn Đình Thạch Cầu Bây, Hà Nội

Ghi chép tại lễ hội chém lợn Đình Thạch Cầu Bây, Hà Nội

Lợn anh được nhốt trong cũi ở ngoài sân trống, chờ giờ thiêng làm lễ tế thần

Hội năm nay, Tổ 13 làm cai đám chém thủ lợn anh. Ông Đỗ Văn Triền, Phó ban quản lý Di tích Đình Thạch Cầu Bây, cho biết, do kinh tế khó khăn, Tổ 13 mua lợn từ một tháng trước và chăm sóc “lợn anh”. Trước khi đem ra chém, lợn anh sẽ được tắm rửa sạch sẽ từ mùng 10/02 (âm lịch).

Cũng như mọi năm, lợn anh năm nay, nặng 130kg, được các thanh niên đội múa lân rước từ nhà cai đám ra bãi sân trống. Chú lợn sẽ ở đó, chờ đến giờ lành làm lễ tế thần.

Đúng 20h00 ngày 11/02 (âm lịch), lợn anh được thả ra. 30 thanh niên cầm đuốc chạy quanh, cai đám cùng một số cụ cao niên vờn lợn. Khi lợn anh đã thấm mệt, cai đám cầm con dao gỗ ấn vào cổ và coi như chặt xong thủ. Sau đó, lợn anh sẽ được mang đến nơi kín đáo để “xử lý”. Thủ lợn và đuôi lợn được mang lên trước sân đình tế lễ.

Ghi chép tại lễ hội chém lợn Đình Thạch Cầu Bây, Hà Nội

Ghi chép tại lễ hội chém lợn Đình Thạch Cầu Bây, Hà Nội

Ghi chép tại lễ hội chém lợn Đình Thạch Cầu Bây, Hà Nội

30 thanh niên cầm đuốc chạy vòng quanh lợn anh

Một chút gợn…

Tham dự lễ hội chém thủ lợn anh của Đình Thạch Cầu Bây, trong tâm thế một người đi xem lễ hội này có khác gì với hình ảnh được coi là “man rợ”, của lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (Bắc Ninh), nên người viết khá bất ngờ với cảnh bà con dân làng, khách thập phương, từ người già đến con nít đều hồ hởi, hò reo cổ vũ các trai làng cầm đuốc chạy xung quanh lợn anh.

Và có lẽ cũng do quá sốt sắng và hăng hái, nên dường như một số khâu của các cụ trong ban tổ chức lễ hội bị… bỏ quên. 4 chiếc tù và được cụ Đỗ Văn Cầu - Trưởng ban tổ chức lễ hội lau chùi cẩn thận để chờ thời khắc thiêng liêng, khi tiếng tù và nổi lên, đám trai làng mới cầm đuốc chạy thành vòng tròn quanh chú lợn đã không được sử dụng.

Có lẽ cũng do quá nóng vội, nên lợn anh năm nay bị một số thanh niên (không nằm trong đoàn rước đuốc) “cư xử” chưa được đẹp, như xông vào đá mông để lợn anh chạy?

Và, có lẽ cũng vì quá đông nhân dân tham gia, vòng trong nối vòng ngoài, chen lấn nhau khi chú lợn thấm mệt, nên lợn anh đã không thể được đưa ra ngoài để “xử lý”, sau khi bị dí dao gỗ vào cổ, theo đúng nghi lễ tượng trưng mà các cụ trong Ban tổ chức và UBND phường đã chỉ đạo.

Dù vậy, với sự hỗ trợ của lực lượng công an, bảo vệ, lễ hội truyền thống Đình Thạch Cầu Bây 2015 đã diễn ra an toàn trong niềm vui tươi và hồ hởi của bà con dân làng.

*Bài viết có sử dụng tư liệu Hồ sơ di tích Đình Thạch Cầu Bây do UBND phường Thạch Bàn - Quận Long Biên - TP. Hà Nội cung cấp.

Nhật Minh