Kinh tế

8 tháng đầu năm, TP.HCM chỉ giải ngân được 29%

Kim Sáng 07/09/2023 - 17:36

Tỷ lệ giải ngân 8 tháng đầu năm 2023 của TP.HCM cao hơn 10.799 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 nhưng chỉ mới đạt 29% tổng số vốn đã giao.

Thông tin về tình hình giải ngân của TP.HCM trong 8 tháng đầu năm, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cho biết, năm 2023, tổng số vốn đầu tư công TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ giao là 70.518,116 tỷ đồng.

Số vốn UBND TP.HCM thực hiện điều chỉnh, giao bổ sung là 68.490,566 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu mức vốn đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng giao.

Tính đến hết tháng 8 năm 2023, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố đã giải ngân là 20.008 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022 (giải ngân 9.209 tỷ đồng) thì giải ngân 8 tháng đầu năm 2023 cao hơn 10.799 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ này mới đạt 29% tổng số vốn đã giao.

"Tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố còn hạn chế do tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố giao là rất lớn, nhưng về giá trị tuyệt đối số vốn giải ngân đầu tư công năm 2023 trong 8 tháng đầu năm của thành phố là cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố", đại diện Sở KH&ĐT cho biết.

p1880233.jpg
8 tháng đầu năm, TP.HCM chỉ giải ngân được 29%.

Theo Sở KH&ĐT, để hoàn thành giải ngân với mức vốn đầu tư công năm 2023 (gấp 2 lần kế hoạch đầu tư công năm 2022 và tương đương 10% tổng mức vốn đầu tư công của cả nước (711 nghìn tỷ đồng), từ đầu năm 2023, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo, định hướng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, các chủ đầu tư thực hiện.

Phân tích các nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân, Sở KH&ĐT cho biết, qua rà soát, đánh giá, làm việc cụ thể với từng chủ đầu tư, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức cùng sự tham dự của các sở, ngành liên quan, Sở ghi nhận các nguyên nhân phần lớn thuộc 4 nhóm: Công tác BTGPMB; do gặp các khó khăn về nguyên nhân khách quan chưa điều chỉnh quy hoạch, nhà thầu không có khả năng triển khai tiếp tục; lỗi chủ quan của các chủ đầu tư; việc chậm giải quyết thủ tục đầu tư của các sở, ngành.

Đặc biệt nhiều dự án chưa được các địa phương tính toán kỹ chi phí BTGPMB khi lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dẫn đến khi duyệt phương án bồi thường, chi phí BTGPMB thực tế thấp hơn rất nhiều so với dự án được duyệt. Tổng số vốn dự kiến không giải ngân được do nguyên nhân này qua rà soát sơ bộ khoảng hơn 10.000 tỷ đồng, chiếm 16% tổng số vốn giao, trong đó một số dự án có giá trị thực tế chi thấp hơn giá trị dự toán rất lớn.

Theo Sở KH&ĐT, nếu so về giá trị tuyệt đối thì tổng số vốn đã giải ngân của năm 2023 đã tương đương với số vốn giải ngân của cả năm 2021 và gần bằng 80% tổng số vốn đã giải ngân trong năm 2022. Vì vậy, để đạt được mục tiêu giải ngân năm 2023 đạt tỷ lệ từ 95% trên tổng số vốn giao, TP.HCM cần sự nỗ lực rất lớn, quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính quyền các cấp.

0-5-.jpg
Họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 7/9.

Thời gian tới, Sở KH&ĐT tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng nguồn bổ sung tăng thêm để điều chuyển vốn năm 2023 cho các dự án; thực hiện và rà soát đôn đốc các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; Thực hiện điều chỉnh linh hoạt kế hoạch đầu tư công năm 2023;

Liên quan đến biện pháp, chế tài xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan dẫn đến việc giải ngân không đạt yêu cầu, Sở KH&ĐT sẽ xem xét, không đề xuất khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị được giao chủ đầu tư dự án nhưng không thực hiện đúng tiến độ.

"Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của tập thể và lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện và các chủ đầu tư; nếu kết quả giải ngân năm 2023 đạt dưới 90% do lỗi chủ quan thì không xét thu đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan”, đại diện Sở KH&ĐT nói.

Kim Sáng