Văn hóa - Du lịch

Cúc Phương liên tiếp được vinh danh là vườn quốc gia hàng đầu châu Á

PV 07/09/2023 09:28

Tại lễ trao giải của tổ chức uy tín World Travel Awards (WTA) lần thứ 30 diễn ra vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương tiếp tục được vinh danh là VQG hàng đầu châu Á trong năm 2023.

Đây là lần thứ năm liên tiếp (từ năm 2019 đến nay), VQG Cúc Phương giữ vững danh hiệu cao quý này.

1.jpg
Lãnh đạo VQG Cúc Phương tại lễ trao giải Vườn quốc gia hàng đầu châu Á, năm 2023.

World Travel Awards là một trong những giải thưởng hàng đầu trong ngành du lịch trên toàn cầu. Giải thưởng này nhằm tôn vinh các địa điểm du lịch xuất sắc và góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững.

anh-2.png
VQG Cúc Phương dưới ống kính của nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An.

Với vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời, đa dạng sinh học phong phú và các hoạt động du lịch hấp dẫn, VQG Cúc Phương đã xứng đáng nhận được sự công nhận này. Sự vinh danh này là minh chứng cho sự cố gắng không ngừng của các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển du lịch bền vững tại Cúc Phương.

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương, cho biết: “Chúng tôi tự hào và biết ơn sự công nhận từ World Travel Awards. Đây là động viên lớn đối với chúng tôi để duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại VQG Cúc Phương. Chúng tôi cam kết tiếp tục bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo của VQG Cúc Phương, sánh vai cùng các vườn quốc gia danh giá trong khu vực châu Á”.

2.jpg
Ông Graham Cooke, Chủ tịch World Travel Awards

Với sự tự hào và niềm vinh dự này, VQG Cúc Phương sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích thiên nhiên và mong muốn trải nghiệm văn hóa Việt Nam độc đáo.

VQG Cúc Phương được xây dựng với chức năng, nhiệm vụ chính là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hoá, lịch sử, cảnh quan; duy trì tác dụng phòng hộ của rừng; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ môi trường sinh thái và giáo dục môi trường.

Với diện tích 22.408 ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Địa hình Cúc Phương chủ yếu là núi đá vôi có độ chênh cao trung bình so với mặt biển từ 400 - 450m. Mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương ôm chứa hệ giá trị đa dạng sinh học vô cùng quý giá, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam.

Tính đến nay đã ghi nhận: 2427 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật. Trong đó, 430 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây có thể sử dụng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho tanin... 57 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ IUCN năm 2020, và 15 loài thực vật đặc hữu như: Chè hoa vàng Cúc Phương; Thu hải đường Cúc Phương; Lan Việt; Trâm Cúc Phương; Dị hùng Cúc Phương.

Bên cạnh sự đa dạng của thảm thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và độc đáo, kết quả nghiên cứu đã ghi nhận 669 loài có xương sống thuộc 120 họ, 35 bộ, bao gồm: 138 loài Thú, 337 loài Chim, 80 loài Bò sát, 48 loài lưỡng cư, 66 loài Cá, trong đó có 73 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục IUCN 2020, 03 loài đặc hữu là Sóc bụng đỏ đuôi hoe, cá Niết Cúc Phương và Thằn lằn tai Cúc Phương. Về động vật không xương sống, có 1.899 loài thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành. Trong đó lớp côn trùng đóng vai trò chính có số lượng rất lớn như Bộ cánh cứng 454 loài, Bộ cánh vẩy 378 loài và Bộ cánh màng 314 loài.

Cùng với sự đa dạng và phong phú về khu hệ động, thực vật, nói đến Cúc Phương đó còn là một bảo tàng thiên nhiên tuyệt vời lưu giữ nhiều dấu tích của sự sống từ thời tiền sử cho đền ngày nay. Đó là các hoá thạch, các hài cốt, các công cụ… trong các hang động, đây chính là những lài liệu quan trọng ghi lại cuộc sống của muôn loài, ghi lại sự biến đổi thăng trầm của lịch sử phát triển địa chất qua các thời kỳ. Ở Cúc Phương, các nhà khoa học khảo cổ, lịch sử đã và đang công bố nhiều phát hiện có giá trị đặc biệt, nhất là về cổ sinh học và khảo cổ học, gắn với hệ thống hang động khô. Trong đó có thể kể đến như: Động Người Xưa, Hang Con Moong…những di chỉ khảo cổ học gắn với người Việt cổ có niên đại cách ngày nay từ 7000 đến 12000 năm, đã trở thành những điểm tham quan quen thuộc của hàng triệu du khách trong nước và quốc tế…

PV