Giáo dục

Thách thức nào cho năm học mới?

Nguyên Thảo 05/09/2023 - 06:07

Hàng triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới. Năm học này, ngành giáo dục phải đối mặt với nhiều thách thức: Thiếu giáo viên chương trình phổ thông mới, rối ren dạy học tích hợp, học phí tăng dần,…

Năm học 2023-2024 bắt đầu từ ngày 5/9 với nhiều thách thức đặt ra với ngành giáo dục.

Thiếu giáo viên

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo mất cân đối giữa các môn học trong cùng cấp học, giữa các vùng miền. Tình trạng thiếu giáo viên ở các môn học mới như tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc… chậm được khắc phục.

giaovien1.jpeg
Mặc dù được bổ sung biên chế nhưng nhiều tỉnh, thành vẫn thiếu nguồn tuyển giáo viên

Bộ GD&ĐT nhận định: Một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng thiếu giáo viên so với nhu cầu là số học sinh tăng cơ học ở tất cả các cấp. Công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế. Việc tuyển dụng giáo viên ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển (theo quy định chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục 2019); chưa có cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề khi lương giáo viên nhìn chung thấp, nhất là giáo viên mới được tuyển dụng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương thực hiện cơ học chưa căn cứ vào tính chất đặc thù của ngành giáo dục cũng tác động làm gia tăng thêm tình trạng thiếu giáo viên.

Chia sẻ về những khó khăn liên quan tới đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đang gấp rút các công việc để điều chỉnh nghị định 116 trong việc đào tạo lực lượng giáo viên, nguồn tuyển cho tương lai. Đồng thời sửa đổi trong thông tư 16 về định mức giáo viên/lớp.

Ông Sơn cho biết năm học sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo.

Đặc biệt sẽ làm mọi cách để chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, làm sao những đổi mới của ngành đang làm không dẫn đến làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Dạy học tích hợp: Nhìn đâu cũng thấy rối

Giảng dạy môn tích hợp, giáo viên phải gồng mình là thực tế triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới) suốt 2 năm học qua. Năm học 2023-2024 cũng là năm thứ 3 tiếp tục thực hiện chương trình GDPT mới ở cấp THCS. Tuy nhiên, những bất cập về các môn học tích hợp vẫn là những thách thức đối với nhà trường, giáo viên và học sinh.

day-hoc.jpeg
Giáo viên THCS đang phải vượt qua rất nhiều khó khăn để thực hiện dạy học các môn tích hợp.

Theo Chương trình GDPT mới, ở bậc THCS có 2 bộ môn tích hợp mới là Khoa học tự nhiên (KHTN) và Lịch sử - Địa lý. Môn KHTN được tích hợp kiến thức từ 3 môn, gồm Vật lý, Sinh học, Hóa học. Cái khó nhất hiện nay là đa số giáo viên không được đào tạo để dạy tích hợp, mà chỉ qua tập huấn để dạy liên môn.

Thực tế triển khai từ 2 năm học qua cho thấy, sách giáo khoa (SGK) mới ở bậc THCS bắt đầu từ lớp 6. Khi giảng dạy tích hợp, giáo viên rất áp lực vì họ chỉ được đào tạo đơn môn nhưng buộc phải dạy đa môn, liên môn. Cụ thể, giáo viên Sinh học phải dạy cả Vật lý, Hóa học và ngược lại.

Báo cáo tổng kết năm học 2022 - 2023 của Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra việc phân công giáo viên dạy các môn học mới như môn KHTN chưa bảo đảm thực hiện nguyên tắc phân công giáo viên phù hợp với năng lực chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT dẫn tới khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng, đồng thời làm tăng áp lực của giáo viên.

Khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường (việc xếp thời khóa biểu) còn chưa bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất, phân công giáo viên đảm nhận các môn học mới, trong khi những giáo viên đó vẫn phải đảm nhiệm môn học theo Chương trình GDPT 2006 dẫn đến ở một số thời điểm giáo viên phải dạy Khoa học tự nhiên ở lớp 6, 7 vượt quá nhiều so với định mức/tuần, ảnh hưởng nhiều đến việc dạy các môn học.

Hồi giữa tháng 8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận dạy tích hợp là là một trong những khó khăn nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông cho biết "khả năng cao trong thời gian tới, Bộ sẽ đưa ra điều chỉnh với việc dạy tích hợp ở bậc THCS".

Băn khoăn "bộ sách giáo khoa nhà nước"

Thực hiện Chương trình GDPT mới và Luật Giáo dục 2019, lần đầu tiên Việt Nam triển khai "một chương trình, nhiều bộ sách". Bộ GD&ĐT từng giải thích, đây là cách làm của các nước có nền giáo dục phát triển, đa dạng hóa cách tiếp cận chương trình, thu hút nhiều người tài tham gia viết sách.

chon-sach.jpeg
Phụ huynh chọn sách cho con

Từ đó tới nay, mỗi năm các nhà xuất bản cho "ra lò" hàng trăm bộ SGK cho các cấp học. Các bộ SGK liên tục được thay thế, bổ sung để theo kịp chương trình mới và đặc biệt là những cuốn thuộc dạng bài tập, tham khảo có "tuổi thọ" chỉ một năm đã gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội.

Đến nay, 6 nhà xuất bản, 3 công ty cổ phần tham gia biên soạn, phát hành sách. 3 bộ sách được phê duyệt gồm "Cánh Diều", "Chân trời sáng tạo", "Kết nối tri thức với cuộc sống". Năm học này, 9 khối lớp học theo sách mới và tất cả khối lớp sẽ học theo sách mới từ năm sau.

Đầu tháng 8, Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét cho ý kiến về chủ trương, giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ SGK. Đoàn giám sát của Quốc hội nhận định việc không tổ chức biên soạn được bộ SGK của nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước; nguy cơ gây rủi ro trong trường hợp không có sách hoặc sách không bảo đảm chất lượng. Bộ cũng được yêu cầu đưa ra giải pháp giảm giá thành sách hay tránh lãng phí sách.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành SGK, mà còn hệ trọng hơn, nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp.

Học phí đại học tăng dần

Từ năm học 2023-2024, học phí tại các trường đại học đồng loạt điều chỉnh tăng theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD&ĐT. Theo đó, mức học phí tại nhiều trường đại học tăng phổ biến từ 10-20%.

tansv.jpeg
Tân sinh viên nhập học và nộp học phí năm học 2023-2024

Thực tế, việc tăng học phí giúp nhiều trường tăng doanh thu; giảng viên tăng thu nhập; cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cho sinh viên tốt hơn, kéo theo tăng chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nó cũng có những mặt trái, nổi cộm là tạo áp lực lên vai người học.

Nhiều ý kiến cho rằng, tăng học phí sẽ tạo thêm áp lực cho sinh viên và phụ huynh, làm mất cơ hội học lên cao của nhiều người, nhất là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Bởi ngoài học phí, các sinh viên phải trang trải rất nhiều khoản như: thuê phòng trọ, ăn uống, đi lại, mua và sao in tài liệu học tập, học thêm các học phần, chương trình phụ trợ khác. Trong khi đó, thu nhập của những gia đình ngoại tỉnh ở nông thôn, công nhân lao động, buôn bán nhỏ còn thấp nhưng con em họ phải chịu mức chi tiêu đắt đỏ khi theo học tại những thành phố lớn.

Do đó, tăng học phí cần có lộ trình thích hợp, đồng thời triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp như: trao học bổng, miễn, giảm học phí; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đến mọi sinh viên... để không làm giảm cơ hội học hành đối với sinh viên nói chung và các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nói riêng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ về đâu?

Với con số 99% học sinh cả nước đỗ tốt nghiệp, điểm học bạ cao chót vót "lạm phát" hơn cả giá tiêu dùng, một số ý kiến đặt ra về kỳ thi tốt nghiệp THPT thời gian tới sẽ ra sao.

Theo một số chuyên gia, nếu chỉ vì xét tốt nghiệp thì không cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như bây giờ. Tuy nhiên, kỳ thi này có 3 mục tiêu, nên nhiều ý kiến cho rằng nên giữ và kiến nghị một số thay đổi.

kythi.jpeg
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

Tại Hội nghị giáo dục với 63 giám đốc sở GD&ĐT mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, về hình thức tổ chức, mô hình vẫn giữ ổn định như năm 2023, chỉ điều chỉnh một chút về chuyên môn, nội dung. Năm 2024 vẫn còn học sinh học theo chương trình cũ và chưa thể có những thay đổi lớn như thời điểm kết thúc chương trình GDPT mới vào năm 2025 được.

"Nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cần phải có một bước phát triển, cần có một dự lệnh để cho những thay đổi lớn hơn vào năm 2025 để không thay đổi đột ngột sẽ gây sốc với xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Năm học 2023 - 2024, chương trình giáo dục mới tiếp tục được áp dụng với ba khối 4, 8 và 11, năm 2025 là khối 5, 9 và 12. Do vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ đổi mới hoàn toàn để phù hợp với lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình giáo dục mới.

Nguyên Thảo