Chung tay tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”: Một người vì… triệu người
Thực trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vẫn xảy ra ở nhiều tỉnh thành ven biển, làm thiệt hại cho xuất khẩu hải sản, ảnh hưởng cuộc sống hàng triệu người dân và gây tổn hại uy tín quốc gia.
Mới đây, khi chủ trì Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành ven biển, để thúc đẩy các giải pháp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia IUU cho rằng, việc EC cảnh báo “Thẻ vàng” làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu hải sản và cuộc sống của hàng triệu người dân.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố ven biển nêu cao tinh thần quyết liệt và trách nhiệm trong việc chống khai thác IUU, chung tay tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT có trách nhiệm xây dựng kế hoạch nêu rõ nhiệm vụ từ nay đến khi Đoàn kiểm tra của EC đến làm việc. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên vùng biển, hạn chế thấp nhất vi phạm với mục tiêu không để có tàu cá Việt Nam nào bị bắt ở nước ngoài.
Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, mỗi địa phương cần tiếp tục nâng cao công tác quản lý tàu cá, cảng cá trong việc thực thi nhiệm vụ theo quy định chống khai thác IUU.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương và địa phương khác trong điều tra, xác minh, xử lý nghiêm, triệt để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thủy sản vi phạm; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Thủy sản, quy định chống khai thác IUU đến cấp xã, phường, ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thật ra, khi bị EC cảnh báo “Thẻ vàng”, lãnh đạo các địa phương như ngồi trên đống lửa, đã tích cực chỉ đạo và đốc thúc các đơn vị hành động vì lợi ích chung. Trước tiên là để bảo vệ lợi ích cho nghề đánh bắt, cho ngành thủy sản, xuất nhập khẩu và cả nền kinh tế.
Điển hình như tỉnh Bình Thuận đã thực hiện Kế hoạch hành động 180 ngày chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ cấp thiết về chống khai thác IUU.
Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cả hệ thống chính trị, các đơn vị chức năng và các địa phương ở Bình Thuận đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức, phổ biến quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá, lộ trình lắp đặt và chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân chi phí mua, lắp đặt thiết bị VMS, cho nên hầu hết tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt VMS, đạt 100% tàu đang hoạt động đã lắp đủ. Số còn lại là những tàu hư hỏng nằm bờ hoặc gặp khó khăn về tài chính, làm ăn thua lỗ không hoạt động.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) cũng cho biết, thời gian qua địa phương đã vào cuộc quyết liệt để chống khai thác IUU. Nhờ đó, từ tháng 8/2022 đến nay, BR-VT cơ bản đã ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, không có tàu cá vi phạm khai thác IUU.
Theo đó, các ngành chức năng cũng phát hiện ngăn chặn kịp thời 11 phương tiện vượt ranh giới sang khai thác vùng biển nước ngoài. Quyết định xử phạt hành chính 45 phương tiện mất kết nối, tín hiệu quá thời gian quy định với tổng số tiền 992 triệu đồng.
Toàn tỉnh có 96,3% tàu đánh bắt xa bờ được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các tổ chức quản lý cảng cá đã chấn chỉnh, thực hiện chặt chẽ kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập cảng. Đồng thời giám sát sản lượng khai thác, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy hải sản theo quy định.
Sau lần thanh tra thứ 3 (10/2022), Đoàn Thanh tra EC vẫn tiếp tục khuyến nghị thực hiện 4 nhóm vấn đề bao gồm: Khung pháp lý; Quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra kiểm soát tàu cá; Truy xuất nguồn gốc; Thực thi pháp luật.
Vì vậy, để EC tháo “Thẻ vàng”, UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an điều tra, xử lý, truy tố hình sự các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Nếu tiếp tục để xảy ra vi phạm phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, nghiêm cấm các chủ nậu, vựa, cơ sở, doanh nghiệp thu, mua sản phẩm thủy sản khai thác từ tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tàu chuyển tải thực hiện chuyển tải sản phẩm thủy sản khai thác từ tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về hồ sơ truy xuất nguồn gốc tại các tổ chức giám sát thủy sản khai thác qua cảng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác và các doanh nghiệp nhập khẩu, thu mua, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản khai thác vào thị trường châu Âu.
Hiện nay, cả nước có khoảng 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m (giảm 1.206 chiếc so với năm 2019). Trên 84% tàu cá hiện có đã được đăng ký và cập nhật dữ liệu lên cơ sở dữ liệu quốc gia ngành thủy sản phục vụ việc theo dõi, quản lý. Gần 16% số tàu còn lại không đủ điều kiện để đăng ký và được địa phương thống kê theo dõi, quản lý.
Sau tất cả những nỗ lực của các ngành chức năng thì ý thức tuân thủ pháp luật và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình có tàu cá vẫn là quan trọng nhất.