Xem đua thuyền ở nơi ăn "Tết Độc lập” lớn nhất nước
Quảng Bình - nhắc đến địa danh ấy người ta sẽ nghĩ tới quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cái nắng bỏng rát, tới Di sản thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, hay vương quốc hang động Thiên Đường. Ít ai biết, ở dải đất miền Trung nắng gió, nơi “cửa ngõ” vào Nam ra Bắc ấy, mọi người ăn "Tết Độc lập” lớn nhất cả nước.
Mỗi độ Quốc khánh 2/9 về, những dòng sông lịch sử lại “dậy sóng” đua thuyền để mừng ngày thống nhất đất nước.
Ngày 25/8 – ngày sinh nhật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trên chính mảnh đất quê hương của ông (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đã tổ chức đua thuyền trên sông Kiến Giang – dòng sông mát lành đã cùng lớn lên từng ngày và chứng kiến sự trưởng thành của anh Văn.
Sáng ngày 2/9, mừng ngày non sông liền một dải, Kiến Giang thêm một lần “dậy sóng” bởi những tiếng mõ, tiếng rẽ sóng của những đò đua, bơi trong “Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang” được tổ chức thường niên vào ngày Quốc khánh mùng 2/9.
“Tết Độc lập” là dịp để mỗi người dân huyện Lệ Thủy sinh sống khắp mọi miền đất nước trở về quê hương đoàn tụ với gia đình. Hàng năm, cứ mỗi dịp Quốc khánh, người dân Lệ Thủy thường làm mâm cúng tổ tiên cũng là để giỗ Bác Hồ, đây là một trong những nét đẹp truyền thống thể hiện những tình cảm, sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Tết Độc lập” ở huyện Lệ Thủy sôi động hơn với hội thi bóng chuyền, bóng đá giữa các xã, người dân đi nghe hò khoan, đi chơi hội chợ. Dưới sông, các tay chèo tranh tài, trên bờ người dân tạm nghỉ việc đồng áng, chuẩn bị đồ ăn thức uống, ra ngồi ở bến sông để trò chuyện, cổ vũ các đội đua. Đây là nét sinh hoạt văn hóa làng xã truyền thống ở nơi này.
Cũng vào ngày này trên dòng sông Gianh huyền thoại, dòng sông trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử Việt Nam thêm một lần “sống lại” khi thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) tổ chức Giải đua thuyền chào mừng ngày Quốc khánh.
Hòa trong không khí ấy, sáng 1/9 bên Di tích lịch sử bến phà Quán Hàu, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ huyền thoại. Đây là nét đẹp trong đời sống văn hóa, hoạt động thể thao của người dân huyện Quảng Ninh, được khơi nguồn từ hơn 500 năm nay và đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tại ngôi làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đã 380 tuổi, hôm qua (1/9) cũng đã tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống trên biển nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập làng tròn 380 tuổi cũng như mừng ngày thống nhất đất nước mùng 2/9. Theo chu kỳ, cứ 5 năm 2 lần, ngư dân nơi đây lại tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống Chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Những Lễ hội đua thuyền được tổ chức vào dịp 2/9 trên những dòng sông lịch sử như sông Kiến Giang, sông Nhật Lệ, sông Gianh là lời nhắc nhở thế hệ trẻ Việt Nam về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhớ về những công lao to lớn của thế hệ cha ông đã hy sinh quên mình trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm để thống nhất đất nước.