Ý nghĩa thời đại và sự tái sinh của một quốc gia, một dân tộc
Chính trị - Ngày đăng : 12:11, 01/09/2023
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập do Người soạn thảo, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể thế giới về sự ra đời của một Nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
78 năm trôi qua, bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh như bản anh hùng ca bất hủ, sống mãi trong trái tim của những người con đất Việt.
Những tư tưởng, quan điểm của Người trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền dân tộc và quyền con người, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên quyết để giữ vững nền độc lập tự do luôn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Sự tái sinh của một quốc gia, một dân tộc
Theo GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), ý nghĩa lớn nhất của bản Tuyên ngôn chính là lời tuyên bố trước thế giới về sự tái sinh của một quốc gia, một dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đanh thép tại Quảng trường Ba Đình rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết mang tất cả tinh thần và lực lượng tính mạng, và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy".
Suốt gần 80 năm qua, trung thành với lời thề độc lập, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đi qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ 60 ngày cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, đến cuộc quyết chiến tại chiến trường Điện Biên Phủ 56 ngày đêm, hi sinh vô cùng to lớn, nhưng cuối cùng chúng ta đã vượt qua mọi gian khó để giành thắng lợi vĩ đại.
Tất cả đất nước đã đoàn kết, giữ trọn lời thề vang lên ở quảng trường Ba Đình ngày 2/9 năm ấy, mang hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Phân tích thêm về giá trị lịch sử của bản Tuyên ngôn Độc lập, ông Vũ Minh Giang cho biết, trong tiêu ngữ tên nước, có cụm từ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc, đó chính là mục tiêu của cuộc cách mạng và cũng là ước nguyện của mỗi người dân. Tự do – Hạnh phúc là mục tiêu đặt ra cho cách mạng và cũng là ước nguyện của nhân dân.
Có thể nói, trong suốt cuộc hành trình từ năm 1975 đến nay, chúng ta đã tiến một bước chưa từng có trong lịch sử. Đó là cuộc sống của nhân dân được đảm bảo tự do, hạnh phúc.
Với lời văn ngắn gọn, đanh thép, lập luận chặt chẽ đi vào lòng người, bản Tuyên ngôn Độc lập là một cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ có giá trị lịch sử khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển ngày nay.
Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn
Theo GS. Vũ Minh Giang, từ ngày độc lập đầu tiên 2/9/1945 đến nay, mỗi một thời kỳ đều để lại những mốc son trong sự phát triển của dân tộc, thời kỳ giành chính quyền, thời kỳ kháng chiến thống nhất đất nước hay thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong những năm gần đây cả thế giới phải đối mặt với thử thách là đại dịch COVID-19 và chúng ta đã phòng chống thành công.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra thời kỳ dịch vẫn đang còn hoành hành, nhưng chúng ta cũng đã tổ chức rất thành công.
Có thể nói, sau thời kỳ đầy khó khăn, phức tạp và có nhiều biến cố trên trường quốc tế, Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, vượt qua đại dịch. Đến nay, chúng ta vẫn giữ được sự ổn định của xã hội, duy trì được sự tăng trưởng kinh tế.
Và hình ảnh Thủ đô Hà Nội những ngày này đang rực rỡ sắc màu cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.