Luật sư tập sự giả mạo vị trí công tác trong vụ “đất vàng” phố Bà Triệu
Ngày 31/8, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Phùng Hưng (SN 1947, luật sư tập sự, trú tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội) 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Giả mạo vị trí công tác". Đây là vụ án liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 m2 đất vàng ở phố Bà Triệu đã được TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm trước đó.
Theo hồ sơ vụ án lừa đảo chiếm đoạt 600 m2 đất vàng phố Bà Triệu, tháng 9/2017, ông Nguyễn Thanh Thủy nhờ bị cáo Lương Thế Hiển (cựu Phó Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) làm thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước với giá thấp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và gộp sổ đỏ nhà đất tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu. Lương Thế Hiển đồng ý giúp với mức giá dịch vụ là 7 tỷ đồng.
Nhưng sau khi làm xong thủ tục mua nhà, Hiển không trả lại nhà đất ông Thủy mà chiếm đoạt, đem bán cho anh Lê Hải An với giá hơn 320 tỷ đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án nói trên xảy ra hành vi giả mạo công tác của bị cáo Hưng trong vụ án này.
Cáo trạng nêu ngày 5/6/2019, ông Nguyễn Thanh Thủy gửi đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội tố giác việc này. Quá trình giải quyết vụ việc, ông Nguyễn Thanh Thủy đã giao nộp một Bản cam kết cho Cơ quan điều tra.
Bản cam kết có nội dung ''ông Hiển đứng tên hộ tài sản là nhà, đất tại số 296 - 298 - 300 Bà Triệu và 2 căn liền kề số A1.14 và A1.15 Hoàng Hoa Thám'', có chữ ký của ông Hiển. Tuy nhiên, bản cam kết ông Nguyễn Thanh Thủy giao nộp là giả mạo.
Cơ quan điều tra đã làm rõ trong năm 2019, thông qua mối quan hệ xã hội, ông Nguyễn Thanh Thủy nhờ luật sư Nguyễn Văn Túy hỗ trợ, tư vấn pháp lý để đòi lại tài sản nói trên. Luật sư Túy đã đưa ra ý kiến về việc muốn đòi được tài sản ông Thủy phải có tài liệu thể hiện việc ông Hiển nhận đứng tên hộ ông Thủy.
Vào thời điểm này, bị cáo Lê Phùng Hưng là luật sư tập sự, đi theo học hỏi ông Túy và được tham gia, nghe, biết về vụ việc ông Thủy nhờ ông Túy tư vấn. Thời gian sau đó, ông Túy cùng ông Thủy và Hưng đã nhiều lần tìm gặp ông Hiển để thỏa thuận, yêu cầu trả lại tài sản nhưng ông Hiển đều từ chối không gặp.
Ngày 19/8/2019, bị cáo Hưng xin ông Nguyễn Thanh Thủy số điện thoại của ông Hiển, rồi chủ động gọi điện thoại và giả mạo là “Tuấn, cán bộ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội” hẹn gặp ông Hiển để làm việc.
Thời gian này, ông Hiển đã nhiều lần được Cơ quan điều tra triệu tập để làm việc nên ông Hiển tin lời bị cáo Hưng và hẹn gặp vào ngày hôm sau. Bị cáo Hưng báo với ông Túy đã hẹn gặp được ông Hiển.
Sau đó, Hưng sử dụng một chiếc bút chứa loại mực bay màu tự viết vào tờ giấy A4 nội dung giao nhận giấy triệu tập cho ông Hiển. Hưng gập đôi tờ giấy cần lấy chữ ký ông Hiển và kẹp chung vào các giấy tờ khác để thành 1 quyển sổ tay giao nhận Giấy triệu tập và đưa ông Hiển ký.
Ông Hiển ký xong, Hưng nhờ người đánh máy, in, chèn nội dung Bản cam kết thể hiện ông Hiển đứng tên hộ tài sản cho ông Nguyễn Thanh Thủy. Sau đó, Hưng đưa tờ giấy này cho ông Nguyễn Thanh Thủy đem nộp cho Cơ quan điều tra.
Sau khi vụ việc bị Cơ quan điều tra phát hiện, ngày 20/4/2021, Hưng ra tự thú, khai nhận hành vi phạm tội.
Theo cơ quan tố tụng, khi làm giả Bản cam kết, bị cáo Hưng được ông Nguyễn Thanh Thủy trả công 3 triệu đồng.
Đối với ông Nguyễn Văn Túy và ông Nguyễn Thanh Thủy, kết quả điều tra xác định hai người đều biết để đòi lại tài sản từ ông Lương Thế Hiển phải có bản cam kết nhưng thực tế ông Hiển không ký bản cam kết. Sau khi Hưng làm giả bản cam kết, ông Nguyễn Thanh Thủy đã sử dụng bản cam kết để giao nộp cho Cơ quan điều tra, làm ảnh hưởng kết quả giải quyết vụ việc.
Cơ quan điều tra xác định, do hai người đều không biết Hưng đã giả mạo vị trí công tác nên không đồng phạm với Hưng, vì vậy Cơ quan điều tra không đề cập xử lý đối với ông Túy và ông Thủy.
Trước đó, từ ngày 18/4 đến ngày 4/5/2023, TAND thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án chiếm đoạt hơn 600 m2 đất vàng ở Bà Triệu. Tòa tuyên phạt bị cáo Lương Thế Hiển 18 năm tù và vợ là bị cáo Nguyễn Thị Liên 8 năm tù về cùng tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Liên kháng cáo xin được hưởng án treo, bị cáo Hiển kháng cáo toàn bộ bản án.
Còn Viện KSND TP Hà Nội ra quyết định kháng nghị về phần hình phạt đối với bị cáo Liên, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa bản án sơ thẩm cho bị cáo Liên được hưởng án treo như đề nghị của đại diện của Viện Kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm.