Thanh Hóa: “Làng ung thư” khát nước sạch
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 22/03/2015
Những ngày gần đây, người dân lại càng hoang mang hơn khi làng “lọt” vào danh sách một trong 10 làng ung thư có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất của cả nước.
Ám ảnh “làng ung thư”
Theo báo cáo của Trung tâm Tế huyện Nông Cống, xã Tế Thắng có 11 thôn, 1.327 hộ với 4.476 nhân khẩu, trong đó làng Thổ Vỵ có 4 thôn với 468 hộ, 1576 nhân khẩu. Tính từ năm 2009 - 2014, toàn xã có 36 người mắc bệnh ung thư, đã chết 27 người gồm các bệnh: K vòm họng, K tuyến giáp, K mắt, K gan…
Còn theo trong cuốn sổ ghi chép số người chết vì ung thư của ông Trần Minh Hán (nguyên là Chủ tịch MTTQ xã Tế Thắng, ngụ tại thôn 9, làng Thổ Vỵ), tính từ năm 1993 đến nay, cả làng Thổ Vỵ đã có gần 100 người chết. Cầm cuốn sổ ghi chép đã cũ kỹ, bạc màu theo thời gian trên tay, ông Hán chỉ cho chúng tôi xem hàng loạt tên, tuổi, nơi ở, kết quả bệnh án, năm mất của từng người dân trong làng.
Người dân làng Thổ Vỵ vẫn dùng nguồn nước không đảm bảo
Sở dĩ có tình trạng này, ông Hán cho biết, từ những năm 1960 có một đoàn địa chất về khai thác mỏ tại chân núi Nưa để lấy quặng amiăng. Cũng từ thời điểm đó, xã phát động người dân đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Người dân tấp nập mang toàn bộ đá ở chân núi Nưa về kè giếng, rồi xây nhà, đắp ao, tường rào, đường sá đi lại.
Dẫn chúng tôi đến một cái ao gần nhà được kè bằng đá, ông Hán nói. “Loại đá này có rất nhiều vỉa bột trắng là các sợi amiăng. Theo thời gian, các vỉa amiăng gặp mưa vữa ra, hòa vào nước chảy xuống ao, hồ và ngấm vào lòng đất khiến cho nguồn nước ở đây bị nhiễm độc”.
Từ thời gian đó trở đi, người dân trong làng Thổ Vỵ dần dà mắc nhiều bệnh tật, năm nào cũng cũng có người chết và mắc bệnh ung thư, thậm chí nhiều gia đình có 2 - 4 người mắc căn bệnh quái ác này. Sau khi tin “dữ” đồn xa, đến năm 2005, các đoàn từ Trung ương đến địa phương về kiểm tra, lấy mẫu nước đưa đi xét nghiệm… Tất cả các mẫu nước ở Thổ Vị đều có tỷ lệ chất amiăng, sắt, natri, asen… cao hơn gấp hàng chục lần tỷ lệ cho phép.
Người dân “khát” nước sạch
Tìm đến nhà anh Vũ Văn Hiệu (42 tuổi, ngụ tại thôn 9, làng Thổ Vỵ), một trong những người bị mắc bệnh ung thư. Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, anh Hiệu thở dài, nói: “Trước đây tôi vốn khỏe mạnh lắm. Sau khi chứng kiến nhiều người trong làng mắc bệnh ung thư, mãi đến năm 2009, tôi mới đi kiểm tra sức khỏe thì biết mình mắc bệnh ung thư hạ họng. Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nay lại bị căn bệnh quái ác, mỗi lần ra Hà Nội chạy chữa tốn không biết bao nhiêu tiền bạc. Đứa con gái đầu nhà tôi mới 16 tuổi cũng phải bỏ học đi làm để có thêm tiền lo cho bố chữa bệnh”.
Anh Hiệu cho hay, trước đây khi đào giếng, anh có mang đá từ chân núi Nưa về kè giếng. Từ khi biết nguồn nước gia đình đang sử dụng bị ô nhiễm, gia đình anh đã đầu tư khoan giếng và xây bể lọc. Tuy nhiên, anh vẫn thấp thỏm nguồn nước không đảm bảo nên xây thêm cả bể nước mưa để lấy nguồn nước ăn.
Làng Thổ Vỵ - một trong 10 “làng ung thư” có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất của cả nước
Rời nhà anh Hiệu, chúng tôi ghé thăm một gia đình có người chết vì ung thư, đó là gia đình bà Lê Thị Lai (76 tuổi, ngụ tại thôn 8, làng Thổ Vỵ). Nhắc đến đứa con trai đầu đã chết vì ung thư gan, bà Lai nghẹn ngào: “Không gì đau đớn bằng người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh. Từ ngày con trai tôi mất đến nay, con dâu phải đi làm xa lấy tiền nuôi mẹ già và lo cho các cháu ăn học”.
Quan sát thấy chiếc giếng đào bị đậy miệng, rêu bám xung quanh, chúng tôi không giấu nổi sự lo lắng về sức khỏe của bà con nơi đây. “Từ khi các cơ quan chức năng về kiểm tra nguồn nước, họ nói nước giếng bị ô nhiễm nên tôi không dùng đến nó nữa. 8 năm nay, gia đình tôi toàn sử dụng nước mưa thôi”, bà Lai nói.
Theo nhiều người dân làng Thổ Vỵ, trước đây cũng có một số đoàn về làng khảo sát nguồn nước và hứa sẽ xây dựng, cung cấp nguồn nước sạch cho người dân nhưng mãi không thấy đâu để họ cứ mòn mỏi ngóng chờ trong vô vọng.
Ông Hoàng Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Tế Thắng thừa nhận: Người dân làng Thổ Vị mắc bệnh và chết vì ung thư là có thật. Thế nhưng, địa phương cũng chưa biết nguyên nhân do đâu. Trước thông tin nguồn nước của làng Thổ Vỵ bị ô nhiễm nặng, giải pháp trước mắt là UBND xã đã phát động phong trào khoan giếng, xây bể lọc, bể chứa nước mưa, không sử dụng nước giếng để ăn uống. Đến nay, toàn xã có khoảng 252 giếng khoan, 36 giếng đào và 316 bể nước mưa. Tuy nhiên, nguồn nước mưa ít, nguồn nước giếng khoan nhiễm mặn, vì vậy rất khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Xã Tế Thắng nói chung và bà con làng Thổ Vỵ nói riêng mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để địa phương được xây dựng nguồn nước sạch, đảm bảo cung cấp nước cho người dân ăn uống và sinh hoạt.