Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở xứ Nghệ:Bài 1: “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào Công giáo
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần lời dạy đó, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Qua đó, đã tập hợp, vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Dân vận khéo góp phần đảm bảo an ninh trật tự
Xác định công tác dân vận vùng đồng bào Công giáo có vai trò quan trọng, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, thời gian qua, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã làm tốt công tác quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả.
Phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai có 1.786 người theo đạo công giáo với 392 hộ gia đình, chủ yếu tập trung ở Giáo xứ Xuân An, nghề nghiệp chủ yếu là làm nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng hải sản.
Những năm qua, được sự tuyên truyền vận động của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương, bà con giáo dân giáo xứ luôn chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, tình đoàn kết lương- giáo thêm bền chặt.
Với mong muốn chung tay và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, nhất là giáo dân đang sinh sống trên địa bàn phường và các khu vực lân cận để nắm được việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương về ANTT, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân xây dựng và bảo vệ An ninh Tổ quốc, góp phần phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, an toàn cho cuộc sống của Nhân dân.
Tháng 8/2022, Công an thị xã Hoàng Mai đã lựa chọn xây dựng mô hình dân vận khéo với tên gọi “Giáo xứ an toàn về ANTT gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do công an phường chủ trì, với lực lượng tuần tra là 12 người. Đây cũng là mô hình dân vận vận khéo đăng kí cấp tỉnh.
Để mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, Ban Chỉ đạo mô hình thường xuyên gặp gỡ Hội đồng Mục vụ giáo xứ để trao đổi thông tin liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT). Từ đó tạo đồng thuận, phối hợp giữ vững ANTT trên địa bàn phường và giáo xứ.
Mô hình đi vào hoạt động mới 1 năm nhưng đã mang lại tín hiệu tích cực. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hạn chế các tệ nạn trộm cắp vặt, giải tán được nhóm thanh niên tụ tập thành các tụ điểm.
Với tinh thần "7 tốt đời", "3 đẹp đạo", sống phúc âm trong lòng dân tộc, các chức sắc, chức việc và bà con giáo dân luôn đồng hành với các hoạt động do phường cũng như cấp trên tổ chức như: Lễ hội 2 di tích của người Lương, Noel của người theo đạo công giáo..
Tiếp tục quan tâm chăm lo sản xuất nên kinh tế, chuyển dịch đúng hướng và phát triển. Tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10%. Giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 ở giáo xứ ước đạt gần 50 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng. Thực hiện các loại thuế quỹ đạt trên 95%, thiết chế văn hóa được đảm bảo, gia đình đạt gia đình văn hóa trên 80%.
Hệ thống giao thông được chú trọng, cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, giáo xứ đã xây dựng được đoạn đường “Đoàn kết sáng, xanh, sạch, đẹp” giá trị trên 100 triệu đồng. Thanh niên trong độ tuổi đều tham gia đăng ký, khám tuyển và sẵn sàng nhập ngũ khi có lệnh gọi. Nhân dân luôn tin tưởng và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của phường.
"Từ khi có mô hình Giáo xứ an toàn về ANTT gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, mỗi người dân trong phường nói chung và trong họ đạo nói riêng ý thức hơn về tầm quan trọng và tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; cung cấp nguồn tin báo có giá trị, giúp lực lượng Công an kịp thời ngăn ngừa các vụ việc phức tạp", Trung tá Phạm Ngọc Anh, Trưởng Công an phường Quỳnh Xuân đánh giá.
“Đoạn đường đèn – cờ đoàn kết” – thắt chặt mối quan hệ Giáo Lương
Với mục đích mang lại vẻ đẹp cảnh quan tại các giáo xứ, góp phần rất lớn trong việc đi lại, sinh hoạt vào ban đêm, hạn chế tai nạn giao thông, ngăn ngừa tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Thị ủy Hoàng Mai đã chỉ đạo các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể thị xã xây dựng công trình “Đoạn đường đèn – cờ đoàn kết” tại các giáo xứ trên địa bàn thị xã.
Để xây dựng mô hình này, thị xã thành lập các đoàn khảo sát do Ban Dân vận Thị ủy, Ủy ban MTTQ thị xã, Cơ quan Tổ chức – Nội vụ với các xã, phường, cùng với các thôn phối hợp Hội đồng mục vụ các giáo xứ nghiên cứu, khảo sát tuyến đường để thực hiện.
Lãnh đạo thị xã đã gặp gỡ, trao đổi và đặt vấn đề với linh mục quản xứ, hội đồng mục vụ các xứ để triển khai công trình đúng tiến độ. Trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo mô hình đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân trên tuyến đường, khu dân cư tích cực hưởng ứng. UBND các xã phối hợp Hội đồng mục vụ các giáo xứ lập phương án thiết kế, báo giá...
Đến nay, tại các giáo xứ trên địa bàn thị xã đã hoàn thành xây dựng các tuyến “Đoạn đường đèn - cờ đoàn kết” tại giáo xứ Dị Lệ, Sơn Trang, Yên Hòa và Xuân An với tổng kinh phí đầu tư 461. 748.0000 đồng trị giá công trình 235.400.000 đồng. Trong đó thị xã hỗ trợ 323.223.600 đồng; các xã, phường hỗ trợ: 92.349.600 đồng và người dân đóng góp 46.174.800 đồng. Ngoài ra MTTQ và các đoàn thể đã hỗ trợ các giáo xứ cờ Tổ quốc và cờ của giáo hội để sau khi hoàn thành lắp đặt cột đèn treo cờ Tổ quốc và cờ giáo hội đan xen …
Có thể nói công trình “Đoạn đường đèn – cờ đoàn kết” có ý nghĩa vừa mang lại vẻ đẹp cảnh quan tại các giáo xứ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào vùng có đạo.
Đồng thời tuyên truyền, vận động đồng bào giáo dân tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ đối với giáo hội, đoàn kết lương - giáo chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chung sức, đồng lòng, tháo gỡ “nút thắt”
Giai đoạn hiện nay, thị xã Hoàng Mai đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng loạt triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó, giải phóng mặt bằng (GPMB) được xem là một trong những khâu quan trọng và quyết định, nhằm tạo quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng các công trình.
Nhờ sự quyết tâm, sáng tạo, đặc biệt là công tác dân vận với nhiều cách làm hay đã mang lại hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào công giáo, qua đó từng bước tháo gỡ “nút thắt” trong công tác GPMB, góp phần triển khai các dự án đúng tiến độ.
Tại Giáo xứ Sơn Trang, xã Quỳnh Trang, khi triển khai Dự án cao tốc Bắc- Nam đã vướng mắc trong GPMB liên quan đến nghĩa địa cũ của bà con. Để tháo gỡ nút thắt này, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nhiều lần tổ chức họp lấy ý kiến, đối thoại, tuyên truyền, vận động các thành viên trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ cũng như bà con giáo dân.
Ủy ban nhân dân thị xã một mặt trình văn bản xin Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ bằng giá bồi thường đối với đất trồng cây lâu năm; mặt khác kêu gọi, huy động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ bà con giáo xứ trong việc di dời mồ mả nếu phát hiện còn sót lại dưới lớp đất sâu trong quá trình san ủi mặt bằng.
Cùng với đó, chính quyền các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tìm hiểu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con giáo xứ, giúp họ hiểu rõ chủ trương, chính sách liên quan đến công tác thu hồi, giải tỏa, đền bù, hỗ trợ tái định cư; chấp hành nghiêm các quy định về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.
Ông Đống Danh Dũng- Trưởng thôn 12 giáo xứ Sơn Trang, xã Quỳnh Trang cho biết: Việc cấp ủy chính quyền và các đoàn thể kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con giáo dân, đã giúp bà con hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, cũng như lợi ích mà dự án mang lại. Do đó, bà con trong giáo xứ đã chấp thuận nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng cho dự án.
Để tạo nên những “luồng gió mới” là cả một hành trình dài nỗ lực từ các cấp ủy, chính quyền, đến các linh mục, giáo xứ và từ chính sự quyết tâm thay đổi của bà con đồng bào giáo dân. Những kết quả đạt được trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của bà con giáo dân trên địa bàn thị xã Hoàng Mai có vai trò rất lớn của công tác dân vận. Nhờ dân vận khéo mà những việc khó cũng hóa dễ.