Phóng sự - Ghi chép

Ngày hội trên núi cao

T. Thành 31/08/2023 06:30

Đối với người Mường ở Lạc Sơn nói riêng và một số khu vực khác thuộc tỉnh Hòa Bình nói chung thì Quốc khánh 2/9 thực sự là một ngày hội trên núi cao. Ngoài mở tiệc ăn mừng cùng với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, người già ở đây còn ngồi ôn lại, nhắc nhở, giáo dục con cháu mình về truyền thống anh hùng của quê hương cũng như đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

“Người đi như nước vỡ bờ”

Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, các cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Cùng với cả nước, tại tỉnh Hòa Bình, ngày 18/8/1945, lệnh khởi nghĩa của xứ ủy Bắc Kỳ được truyền tới. Trong ngày, đồng chí Vũ Thơ - Trưởng Ban Chỉ huy khởi nghĩa tỉnh đã kịp thời phát lệnh khởi nghĩa và chọn châu Lạc Sơn là điểm đầu tiên.

Trước đó, khi Nhật đảo chính Pháp, tù chính trị tại nhà tù Hòa Bình đã đấu tranh đòi được tự do và hầu hết tù chính trị đã được thả. Chính những đồng chí này được tổ chức phân công phụ trách phong trào cách mạng ở các địa phương trong tỉnh. Nhờ đó, các đoàn thể cách mạng ở Hiền Lương, Tu Lý, Mường Khói, Vụ Bản, Chi Nê, Phố Vãng, Mường Diềm, Mường Thàng, Cao Phong, Phương Lâm, thị xã Hòa Bình... đều được củng cố và mở rộng. Ông Trương Đình Dần và ông Vũ Đình Bản được trên cử về Mường Khói đã tích cực triển khai tuyên truyền, tập hợp quần chúng ở các xóm vào các đoàn thể cứu quốc.

Theo đúng kế hoạch, ngày 20/8/1945, các đơn vị vũ trang và quần chúng nhân dân từ khu căn cứ cách mạng Mường Khói rầm rộ tiến ra thị trấn Vụ Bản. Nhân dân quanh vùng cũng xuống đường biểu tình, phối hợp cùng lực lượng của khu căn cứ tiến hành chiếm Châu lỵ Lạc Sơn.

Ngày 20/8/1945, một cuộc mít tinh biểu tình thị uy được tổ chức tại thị trấn Vụ Bản. Đồng chí Trương Đình Dần đại diện Ban Chỉ huy khởi nghĩa tuyên bố xoá bỏ chính quyền bù nhìn tay sai phát xít, thành lập chính quyền cách mạng, hô hào nhân dân đoàn kết ủng hộ Mặt trận Việt Minh, tiếp tục tiến lên giành chính quyền tỉnh Hòa Bình.

Khởi nghĩa Lạc Sơn thành công cộng với tin Hà Nội giành được chính quyền vào ngày 19/8, đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn cho quân và dân Hòa Bình. Tất cả các địa phương trong tỉnh, từ người già, phụ nữ cho đến trẻ nhỏ đều sục sôi tinh thần cách mạng, vùng lên mạnh mẽ, ra đường biểu tình để giành chính quyền. Trên khuôn mặt mọi người đều rạng rỡ một niềm tin chiến thắng, một cảm xúc khó tả, khó quên trong tâm trí mọi người dân khi quê hương, đất nước thoát khỏi ách thống trị của giặc ngoại xâm, nhân dân được làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Ngay sau khi giành chính quyền tại châu Lạc Sơn, ngày 20/8/1945, quần chúng tiếp tục nổi dậy giành chính quyền trong toàn tỉnh. Tại thị xã Hoà Bình, từ ngày 19 - 21/8/1945, cả khu vực bờ phải, bờ trái sông Đà và các phố, xóm đã hừng hực khí thế khởi nghĩa. Cán bộ, quần chúng cứu quốc phổ biến kế hoạch, hướng dẫn nhân dân chuẩn bị vũ khí, băng rôn, cờ chờ ngày nổi dậy.

Đến sáng 22/8/1945, đông đảo nhân dân thị xã với vũ trang thô sơ, nòng cốt là tự vệ cứu quốc xông thẳng vào trụ sở của bọn hội đồng thị xã. Trước sức mạnh đó, quân địch phải đầu hàng. Đông đảo nhân dân phấn khởi từ các ngả đường tập trung về chợ Phương Lâm tham dự cuộc mít tinh mừng khởi nghĩa thị xã thắng lợi.

Cuộc mít tinh nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình vũ trang tiến về chiếm châu Kỳ Sơn. Đúng 2h chiều ngày 23/8/1945, cùng với lực lượng chiến đấu của khu căn cứ Tu Lý - Hiền Lương đang chờ tại phía tây dinh Tỉnh trưởng thì lực lượng tiến công chính gồm hàng trăm chiến sỹ tự vệ được nhân dân bờ phải chở đò vượt sông Đà sang bờ trái, nơi tập trung công sở chính quyền bù nhìn. Vô cùng hoảng sợ, Tỉnh trưởng cùng một số quan chức bù nhìn ra bờ sông xin đầu hàng.

Ngay hôm sau, 24/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại chợ Phương Lâm nhằm công nhận Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của thị xã Hoà Bình, châu Kỳ Sơn và các xã xung quanh. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công là thắng lợi có ý nghĩa quyết định thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện giải quyết tiếp việc giành chính quyền tại Châu Mai Đà, Châu Lương Sơn và những nơi khác.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố trước quốc dân và toàn thế giới. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ chế độ thực dân, đế quốc hàng trăm năm; xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, thiết lập nền dân chủ cộng hòa, đưa nước Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

anh-bai-ngay-hoi-tren-nui-cao-2.jpg
Trong ngày Tết Độc lập, không thể thiếu cồng chiêng.

Hun đúc thêm truyền thống yêu nước

Hòa chung với đồng bào cả nước, cuộc mít tinh lịch sử tại Quảng trường Ba Đình và mừng cuộc khởi nghĩa cách mạng thành công, người Mường ở khắp châu Lạc Sơn tưng bừng mở hội mừng Tết Độc lập đầu tiên.

Ngay sau ngày độc lập, nhân dân ta tiếp tục bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chống Pháp và chống Mỹ. Chính vì vậy mà việc tổ chức ăn Tết Độc lập ở Lạc Sơn cũng thưa dần. Phải đến sau đại thắng lịch sử năm 1975 thì phong trào ăn Tết, mừng ngày độc lập mới được khôi phục lại. Ban đầu phong trào này chủ yếu diễn ra ở vùng Mường Vang, Mường Khói xưa kia, dần dần đã lan tỏa ra toàn huyện Lạc Sơn.

Đến giờ, thẳm sâu trong ký ức của nhiều người già ở Chiến khu cách mạng Mường Khói (gồm hai xã Hoài Ân và Hiếu Nghĩa thuộc tổng Lạc Thành, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) vẫn luôn in đậm hình ảnh về ngày Tết Độc lập đầu tiên, về mùa thu cách mạng 1945 và về những tháng ngày cờ đỏ sao vàng rực rỡ với niềm hạnh phúc vô bờ khi giành được chính quyền. Để rồi, cứ mỗi độ thu về, ký ức về những ngày tháng hào hùng đó lại ùa về ăm ắp trong mỗi người dân Mường Khói.

anh-bai-ngay-hoi-tren-nui-cao-1.jpg
Cụ Bùi Thị Thật: “Cứ đến gần ngày 2/9, khắp Mường đều treo cờ, hoa, khẩu hiệu”.

Cụ Bùi Thị Thật, 91 tuổi, ở Lạc Sơn, Hòa Bình kể: “Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Dù tôi không được nghe trực tiếp mà chỉ được nghe qua đài, nhưng xúc động và sung sướng, rạo rực vô cùng. Khắp làng bản đều treo cờ, hoa, khẩu hiệu, mọi người ai cũng phấn khởi, bởi từ đây mọi người được trở thành những công dân tự do của một đất nước độc lập. Mấy chục năm trôi qua, nhưng giờ mỗi lần nghe lại lời Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, tôi vẫn cảm thấy xúc động”.

Để kỷ niệm dấu mốc quan trọng của đất nước, từ nhiều năm nay, người Mường ở Mường Khói nói riêng và nhiều vùng khác ở Hòa Bình nói chung, thường tổ chức ăn Tết Độc lập. Từ ông già bà cả cho đến các thanh niên nam nữ và trẻ em đều mặc những bộ quần áo mới nhất ra đường, đến nhà nhau thăm hỏi và ăn Tết. Đàn ông làm thịt lợn, thịt gà, phụ nữ gói bánh uôi, đồ xôi, nhà nhà sắp mâm cơm cùng bánh trái, hoa quả bày lên bàn thờ tổ tiên, cầu xin phù hộ cho con, cháu có sức khỏe, gia đình được hạnh phúc, làng xã được ấm no, quê hương, đất nước luôn được yên bình, giàu mạnh.

Ngày 2/9, từ sáng sớm, người dân các xã đã rộn ràng tham gia thi đánh mảng, bóng đá, cầu lông, bóng bàn... Tại các gia đình, mọi người sum vầy, cùng nhau uống chung vò rượu cần, thưởng thức mùi vị thơm ngon của các loại bánh. Cùng với các món ăn chính, bánh cũng hết sức quan trọng và không thể thiếu trong mâm cỗ của ngày Tết độc lập. Bà con người Mường có rất nhiều loại bánh truyền thống, tuy nhiên trong dịp lễ này, người Mường Vang thường làm loại bánh uôi.

anh-bai-ngay-hoi-tren-nui-cao-3.jpg
Mâm cỗ mừng Tết Độc lập của người Mường.

Để làm bánh, các gia đình đều phải chuẩn bị nguyên liệu từ trước. Lá bương lấy từ rừng về được phơi khô, gạo nếp phải xay kỹ để làm bánh. Khi đã có hỗn hợp bột, người ta đem nặn thành từng chiếc bánh nhỏ, rắc lạc, vừng lên trên và được quấn lại bằng lá bương. Bánh uôi được gia chủ dùng để tiếp đãi và làm quà cho khách khi đến chơi nhà. Sau khi đã chế biến đủ các món ăn truyền thống bắt buộc, trước khi dọn tiệc đãi khách thì gia chủ phải làm lễ dâng cúng tổ tiên. Báo cáo với tổ tiên hôm nay là ngày được gia đình chọn và tổ chức lễ mừng Tết Độc lập của đất nước.

Bữa cơm lễ mừng ngày Quốc khánh của người Mường có sự sum vầy của anh em, con cháu trong gia đình và hàng xóm trong làng, ngoài bản. Mọi người cùng nhau chuyện trò, nhấm nháp hương vị của rượu cần và những món ăn đã có mặt trong đời sống ẩm thực của tổ tiên từ bao đời truyền lại.

Trải qua thời gian, nét văn hóa đẹp này được người Mường ở Lạc Sơn nói riêng và ở đất Mường Hòa Bình nói chung được gìn giữ. Đồng thời, hoạt động vui chơi trong dịp nghỉ Tết Độc lập này đã góp phần củng cố tình đoàn kết, tính cố kết cộng đồng; gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa và hun đúc thêm truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam.

T. Thành