Phóng sự - Ghi chép

Tết Độc lập giữa đại ngàn

T. Thành 30/08/2023 06:34

Hàng năm, cứ đến dịp mồng 2/9, đồng bào các dân tộc Khùa, Mày, Sách, Rục, Mã Liềng… sống trên dãy Trường Sơn lại tưng bừng đón Tết Độc lập. Đó cũng là cách để đồng bào bày tỏ lòng biết ơn Đảng, ơn Bác đã đem lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Bày tỏ lòng biết ơn Đảng và Bác Hồ

Đến bây giờ, những người già của dân tộc Khùa ở Minh Hóa, Quảng Bình vẫn lưu truyền câu chuyện về nguồn gốc của mình. Câu chuyện của họ nghe có phần trắc trở như chính tên gọi của tộc người, như hành trình của tổ tiên họ đến với vùng đất miền Trung Việt Nam.

Câu chuyện kể rằng: Tổ tiên của người Khùa xuất xứ từ nước Lào. Nhưng từ thế kỷ XIX, giặc Xiêm đưa quân đến xâm chiếm rồi cướp bóc, giết hại dân làng. Để lánh nạn, các tướng lĩnh người Lào đã tổ chức cho một số dân sơ tán qua đất Việt Nam. Khi vượt qua biên giới và đỉnh Trường Sơn rồi xuôi theo dòng sông Gianh, họ về sinh sống ở Đồng Lào, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa. Ở đây được một thời gian thì người Việt cũng đến ở chung. Cuộc sống, phong tục, ngôn ngữ của hai bên bất đồng nên người Lào về thôn Kiên Trinh, xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa định cư.

Lúc đó, Kiên Trinh là một thung lũng hoang vu, có nhiều loại động vật hung dữ sinh sống. Ở đây được khoảng 10 năm, nhóm người này bị hổ tấn công nên họ buộc phải rút lên vùng biên giới xã Dân Hóa. Tới đây, phần lớn người Lào khỏe mạnh trở về quê cha đất mẹ, còn những người già, phụ nữ, hay những người đang nuôi con nhỏ đã dừng chân rồi thành lập những bản làng.

Thời bấy giờ, người Khùa sống gần như tách biệt, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của họ phần nhiều dựa vào tự nhiên bằng cách săn bắt hái lượm, trồng trỉa trên núi cao. Bởi họ vẫn nghĩ dân tộc mình phải mang một lời nguyền truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó là mãi sống kiếp lang thang, đời đời cô độc như đại bàng. Không có tổ, sinh ra, lớn lên rồi chết đi trong hang đá. Những người Khùa ở đây cũng không nằm ngoài quy luật này. Họ sống lầm lũi, cô độc giữa rừng sâu, không mấy liên hệ với cộng đồng xung quanh mình.

Theo quan niệm của người Khùa thì một ngọn núi, phía trên là địa phận của trời, là nơi linh thiêng để vươn tới, còn bên dưới là cõi âm, cây cối, đất đai, sông suối... thuộc về ma, thế nên họ không có thói quen sinh sống tại những vùng thấp. Chính vì lẽ ấy mà dẫu bao đời chịu đói khổ vì sống biệt lập nơi rừng hoang, thiếu nước và đất canh tác, nhưng người Khùa vẫn không chịu rời khỏi vùng đất của tổ tiên. Đã vậy, các hủ tục hà khắc, thói quen sinh hoạt lạc hậu, chất lượng cuộc sống thấp càng khiến cho số dân của dân tộc này ngày một ít đi.

Cuộc sống đói khổ, số lượng dân cư ít ỏi là vậy, nhưng những người Khùa hiền lành, thương khó này đã cùng "đất nước đứng lên" chống lại kẻ thù xâm lược. Khi giặc Pháp kéo đến, những người Khùa dù còn mang nhiều họ khác nhau nhưng đã đoàn kết, gắn bó keo sơn, cùng nhau đấu tranh chống lại kẻ thù. Rồi đến những năm đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạng nước ta phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Khùa phấn khởi, một lòng theo đi theo cách mạng.

anh-bai-tet-doc-lap-giua-dai-ngan-3.jpg
Đồng bào sống trên dãy Trường Sơn thường hay thờ ảnh Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau này, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, người Khùa đã bước ra khỏi rừng già sâu thẳm để lập làng, lập bản. Từ cuộc sống ăn hang ở lỗ, từ mái đá hoang vu, dân tộc này đã và đang từng bước hòa nhập với cộng đồng về mọi mặt, nhất là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Để tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào đã xin được lấy họ Hồ làm họ của mình. Lịch sử ghi nhận rằng, sự có mặt người Khùa trên đất Việt Nam muộn hơn so với nhiều dân tộc khác, song với nền nếp chuẩn mực nên cộng đồng này tạo được nhiều dấu ấn tốt đẹp trong việc hòa nhập với các dân tộc bản địa đến trước đó và góp thêm nhiều bản sắc văn hóa độc đáo.

Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, trên ban thờ của mỗi gia đình người Khùa đều có để di ảnh của Người ở vị trí chính giữa, vị trí trang trọng nhất. Và cứ vào mỗi dịp Tết Độc lập 2/9 hàng năm, gia đình nào cũng thường làm một mâm cỗ cúng đặt lên ban thờ. Mâm cỗ đó được đồng bào tâm niệm là giỗ Bác Hồ, sau nữa là mời thân nhân đã khuất về vui cùng con cháu, quê hương trong dịp lễ trọng.

anh-bai-tet-doc-lap-giua-dai-ngan-2.jpg
Thịt lợn, mổ gà đón Tết Độc lập. (Ảnh: ĐĐ)

Giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau

Cũng giống như dân tộc Khùa, hàng ngàn gia đình người Pa Cô, Vân Kiều, Mày, Sách, Rục… sống dọc trên dãy Trường Sơn đều có tục ăn Tết Độc lập. Theo ông Hồ Văn Sống, người dân tộc Vân Kiều ở thôn A Đên, xã Hồng Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế thì phong tục ăn Tết Độc lập của người Pa Cô, Vân Kiều ra đời từ cuối những năm 50, 60 của thế kỷ trước.

anh-bai-tet-doc-lap-giua-dai-ngan-1.jpg
Ông Hồ Văn Sống: “Người Pa Cô, Vân Kiều có tục ăn Tết Độc lập từ mấy chục năm nay”.

Để ghi nhớ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng bào đã lấy ngày mồng 2/9 hàng năm để tổ chức lễ hội, ăn mừng. Lễ hội đó, tưng bừng náo nức chả khác gì ngày Tết, cũng vì thế, cái tên Tết Độc lập ra đời. Mới đầu, Tết thường được tổ chức ở các thôn bản, về sau mọi người thường tụ tập về các khu vui chơi, có mặt bằng rộng, như chợ, nhà văn hóa thôn, bản để dễ giao lưu và tham dự các trò chơi.

Còn ở các xã thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, đồng bào cho biết: “Từ 2/9/1954, người dân ở các xã Tân Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn… đã tổ chức đón Tết Độc lập rất linh đình. Hôm đó, hàng ngàn người dân đã tập trung đến thôn Bình Minh, xã Trung Hóa dự lễ. Khu vực này diễn ra cuộc tổng duyệt binh của dân quân, du kích. Mấy trăm người tập hợp bắn loạt đạn bằng súng trường rền vang núi rừng. Tiếp đó, những bậc cao niên chọn ra người có uy tín nhất vùng đứng lên trước hàng vạn người đọc lại bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát động phong trào thi đua yêu nước. Lễ được tổ chức xong, dòng người kéo về xã Tân Hóa cỗ vũ cho giải đua thuyền, đánh đu, ném xoang, thổi khèn... Vào ban đêm, hàng ngàn người vây quanh đống lửa xem biểu diễn văn nghệ, múa võ, diễn xướng dân ca bản địa”.

Cũng từ năm 1954, nhiều dân tộc ở Minh Hóa bắt đầu ăn Tết Độc lập 4 ngày như Tết Nguyên đán. Dẫu chiến tranh bom đạn tàn phá, gia cảnh ai cũng cực khổ, nhưng đến ngày Quốc khánh, nhà nào cũng tươm tất gói bánh chưng. Bánh chưng biểu tượng của sự trịnh trọng, thương quý để dâng lên Bác.

Đối với đồng bào người Rục, họ ăn Tết Độc lập muộn hơn “những người anh em” của mình vì mới rời hang đá mấy chục năm nay. Ông Trần Văn Tư, trưởng bản Ón (Thượng Hóa), kể rằng: Gần 40 năm về trước, người Rục mới bắt đầu tổ chức ăn Tết Độc lập. Nhà nào có điều kiện thì gói bánh chưng, nhà nào không có điều kiện, nghèo khó cũng mua ít thịt làm mâm cơm nóng. Nhà nào nghèo quá thì đi suối kiếm chút cá, măng rừng, ốc núi về nấu lên, đơm ra bát dĩa dâng cúng.

“Ở đây hộ rất nghèo phủ khắp các bản, nên nhà ai có điều kiện gói bánh chưng thì gói nhiều một chút rồi đi tặng những nhà khó khăn để bà con cùng thưởng thức bánh chưng ngày Tết Độc lập, như thế thì cả bản mới vui, đồng bào cùng vui”, ông Tư kể.

Còn đối với đồng bào Nguồn, tuy chỉ có gần 35 ngàn nhân khẩu, sinh sống chủ yếu ở huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) và hiện còn chưa được công nhận là một dân tộc trong các dân tộc Việt Nam, song cách họ ăn Tết Độc lập cũng có nhiều nét hết sức riêng biệt và đặc sắc. Thường thì Tết Độc lập của người Nguồn có phần lễ và phần hội. Trong phần lễ mừng, người dân dâng hương khói ở gia thất hoặc đình làng. Phần hội thường tổ chức những trò chơi dân gian như đánh đu, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao.

“Thường thì sau khi làm lễ xong, người dân ở Trung Hóa tổ chức đi chơi, thăm nhà nhau và ăn uống 4 ngày đêm như Tết Nguyên đán. Sau lễ cúng, người ta tổ chức “mời chùm” và “ăn chùm”, nghĩa là anh em, bà con, xóm làng, thông gia mỗi nhà làm một bữa rồi mời nhau. Hôm nay nhà này mời, hôm sau nhà khác mời….”, cụ Trương Văn Mạnh, một bậc cao niên ở thôn Thanh Liêm 1, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, chia sẻ.

Trong những ngày diễn ra Tết Độc lập, người già thường kể lại cho con cháu nghe chuyện của dân tộc mình. Từ chuyện lập đất lập bản thời xa xưa, rồi chuyện chiến đấu chống lại ngoại xâm. Rồi đến chuyện theo Việt Minh, theo bộ đội Cụ Hồ đứng lên đấu tranh giành độc lập. Tất cả đều được kể lại, như một cách trao truyền, nhắn gửi cho con cháu để chúng không quên nguồn cội, không quên lịch sử.

Có thể, mỗi dân tộc sinh sống trên dải Trường Sơn đều có những nét sinh hoạt văn hóa khác nhau, nhưng họ đều giống nhau ở chỗ có một tấm lòng son sắt thủy chung, luôn hướng về Đảng và Bác Hồ. Ăn Tết Độc lập cũng là một cách để họ bày tỏ tấm lòng đó, đồng thời giúp cho thế hệ sau biết phát huy truyền thống của dân tộc mình, trong kháng chiến cũng như trong xây dựng đất nước ngày nay.

T. Thành