Chặn dịch bệnh trước thềm năm học
Khi học sinh bắt đầu bước vào năm học mới cũng là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển, lây lan nhanh và bùng phát thành dịch đe dọa sức khỏe của trẻ.
Nhiều bệnh truyền nhiễm "tấn công" trẻ
Chỉ còn ít ngày nữa là bước vào năm học mới 2023 - 2024, trong khi tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng trở lại. Thống kê tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) từ đầu năm 2023 đến nay có 133 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết. Đặc biệt từ đầu tháng 8 đến nay đã có 97 trẻ nhập viện, trong đó nhiều trẻ có dấu hiệu cảnh báo.
Đối với bệnh tay chân miệng, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã có hơn 1.200 trẻ mắc đến khám với gần 500 bệnh nhân phải nhập viện điều trị từ đầu năm đến nay. Trong số đó có 20% - 30% trường hợp nhiễm chủng virus EV71. Đây là chủng gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tuần qua, cả nước ghi nhận hơn 5.700 trường hợp mắc tay chân miệng, không ghi nhận ca tử vong. Bệnh tay chân miệng đang lan nhanh và tăng hàng nghìn ca mỗi tuần.
Tính từ đầu năm, cả nước đã ghi nhận hơn 68.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tay chân miệng năm nay tính đến thời điểm này tăng 52,3%. Số ca tử vong đã tăng 15 trường hợp.
Ngoài sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, dịch viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) cũng đang lây lan nhanh. Điển hình, chỉ trong một tháng trở lại đây, Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp. Trong có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng như: Có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc). Trong 3 tuần của tháng 8/2023, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ.
Bên cạnh đó, cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do virus cúm gây ra rất dễ lây lan và có thể phát triển thành dịch lớn. Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hàng năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc cúm và nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 5-10% người lớn và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 - 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 - 500.000 người tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ dưới 5 tuổi và người trên 65 tuổi là những đối tượng dễ bị cúm tấn công. Bên cạnh đó là nhóm người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, bệnh mạn tính như hen suyễn hoặc nhóm phụ nữ có thai cũng là hay gặp các biến chứng nặng do bệnh cúm gây ra.
Tạo "lá chắn" phòng bệnh cho trẻ
Thời gian qua, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học. Đặc biệt, sắp tới học sinh quay lại trường học, trùng với thời điểm bệnh tay chân miệng tăng mạnh vào khoảng tháng 9, 10 hằng năm. Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, rất cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa của mỗi cá nhân và tập thể.
PGS.TS.BS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định mùa tựu trường là một trong những thời điểm "đáng lo nhất" của ngành y tế. Các trẻ được tiêm chủng sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh và không lây nhiễm cho bạn bè và những người trong gia đình.
"Tiêm chủng là suốt đời và phải ưu tiên tiêm cho trẻ nhỏ. Trẻ cần được tiêm đúng lịch, càng sớm càng tốt. Sắp đến mùa tựu trường phụ huynh nên xem lại con mình còn thiếu vaccine gì và hãy đưa các cháu đi tiêm", PGS.TS.BS Trần Đắc Phu đưa ra lời khuyên.
ThS.BS Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cũng cho rằng, vaccine là thành tựu y khoa giúp giảm nhiều trường hợp tử vong vì bệnh truyền nhiễm. "Người dân khi đưa con đi tiêm vaccine hoặc tiêm cho chính bản thân mình cần cung cấp đầy đủ tất cả thông tin về các lần tiêm chủng trước cũng như tình trạng sức khỏe. Đây là những thông tin cần thiết giúp bác sĩ có thể đưa ra những tư vấn, chỉ định tiêm vaccine phù hợp với mình", BS Nga lưu ý.
Bên cạnh việc cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch thì BS Nga cũng nhấn mạnh những biện pháp phòng ngừa không dùng thuốc khác như ăn uống thực phẩm an toàn, rửa tay, vệ sinh cá nhân, khu vực sinh sống… vẫn rất cần thiết. Cần tránh tâm lý tiêm phòng xong thì thoải mái, không cần phòng ngừa bệnh nữa. Chẳng hạn, với nhiều bệnh do muỗi truyền bệnh như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, việc vệ sinh nhà ở sẽ giúp loại trừ nơi sản sinh của muỗi.