Tân Hiệp Phát có dập tắt được “khủng hoảng con ruồi”?

Đời sống - Ngày đăng : 07:43, 17/03/2015

Câu chuyện “con ruồi 500 triệu đồng” dẫn tới khủng hoảng Tân Hiệp Phát đã kéo dài hơn một tháng. Càng đi sâu tìm hiểu vấn đề “con ruồi” - vật thể lạ xuất hiện trong những sản phẩm nước uống đóng chai của Tân Hiệp Phát càng thấy nhiều điểm bất thường...

Tân Hiệp Phát có dập tắt được “khủng hoảng con ruồi”?

Thời gian qua hàng loạt sản phẩm của Tân Hiệp Phát bị người tiêu dùng phát hiện có dị vật, mốc...

Thời gian qua có rất nhiều tờ báo, nhiều độc giả đã tốn không ít giấy mực để bàn luận, phê bình, đánh giá, thậm chí là kêu gọi tẩy chay những sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Ai cũng hiểu nếu dư luận cứ tiếp tục “ồn ào” thế này thì chẳng mấy chốc thương hiệu Tân Hiệp Phát cùng những sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng do Công ty này sản xuất và cung ứng sẽ có nguy cơ “biến mất” khỏi thị trường?

Tân Hiệp Phát có dập tắt được “khủng hoảng con ruồi”?

3 chai sữa đậu nành Soya Number 1 có dấu hiệu mốc đen dù còn hạn sử dụng do ông Nguyễn Quang Mạnh (chủ quán cafe ở TP Đà Nẵng) phát hiện được niêm phong - Ảnh: NLĐ

Tân Hiệp Phát có dập tắt được “khủng hoảng con ruồi”?

5 chai sữa đậu nành Soya Number 1 được người dân ở Cà Mau phát hiện có cặn đen

Điều đáng nói là khi những sản phẩm mang thương hiệu Tân Hiệp Phát bị công khai cho thiên hạ thấy có “vật thể lạ” thì chưa một lần nào Tân Hiệp Phát phủ nhận nguồn gốc của sản phẩm mà chỉ công bố dây chuyền sản xuất khép kín 100% đảm bảo sản phẩm khi xuất xưởng không có bất kỳ vật lạ nào có thể lọt vào trong được. Vậy lỗi do đâu? Ai là người phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng? Phải chăng có sự phá hoại nào đó nhằm hạ uy tín của Tân Hiệp Phát? Trả lời những thắc mắc của người tiêu dùng đến nay không còn là trách nhiệm của riêng Tân Hiệp Phát nữa. Cơ quan quản lý nhà nước, truyền thông và báo chí cần phải vào cuộc một cách nghiêm túc để tìm ra “thủ phạm” gây nên vụ lùm xùm này.

Tân Hiệp Phát có dập tắt được “khủng hoảng con ruồi”?

Một sản phẩm có "dị vật" của Tân Hiệp Phát bị khách hàng "tố" đến cơ quan báo chí.

Gần đây nhất, để chứng minh con ruồi không thể lọt vào chai nước giải khát trong quy trình sản xuất khép kín 100% mà Công ty này đang sử dụng tại Hà Nam và Bình Dương, Tân Hiệp Phát mở cửa nhà máy cho khách tham quan. Họ tuyên bố rằng nếu ai có thể bỏ thành công dị vật vào chai nước trong dây chuyền sản xuất này, công ty sẽ tặng 500 triệu đồng tiền mặt! Đồng thời họ đặt nghi vấn có sự phá hoại từ bên ngoài? Điều này có thể xảy ra vì những sản phẩm của Tân Hiệp Phát cung ứng trong thời gian qua chiếm lĩnh phần lớn thị trường nước uống chai, nên Tân Hiệp Phát có thể là “cái gai” trong mắt cần phải loại bỏ đối với doanh nghiệp nào đó - “đối thủ” cạnh tranh cung cấp các sản phẩm cùng loại.

Tân Hiệp Phát có dập tắt được “khủng hoảng con ruồi”?

Khách thăm khu thực hiện công đoạn vô trùng vỏ chai và đóng chai sản phẩm của Tân Hiệp Phát.

Sau đợt tham quan đầu tiên, người tiêu dùng chưa phát hiện thấy khả năng lọt dị vật hay “con ruồi” vào chai nước ở dây chuyển sản xuất khép kín. Thế nhưng, những hình ảnh trực quan về dây chuyền khép kín, “chống di vật 100%” liệu có thể đẩy lùi “khủng hoảng con ruồi”?

Ở khía cạnh khác, cũng không loại trừ sự phá hoại có thể đến từ “bên trong” và nó thuộc về yếu tố con người? Vì chẳng có gì đảm bảo từ trước đến nay Tân Hiệp Phát không làm mất uy tín đối với một nhóm người nào đó đang làm việc cho họ?

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là nghi vấn, và để làm rõ được những nghi vấn này, thiết nghĩ Tân Hiệp Phát và cơ quan chức năng cần phải vào cuộc điều tra, khảo sát để tìm ra căn nguyên. Và nếu giả thiết này là có thật thì rõ ràng đây không còn là sự cố bình thường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nữa, mà nó hành vi phá hoại, vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh, an toàn vệ sinh thực phẩm gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng cần phải được nghiêm trị.

Đứng dưới góc độ quản lý nhà nước, nếu tình trạng của Tân Hiệp Phát không được giải quyết một cách triệt để, chấm dứt sớm, rất có thể doanh nghiệp không thể tránh khỏi thiệt hại tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến thua lỗ hoặc phá sản. Điều này còn có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp sẽ cảm thấy lo ngại vào năng lực quản lý của cơ quan nhà nước khi không bảo đảm được quyền và lợi ích cho họ khi gặp phải những sự cố tương tự hoặc phức tạp hơn.

Nói về vụ “khủng hoảng con ruồi” của Tân Hiệp Phát, nhiều chuyên gia truyền thông và marketing nhận định: Người Việt Nam trọng cái tình hơn lý. Cộng đồng mạng thì thích đứng về phía người yếu hơn là kẻ mạnh. Nếu Tân Hiệp Phát cứ tiếp tục nói về cái lý và đứng ở thế kẻ mạnh thì khủng hoảng không bao giờ chấm dứt. Dù do ai và bằng cách nào nhưng nếu sản phẩm đến tay người tiêu dùng không hoàn hảo thì Công ty vẫn nên nhận lỗi về mình. Hơn bao giờ hết, điều quan trọng người tiêu dùng cần ở Tân Hiệp Phát bây giờ là một lời xin lỗi phù hợp về cách hành xử và sản phẩm bị lỗi.

Cây ngay không sợ chết đứng! Nếu Tân Hiệp Phát cho rằng mình không có lỗi, thiết nghĩ để bảo vệ quyền lợi của mình và người tiêu dùng, ngay bây giờ, Ban lãnh đạo Tân Hiệp Phát cần phải tỏ rõ thiện chí, mời các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân xảy ra những sự cố trong thời gian qua. Có như vậy thì sự việc mới có thể lắng xuống, và Tân Hiệp Phát mới có thể lấy lại niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm của mình cung ứng.

Huyền Trang