Đổi tên thành Luật Căn cước sẽ đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý dân cư
Trả lời Báo Công lý, Ông Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã có một số lý giải cũng như quan điểm nhìn nhận của ông đối với một số ý kiến còn có sự khác nhau xung quanh 2 Dự thảo: Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT.
Người dân có thể yên tâm về vấn đề bảo mật thông tin
(PV) Thưa ông, về tên gọi, dự thảo dự án Luật Căn cước có sự chỉnh lý từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”, hiện có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Quan điểm của ông về tên gọi của dự thảo Luật?
Về tên gọi của dự thảo Luật, tôi cho rằng việc đổi tên gọi của Luật thành Luật Căn cước trong lần sửa đổi luật lần này đã thể chế hóa được các chủ trương của Đảng về việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý cư trú.
Mặt khác, Điều 14 Hiến pháp cũng quy định rõ quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Việc đổi tên gọi thành Luật Căn cước chính là hướng tới việc bao quát và mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân phải được điều chỉnh bằng văn bản Luật.
(PV) Hiện vẫn có những ý kiến cho rằng việc thay đổi tên gọi từ “Thẻ Căn cước công dân” thành “Thẻ Căn cước” sẽ làm phát sinh thủ tục đổi thẻ và phát sinh chi phí cho xã hội, ông có đánh giá gì về vấn đề này?
Dự thảo Luật đã có quy định chuyển tiếp tại Điều 46: "Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng; Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này"; Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp. Theo đó, việc đổi tên thẻ cũng không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội.
(PV) Trên thực tế không tránh khỏi những lo ngại về công tác bảo vệ, bảo mật đối với những thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước. Đề nghị ông cho biết dự thảo Luật có quy định cơ chế bảo vệ như thế nào đối với các cơ sở dữ liệu vừa nêu?
Tôi nghĩ người dân có thể yên tâm về vấn đề bảo mật thông tin của mình bởi dự thảo Luật đã có quy định cụ thể về vấn đề này tại khoản 4 Điều 10, theo đó “ Hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, pháp luật về an ninh mạng và pháp luật về an toàn thông tin mạng”.
Ngoài ra, từ thực tiễn các nước trên thế giới cũng như ở nước ta đây là một trong những vấn đề luôn được các Chính phủ quan tâm đầu tư các nguồn lực tốt nhất để tăng cường năng lực về chuyên môn và kỹ thuật, bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ an toàn ở mức tối đa. Vấn đề thu thập, quản lý, sử dụng và khai thác các Cơ sở dữ liệu quốc gia cũng luôn được giám sát bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau trong đó có cơ quan lập pháp là Quốc hội.
Cần quy định cụ thể hơn về chế độ, chính sách của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở.
(PV) Ở Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT lần này không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an cấp xã mà chỉ giới hạn trong một số nhóm đối tượng nhất định, đánh giá của ông về vấn đề này như thế nào ?
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, tôi tán thành với dự thảo Luật theo đó đối tượng điều chỉnh chỉ bao gồm ba nhóm đối tượng đó là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách mà không mở rộng thêm đối với các đối tượng để bảo đảm về vị trí, vai trò cũng như tính chất hoạt động giữa lực lượng do chính quyền thành lập so với lực lượng hoạt động hoàn toàn tự quản hoặc theo hợp đồng dịch vụ bảo vệ. Đồng thời, với quy định này cũng không làm phát sinh thêm về bộ máy, biên chế và các chi phí khác so với lực lượng này hiện có trên thực tế.
(PV) Theo ông vị trí, vai trò của lực lượng này trong việc xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự và trong việc hỗ trợ cho lực lượng Công an trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được dự thảo Luật quy định như thế nào?
Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được dự thảo Luật làm rõ theo hướng đó là lực lượng này làm nòng cốt trong hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Đồng thời, lực lượng này không phải là lực lượng làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về ANTT ở cơ sở và đây là điều hoàn toàn phù hợp với tính chất, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT, trật tự ở cơ sở.
(PV) Quan điểm của ông về vấn đề trách nhiệm pháp lý trong trường hợp lực lượng này có những vi phạm gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ?
Về trách nhiệm pháp lý trong trường hợp lực lượng này vi phạm, gây ra thiệt hại, tôi cho rằng mặc dù đây là lực lượng quần chúng được tuyển chọn TGBVANTT ở cơ sở, tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của Công an cấp xã. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xâm hại do lực lượng này gây ra thì cần phải quy định cụ thể cơ chế xử lý, trách nhiệm của các bên liên quan ngay trong Luật này mới bảo đảm tính khả thi, tính hiệu lực hoặc không tạo ra khoảng trống khi Luật đi vào cuộc sống.
(PV) Về cơ chế bảo đảm cho hoạt động của lực lượng này có nhiều ý kiến lo ngại sẽ làm phát sinh nhiều chi phí, áp lực thêm cho ngân sách nhà nước… ông có đề xuất hoặc ý kiến về vấn đề này?
Về cơ chế bảo đảm cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bao gồm kinh phí hoạt động, trang bị cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và các chế độ, chính sách liên quan dự thảo Luật đã đưa ra trên cơ sở thống kê, rà soát, đánh giá tác động…
Tuy nhiên, tôi đề nghị cần phải quy định cụ thể hơn nữa đặc biệt là chế độ, chính sách dành cho lực lượng này như chế độ hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế… theo hướng vừa bảo đảm khả năng cân đối ngân sách, vừa bảo đảm thu hút, khuyến khích, sự cống hiến và duy trì sự ổn định của lực lượng này.
Cám ơn ông về cuộc trao đổi này!