Thấy gì từ dữ liệu về kinh tế phi chính thức, kinh tế ngầm ở Việt Nam?
Khu vực kinh tế phi chính thức đang chiếm khoảng 4,14% quy mô GDP nền kinh tế, trong đó Hà Nội, TP.HCM là hai thành phố có khu vực kinh tế phi chính thức lớn nhất cả nước. Chỉ tính riêng năm 2021 khu vực này cũng đã tạo ra giá trị tăng thêm gần 351.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 14,7 tỉ USD.
Khó đo lường kinh tế ngầm và bất hợp pháp
Văn phòng Chính phủ vừa lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về kết quả thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát năm 2022.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã gửi đến Thủ tướng báo cáo kết quả thực Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát năm 2022 và công việc thực hiện năm 2023 (Đề án NOE), với nhiều con số đáng lưu tâm mà bộ này đã đo lường được trong năm vừa qua.
Việc đo lường khu vực kinh tế chưa quan sát được trong nền kinh tế được Bộ KH&ĐT thực hiện dựa trên 5 hoạt động kinh tế, bao gồm: “Hoạt động kinh tế ngầm” là hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị giấu diếm một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội; “Hoạt động kinh tế bất hợp pháp” là hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm và các hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép;
“Hoạt động kinh tế phi chính thức” chưa được quan sát, là bộ phận kinh tế phi chính thức chưa được thu thập thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh; “Hoạt động kinh tế tư sản, tự tiêu” của hộ gia đình, là hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tiêu dùng và tích lũy cho chính các thành viên của hộ gia đình đó; “Hoạt động kinh tế bị bỏ sót” trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê, là hoạt động kinh tế lẽ ra phải được thu thập thông tin biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống tài khoản quốc gia và các chi tiêu thống kê khác, nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập các thông tin đó.
Theo Bộ KH&ĐT, trong 5 thành tố của khu vực NOE, “hoạt động kinh tế bị bỏ sót” trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê đã được Bộ này tiến hành rà soát trong quá trình thực hiện đánh giá lại quy mô GDP năm 2019. Trong khi “hoạt động tự sản tự tiêu” của hộ gia đình và “khu vực kinh tế phi chính thức” đã được thu thập thông tin và tính toán trong phạm vi quy mô GDP.
"Thực hiện Đề án NOE, Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê) tiến hành bóc tách 2 thành tố này trong quy mô GDP để đánh giá quy mô trong nền kinh tế, đồng thời phục vụ công tác hoạch định chính sách chính thức hóa khu vực phi chính thức", Bộ này thông tin.
Còn hai thành tố “hoạt động kinh tế ngầm” và “kinh tế bất hợp pháp” là các hoạt động khó thực hiện thu thập thông tin và đo lường nhất. Đến nay, Tổng cục Thống kê mới chỉ xác định được phương pháp đo lường khu vực kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp bằng phương pháp đầu vào lao động và phương pháp cân bằng luồng sản phẩm phù hợp với thông tin hiện có.
Địa phương nào đứng đầu cả nước về kinh tế phi chính thức?
Đánh giá thực trạng hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức, Bộ KH&ĐT đưa ra một số đặc điểm như: quy mô vốn và lao động nhỏ; không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh; không ký hợp đồng lao động, không có hệ thống sổ sách ghi chép kế toán; không tách biệt tài sản và lao động của cơ sở cho sản xuất và sinh hoạt; không có tư cách pháp nhân.
Từ kết quả đo lường, Bộ KH&ĐT đã đưa ra dữ liệu đáng chú ý về khu vực phi chính thức ở nước ta năm 2020-2021. Cụ thể, số lượng cơ sở phi chính thức năm 2021 chiếm 77,4% tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Về tốc độ tăng, thời kỳ dịch bệnh Covid-19 năm 2021, số lượng cơ sở phi chính thức tăng 2,3% so với năm 2020, tương đương tăng khoảng 89.000 cơ sở.
10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ trọng cơ sở phi chính thức lớn nhất chiếm khoảng 36% tổng số cơ sở phi chính thức cả nước (trong đó thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ nhất và thứ hai cả nước với tỷ trọng lần lượt là: 7,16% và 6,82%). Tiếp theo lần lượt là: Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương.
Đây là các thành phố có quy mô kinh tế lớn, tập trung đông dân cư, người lao động, cũng là nơi quy tụ các hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo, tiểu thủ công nghiệp làng nghề và các hoạt động dịch vụ thị trường, nhỏ lẻ.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, lao động làm việc tại các cơ sở phi chính thức năm 2021 chiếm 74% tổng số lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Số lao động bình quân làm việc tại một cơ sở phi chính thức năm 2021 từ khoảng 1-2 lao động/cơ sở, trong đó thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh có số lao động bình quân lần lượt là: 1,8 người/cơ sở và 1,7 người/cơ sở.
10 tỉnh, thành phố có tỷ trọng doanh thu phi chính thức năm 2021 lớn nhất chiếm khoảng 40% tổng doanh thu toàn khu vực phi chính thức cả nước, trong đó thành phố Hà Nội chiếm 7,43% tổng doanh thu khu vực phi chính thức cả nước; thành phố Hồ Chí Minh chiếm 4,48%.
Giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức năm 2021 chiếm 4,14% quy mô GDP theo giá hiện hành. Kết quả này đã được thu thập, tính toán bao gồm trong quy mô GDP cả nước năm 2021 và được tính toán, bóc tách riêng cơ cấu của khu vực phi chính thức trong quy mô GDP năm 2021 phục vụ thực hiện Đề án NOE.
Nếu xét theo ngành kinh tế, giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức công nghiệp và xây dựng năm 2021 chiếm 26,95% tổng giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức; khu vực phi chính thức dịch vụ chiếm 75,52%. Trong các ngành kinh tế, ngành bán buôn bán lẻ chiếm 32,59%, cao nhất trong các ngành; tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 20,4%; ngành dịch vụ lưu trú ăn uống chiếm 12,95%.
Còn xét theo vùng kinh tế, vùng đồng bằng sông Hồng là vùng tạo ra giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức năm 2021 lớn nhất, đạt 104,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,7%; tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đạt 76,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,8%; vùng Đông Nam Bộ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,8%; vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 58,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,7%; vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 32,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,3%; thấp nhất là vùng Tây Nguyên chỉ đạt 16,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,6%.
Như vậy khu vực kinh tế phi chính thức cả nước năm 2021 đã tạo ra giá trị tăng thêm gần 351.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 14,7 tỉ USD.