"Tết Độc lập” về sớm trên quê hương Đại tướng
Một tuần nữa, "Tết Độc lập” mới về trên mọi miền Tổ quốc, nhưng với người Lệ Thủy, Quảng Bình - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tết đã bắt đầu rộn ràng từ cả tháng trời nay với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mà bất kỳ ai đặt chân đến miền đất này đều không khỏi bịn rịn.
Ngày 25/8, dòng sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) dậy sóng với tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng mõ để cổ vũ cho màn tranh đua quyết liệt của các thuyền đua. Dưới sông, những tay đua trên thuyền đang chuẩn bị đua vòng loại cho “Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang”. Đây là lễ hội văn hóa cấp tỉnh Quảng Bình và là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được tổ chức thường niên vào ngày “Tết độc lập” 2/9 trên quê hương Đại tướng.
Lịch sử của người xưa kể lại, cứ đến hè là sông Kiến Giang đều khô cạn nước bởi hạn hán. Tháng 8, Lệ Thủy lại có mưa, nước sông dâng đầy, ruộng đồng ngập nước, thuận lợi cho việc đồng áng. Từ đó, dân làng khắp nơi mới mở hội đua thuyền ăn mừng, cũng là mang ý nghĩa rèn luyện sức khỏe, thi thố tài năng của trai bơi, gái đua và cầu mong một mùa mưa thuận gió hòa sản xuất bội thu.
Ngày 2/9/1946, nhân dân Lệ Thủy đã tổ chức Tết Độc lập và Lễ hội bơi, đua thuyền với quy mô cấp huyện. Và cứ đến ngày 2/9 hàng năm, nơi đây lại dậy vang tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng mõ với những màn tranh đua quyết liệt của các thuyền đua trên sông.
Vào ngày 27/8/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định đưa Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Những trai bơi, gái đua là những thanh niên dạn dày sông nước. Đặc biệt, họ chỉ được ăn cơm rang giòn trước khi xuống thuyền để đủ dẻo dai đưa thuyền về đích. Mỗi cuộc đua bơi thường có 14-16 cặp. Trai bơi dùng mái chầm, nữ đua dùng mái chèo, đoạn đường bơi dài từ 18-24 km.
Thuyền đua bơi được làm từ những thân gỗ dài 20-30 m, được cưa xẻ theo thước tấc nghiêm ngặt, cộng với những bí truyền ngàn đời để hình thành nên chiếc thuyền đua bơi. Các công đoạn đóng thuyền luôn được chăm chút cẩn thận dưới bàn tay những nghệ nhân tâm huyết.
Với người dân Lệ Thủy, đua bơi thuyền là danh dự, là máu thịt, là một phần truyền thống không thể thiếu. Vậy nên các làng, xã tham dự giải đều rất nghiêm túc và quyết tâm để có thể đạt được kết quả cao. Nếu kết quả không tốt thì cũng phải thể hiện được độ chơi “đẹp” và tinh thần không nản chí của mình.