TAND tỉnh Lạng Sơn làm tốt công tác tuyên truyền qua những phiên tòa xét xử lưu động
Để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được sâu sát hơn với người dân, thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các cơ quan tố tụng, chính quyền các địa phương để tổ chức xét xử lưu động một số vụ án hình sự tại cơ sở. Thông qua những phiên tòa xét xử lưu động, người dân được “tai nghe, mắt thấy” và hiểu rõ từng hành vi, vụ việc vi phạm pháp luật cụ thể, đồng thời thấy sự nghiêm minh của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Với đặc thù về địa hình là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc (Việt Nam – Trung Quốc), nhận thức về pháp luật của người dân còn kém, nên TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn khi tổ chức xét xử một phiên tòa lưu động còn gặp rất nhiều những khó khăn, từ chi phí cho đến việc sắp xếp hội trường xét xử, công tác an ninh bảo vệ phiên tòa.
Tuy nhiên, để răn đe cái ác đã xảy ra thì những phiên tòa như thế lại góp phần rất lớn vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân, nên những cán bộ TAND hai cấp của tỉnh Lạng Sơn đã phải nỗ lực rất nhiều để đưa ra xét xử lưu động những vụ án phù hợp với tuyên truyền pháp luật và có tính chất hiệu ứng cộng đồng cao.
Từ thực tiễn cho thấy, những phiên tòa lưu động đã phần nào hiệu quả trong việc phổ biến giáo dục pháp luật cho người tham dự phiên tòa, nâng cao ý thức pháp luật cho quần chúng nhân dân, tạo niềm tin của người dân vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trang bị cho người dân những kiến thức pháp luật cần thiết để tự bản thân họ tránh những hành vi vi phạm pháp luật và giáo dục con em của mình.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Phùng Đức Chính, Phó Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại các địa bàn xảy ra vụ án.
Đặc biệt những năm gần đây, TAND hai cấp cũng tăng cường tổ chức xét xử lưu động tại các trường học với mục đích giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, thanh thiếu niên - những đối tượng dễ bị lôi kéo vi phạm pháp luật do chưa hoàn thiện về nhận thức.
Cụ thể, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã tổ chức 58 phiên tòa xét xử lưu động, trong đó có 7 phiên tòa lưu động tại các trường phổ thông trung học và Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; đoàn thanh niên Tòa án hai cấp phối hợp với các cơ sở đoàn tổ chức 03 phiên tòa giả định tại trường học.
Các vụ án được lựa chọn để xét xử lưu động tại trường học chủ yếu là các vụ án về Trộm cắp tài sản, Cố ý gây thương tích, Mua bán trái phép chất ma túy, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Thông qua các phiên tòa xét xử lưu động mong muốn giúp cho các em học sinh, thanh thiếu niên nâng cao ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật, điều chỉnh hành vi ứng xử phù hợp, góp phần phòng chống tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc xét xử lưu động còn rất nhiều khó khăn, nhưng từ thực tế lại cho thấy mỗi phiên tòa lưu động đều thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham dự, các bản án và hình phạt nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, nhận được sự đồng tình của người dân. Cho nên việc xét xử lưu động vẫn được đánh giá là hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả.
"Thời gian tới TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn tiếp tục khắc phục khó khăn, sắp xếp những vụ án phù hợp để đưa ra xét xử lưu động, các phiên tòa được tổ chức tại nơi xảy ra vụ án, trường học, nơi bị cáo thường trú; những địa bàn thường xảy ra vi phạm pháp luật, những vụ án nghiêm trọng, nơi người dân còn có hạn chế về nhận thức pháp luật…", ông Chính cho biết thêm.
Thông qua những phiên tòa xét xử lưu động người dân thấy đó là bài học, hiểu biết cặn kẽ hơn về pháp luật để răn dạy con cháu, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật đối với mỗi công dân.
Vậy nên để nâng cao chất lượng các phiên tòa xét xử lưu động cũng như hiệu quả tuyên truyền trong nhân dân, thời gian tới rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương hỗ trợ hệ thống TAND trong công tác tuyên truyền qua các phiên tòa lưu động, giúp người dân trực tiếp nâng cao nhận thức trước những hành vi vi phạm pháp luật.