Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng - PGS.TS. Nguyễn Hồi Loan: "Đừng đổ lỗi lên đầu các em"
Đời sống - Ngày đăng : 09:38, 14/03/2015
Những ngày qua, xã hội lại một lần nữa nóng lên với vấn đề bạo lực học đường khi clip một học sinh lớp 7/5 trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) bị đánh hội đồng chỉ vì... không nghe lời lớp trưởng bị tung lên mạng.
Báo Công lý điện tử đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hồi Loan, chuyên gia tâm lý, giảng viên Khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.
PGS.TS. Nguyễn Hồi Loan (Ảnh: Internet)
Mấy ngày qua, clip nữ sinh lớp 7 tại một trường học đánh nhau gây xôn xao dư luận. Dưới góc độ một nhà giáo, ông đánh giá như thế nào về vấn nạn “bạo lực học đường” hiện nay, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên?
PGS.TS. Nguyễn Hồi Loan: Bạo lực học đường diễn ra và trở thành một hiện tượng khá phổ biến ở nước ta hiện nay, không chỉ ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và ở nhiều tỉnh, thành khác, mà ngay cả ở những vùng nông thôn. Với tư cách một nhà giáo, tôi cảm thấy đây thực sự là một điều đáng buồn.
Trong lịch sử nền giáo dục của nước ta, từ khi nước ta trở thành một nước độc lập cho đến nay, chưa có giai đoạn nào mà vấn đề bạo lực học đường lại diễn ra một cách đau lòng như vậy. Và dù ở góc độ nào thì nó cũng thu hút sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là các bậc cha mẹ, giáo viên, các nhà quản lý giáo dục.
Và một vấn đề, đáng lý ra phải bàn bạc nhằm tìm ra phương án, cách thức giải quyết thấu đáo ngay từ đầu, từ khi chúng mới manh nha, thì dường như chúng ta chưa quan tâm đúng mức tới nó, để cho nó trở thành hiện tượng phổ biến như hiện nay.
Vậy lý do gì khiến “bạo lực học đường” phổ biến, trở thành “hiện tượng”, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Hồi Loan: Nguyên nhân thì có nhiều, và chúng ta không nên chỉ xem xét một hiện tượng từ phía bản thân các em, bởi nó có thể ảnh hưởng từ rất nhiều phía, như các nhà quản lý xã hội, các nhà lãnh đạo, gia đình…
Hiện tượng “bạo lực học đường” thường xảy ra ở lứa tuổi vị thành niên, các em ở các trường phổ thông, bởi giai đoạn này các em có sự biến đổi đặc biệt quan trọng về cơ thể, về tâm sinh lý, cảm xúc. Các em thường khó có được kỹ năng kiểm soát cảm xúc, thường hành vi và việc làm bị cảm xúc lấn át. Nhưng nói vậy là chỉ về mặt cơ sở sinh học thôi. Nếu như chúng được trang bị những kỹ năng để biết được cách kiểm soát hành vi, kiềm chế cảm xúc của mình thì cảm xúc ấy sẽ được giải tỏa một cách hợp lý, và không dẫn đến hành vi bạo lực đối với người khác.
Hình ảnh nữ sinh lớp 7/5 bị đánh hội đồng được cắt từ clip
Với những em là đối tượng của bạo lực học đường, thì thường do nhiều yếu tố tích tụ. Những em này thường gặp vấn đề về gia đình, chẳng hạn như bố mẹ thường xuyên cãi cọ hoặc có những hành vi thô bạo trong gia đình; các em không được quan tâm, thiếu dân chủ, trao đổi nói chuyện qua lại với cha mẹ, thường bị ứng xử độc đoán bởi cha mẹ... Chính những điều này thường để lại cảm xúc tiêu cực ở đứa trẻ, bởi cảm xúc con người có quy luật di truyền từ người này sang người khác, từ đối tượng này sang đối tượng khác. Và khi cảm xúc tiêu cực không được giải tỏa để tạo sự cân bằng, thì sẽ tích tụ lại đến một giai đoạn nhất định, khi gặp hoàn cảnh sẽ bùng phát, sẽ trút bỏ cảm xúc tiêu cực ấy lên người khác, chẳng hạn như bạn bè trong trường, ngoài lớp, ngoài trường… Đôi khi chỉ một va chạm nhỏ thôi thì nó có thể thổi bùng lên cơn giận dữ của các em và các em sẽ tìm cách giải tỏa nó lên đầu một bạn nào đó, một quan hệ nào đó.
Về phía nhà trường, giáo viên dường như ít có sự tiếp xúc với các em để hiểu các em hơn. Thời chúng tôi đi học, các thầy cô rất quan tâm đến học trò. Chẳng hạn khi một học sinh có nét mặt buồn hay biểu hiện không bình thường, thầy cô sẽ hỏi han, trao đổi, và khi đó học sinh ấy sẽ nói tất cả những suy nghĩ của mình. Bởi thường giữa giáo viên và học sinh có một sự tin cậy, chia sẻ trên cơ sở tình cảm, chứ không đơn thuần chỉ là dạy chữ, và điều này sẽ giúp các em được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng ứng xử phù hợp với tình huống. Hiện nay, có thể các thầy cô quá bận hoặc có thể định hướng về công việc quá nhiều, hoặc chức năng, chức trách của thầy cô chưa được chuẩn, nên dẫn đến hiện tượng bỏ bê, không quan tâm đúng mực tới các em…
Còn ngoài xã hội, những tấm gương, những vấn đề bất công trong xã hội khá nhiều cũng để lại cho các em những ấn tượng không tốt. Chẳng hạn như hiện tượng chửi bới, đánh đập giữa các cá nhân ngoài xã hội, coi thường pháp luật, đơn giản nhất như việc chen lấn khi đèn đỏ… Rồi khi gặp trường hợp có người bị đánh thành thương, nhưng người xung quanh không dám can thiệp bởi sợ rằng mình sẽ bị vạ lây.
Hệ thống thực thi pháp luật không nghiêm minh, tạo ra sự “nhờn”, con người ta sẵn sàng phạm tội ác, lệch chuẩn, nhưng biết chắc chắn rằng không làm sao cả, không bị xã hội lên án, hoặc nếu có lên án chăng nữa cũng chỉ bị giản đơn, không có một hình phạt nào thích đáng khiến người ta phải sợ, phải chấp hành.
Em nữ sinh bị đánh trong clip. Ảnh: An Nhơn/VnExpress
Đời sống thực tế như một tác nhân kích thích để củng cố những hành vi tiêu cực trong xã hội, đặc biệt đối với các em. Và những việc như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân các em. Cho nên, khi có xích mích, đôi khi rất đơn giản trong cuộc sống thôi, ví dụ đang đi đường va chạm vào nhau, mà bạn đó nói một câu nặng lời thì đứa trẻ dẫn đến hiềm khích, và hiềm khích đó cũng có thể tích tụ từ những vấn đề khác, chẳng hạn từ sự o bế của gia đình, và đến đây mới giải tỏa lên đầu đứa trẻ kia.
Và điều quan trọng nữa, là những hành vi ấy lại được sự đồng tình của những bạn trong nhóm của chúng. Chúng ta cần lưu ý rằng, những đứa trẻ với nhu cầu tự khẳng định mình, muốn được các bạn thừa nhận trong nhóm, do đó các hành vi ấy dường như được sự cổ vũ, khuyến khích của các bạn cùng nhóm, làm cho những đứa trẻ dường như có thể thực hiện hành vi một cách dễ dàng hơn.
Khó có thể chỉ ra nguyên nhân cụ thể cho hành vi bạo lực của các em học sinh. Nhưng theo tôi, cái chính là đừng đổ lỗi cho các em, đừng đổ tất cả vấn đề lên đầu các em. Chính những người lớn cần xem xét lại mình, từ phía góc độ các mối quan hệ trong đời sống xã hội, được xã hội ứng xử với nó thế nào, ví dụ sự nghiêm minh sẽ là một bài học răn đe cho các hiện tượng đó. Ở người lớn mà chưa nghiêm minh thì khó có thể khuyến khích trẻ em làm được đúng.
Nhân nói về việc “nhờn luật”, ông có nghĩ rằng nên có một chế tài riêng, nghiêm khắc hơn, dành cho những hành vi này, thay vì cảnh cáo, kỷ luật trong trường, hay buộc học sinh chuyển trường hay không?
PGS.TS. Nguyễn Hồi Loan: Về ứng xử với hành vi bạo lực của học sinh, chúng ta phải đạt được mục đích giáo dục. Với những hành vi gây thương tích, hoặc gây tổn thương đến những người bạn trong lớp hay ngoài lớp, các thầy cô phải hết sức bình tâm, trước hết phải tự nhìn nhận lại chính mình, xem mình đã giúp gì, đã làm gì cho các em ấy để các em ấy sống tử tế hơn, không nên khi có hiện tượng như đã nói xảy ra thì lại đổ lỗi cho các em. Chẳng hạn các em học dốt thì cho là các em không chịu học, hư hỏng thì do là mầm mống “không được dạy”. Giáo viên cần xem xét lại chính bản thân mình, tìm hiểu hoàn cảnh của các em để có một nhìn nhận, đánh giá nhân văn hơn về các em đó.
Tôi không bao che hành vi bạo lực của các em, nhưng chúng ta cần có cái nhìn thấu đáo, nhân văn, mỗi người phải tự nhìn nhận, đánh giá mình ở mỗi cương vị, chức năng nhất định, thì chúng ta có ứng xử phù hợp.
Còn việc xử lý, chẳng hạn như đuổi học, thì theo tôi thế này. Chẳng hạn hành vi đó chỉ cần răn đe, nhưng nếu đuổi học thì có thể làm chệch hướng phát triển của đứa trẻ đó, khiến nó trở nên tồi tệ hơn. Theo tôi, mục đích cuối cùng là để các em tử tế, sống lương thiện, sống tốt, là một con người hữu ích trong xã hội.
Bố em nữ sinh muốn cho con chuyển trường. Ảnh: An Nhơn/VnExpress
Giả sử nếu ông là giáo viên chủ nhiệm của lớp này, hoặc là hiệu trưởng của trường này, ông sẽ xử lý tình huống như thế nào, sau khi có vẻ như “mọi sự đã rồi”?
PGS.TS. Nguyễn Hồi Loan: (Cười) Rất tiếc tôi chưa từng làm hiệu trưởng, cũng không có những năm tháng giảng dạy học sinh ở trường phổ thông, mà chỉ dạy sinh viên thôi.
Nhưng nếu như bạn nói, thì chắc chắn rằng tôi sẽ gặp gỡ em học sinh đó, gia đình học sinh đó. Và nếu như được đảm nhận vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp thì đó là một vinh dự, bởi như vậy chúng ta đã trở thành một “đầu tàu” để định hướng cho các em phát triển, nên cần hiểu biết các em đó, những mối quan hệ, thay đổi của từng học sinh thì chúng ta mới đề phòng hiện tượng không hay xảy ra.
Còn nếu như nó đã xảy ra rồi, thì về nguyên tắc, phải bảo vệ các em đó. Không nên cho rằng các em có hành vi sai rồi thì tất cả mọi thứ đều đổ lên đầu các em.
Theo tôi, trước hết, các em như một cây non trước bão giông có thể gẫy cành, cong cành thì chúng ta vẫn phải bảo vệ. Chúng ta phải bảo vệ không chỉ những em bị bạo hành, mà cần bảo vệ cả những em gây ra hành vi bạo hành. Bảo vệ ở đây không có nghĩa là bao che, mà cần có hướng tiếp cận, giúp đỡ em có hành vi bạo hành để em đó vượt qua được những hành vi đó và trở thành người có ích trong xã hội. Nếu như không quan tâm đến các em, rất có thể sẽ đẩy các em lấn sâu vào những hành vi lệch chuẩn, lấn sâu vào những hành vi tội ác sau này, điều đố làm cho các em mất niềm tin giữa con người và con người, và từ đây sẽ dẫn đến tội ác nặng nề hơn.
Đứng dưới góc độ một nhà nghiên cứu xã hội học, ông đánh giá truyền thông và mạng xã hội có “vai trò” như thế nào trong vấn đề này?
PGS.TS. Nguyễn Hồi Loan: Truyền thông và các mạng xã hội hiện nay có vẻ như quá “say sưa” mô tả những vụ án như đâm chém, cướp, hiếp, giết… và tô đậm, nhấn mạnh chúng. Đây là một điều không nên, “lợi bất cập hại”. Chúng ta vẫn nghĩ rằng đây là hình thức giáo dục, nhưng theo tôi không phải, bởi việc tiếp nhận và xử lý vấn đề của các em ở mức độ khác nhau. Tôi cho rằng cần hạn chế việc này. Báo chí, truyền thông, cũng như mạng xã hội cần có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ, và nếu vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh.
Chúng ta hãy nên lưu ý rằng truyền thông, báo chí trong nền kinh tế thị trường hiện nay nên đặt mục đích lợi nhuận là thứ yếu. Mục đích quan trọng nhất của truyền thông đó là định hướng giáo dục, góp phần vào phát triển xã hội, trong đó phải đề cao những tấm gương người tốt việc tốt, chẳng hạn như chương trình Chuyện tử tế, Người tử tế, Việc tử tế… cần được nhân rộng lên.
Xin cảm ơn ông!