Ngậm ngùi nhớ các anh hùng liệt sỹ đảo Gạc Ma
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 14/03/2015
Mẹ vẫn mong được đón anh về
Đến thăm gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Phương (1968-1988, Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình), người chiến sỹ công binh hải quân đã hy sinh ngày 14/03/1988 khi làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo Gạc Ma (Trường Sa), mẹ Nguyễn Thị Gái (80 tuổi), thân mẫu của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương nghẹn ngào mở những kỷ vật còn lại của anh, những giọt nước mắt tưởng như đã cạn lại lăn dài trên gương mặt già nua.
Mẹ Nguyễn Thị Gái (80 tuổi), mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Phương nghẹn ngào mở những kỷ vật còn lại
Mỗi năm, tuổi già khiến lưng mẹ lại còng thêm, nhưng sức nặng của tuổi già không nặng như nỗi đau mang mãi trong lòng mẹ, để những giọt nước mắt vẫn rơi mỗi khi tháng 3 về.
Trong lá thư cuối cùng (được ghi ngày 6/3/1988-PV) anh Phương gửi về cho gia đình trước khi lên tầu ra đảo, anh viết: “Gia đình cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi nhiều cho con, và con ra đi sẽ không hẹn ngày về, khi nào về thì về thôi…. Từ nay con không viết thư về nhà nữa đâu, vì bưu điện ở quá xa, mong gia đình thông cảm cho con và gia đình đừng viết thư cho con, nếu viết con cũng không nhận được đâu”.
Một sáng giữa tháng 3, khi lá thư anh viết còn chưa về tới gia đình thì bản tin sáng của Đài tiếng nói Việt Nam đã gọi mãi tên anh…
Trang đầu và cuối trong bức thư cuối cùng gửi gia đình của Liệt sỹ Nguyễn Văn Phương.
Gấp lại gọn gàng những kỷ vật của con trai trong lòng mình, mẹ Nguyễn Thị Gái mỉm cười khi những giọt nước mắt vẫn còn trên khóe mắt. Giấu nỗi buồn thật sâu trong lòng, mẹ tự hào vì anh đã hi sinh cho đất nước quê hương, tự hào vì ngày đó anh đã nối nghiệp cha, trở thành một người lính hải quân.
Mẹ vui vì đã gần 30 năm rồi, những người đồng đội, bạn bè của anh và xã hội vẫn còn nhớ đến anh. Họ vẫn thường xuyên về thăm hỏi mẹ, động viên mẹ mỗi khi cây gạo đầu làng đỏ rực đón tháng 3.
Nhóm Hậu phương người lính biển tặng quà mẹ Nguyễn Thị Gái, mẹ liệt sỹ Nguyễn Văn Phương.
Thắp nén tâm hương lên ban thờ Liệt sỹ Nguyễn Văn Phương.
Niềm vui khi đón anh về với đất liền
Tháng 10 năm 2009, gia đình Liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm (1956-1988, quê tại xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, Thái Bình) vui mừng “đón” di cốt anh trở về với quê hương sau hơn 2 năm nằm lại đảo Gạc Ma. Những ngư dân lặn biển đã tìm thấy anh và vài đồng đội nằm lại trong xác tầu vận tải Việt Nam đã bị Trung Quốc bắn chìm tại Gạc Ma tháng 3 năm 1988.
Những gì còn lại của Liệt Sỹ Nguyễn Minh Tâm cũng như những đồng đội của anh được tìm thấy không nhiều nhưng cũng đủ để an ủi người mẹ già nơi quê nhà.
Ngày ấy, khi những nhân viên khoa học hình sự về gia đình lấy mẫu AND của mẹ Nguyễn Thị Dư và em gái Liệt sỹ Tâm để phục vụ cho công tác giám định, cả gia đình thấp thỏm chờ đợi kết quả, và niềm vui vỡ òa khi đó chính là anh. Điều ước mong của mẹ đã trở thành hiện thực, anh đã về với mẹ, về với gia đình, về để làm vơi đi những giọt nước mắt từ lâu đã chỉ có thể chảy ngược vào trong.
Liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm là người hiếm hoi trong số 64 Liệt sỹ đã hi sinh tại Gạc Ma năm 1988 được tìm thấy di cốt và đưa về quê hương. Giờ đây di cốt của anh đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ cụm xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, Thái Bình.
Bên phần mộ, nơi chôn cất phần di cốt của Liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm.
Bên phần mộ Liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm, người em trai Liệt sỹ nghẹn ngào kể lại thời khắc gia đình nghe tin báo anh đã hi sinh qua Đài tiếng nói Việt Nam: “Lúc ấy khoảng 8h sáng, tôi đang đi làm cách nhà khoảng 60 cây số, nghe đồng nghiệp chạy sang báo trên đài đang thông báo danh sách chiến sỹ hi sinh ngoài đảo, có tên anh trai tôi.
Tôi còn không tin nên chạy ra nghe, đến lúc đài đọc lại lần thứ 2, đúng tên anh mình, tôi loạng choạng như muốn ngã xuống. Đồng nghiệp sau đó có người muốn đưa tôi về gia đình nhưng tôi nói để tôi tự đi. Lúc tôi đạp xe về đến nhà thì đã chiều, gia đình, bạn bè, hàng xóm trong làng đã sang đông kín ở gia đình rồi. Tôi không thể tin là anh đã hi sinh vì thời gian đó đất nước đã hòa bình rồi, hết chiến tranh rồi”.
Đầu năm 1988, Trung Quốc đưa quân xuống chiếm giữ một số bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vào thời gian đó, Việt Nam đang thực hiện kế hoạch CQ-88 xây dựng và bảo vệ đảo. Các tàu vận tải của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ, Trung Quốc điều tàu chiến xuống giành giật với ta tại Cô-Lin, Len Đao và Gạc Ma. Trước sự quyết tâm kiên cường của Hải Quân Việt Nam, quân Trung Quốc đã lên tàu xả súng bắn vào những người lính công binh Hải quân Việt Nam, nã pháo vào các tàu vận tải Việt Nam khiến cho 64 chiến sĩ đã hy sinh. Trong đó có liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm và Liệt sĩ Nguyễn Văn Phương. |
Trong chuyến đi thăm, tặng quà, tri ân các gia đình liệt sỹ hi sinh tại Gạc Ma năm 1988, nhóm “Hậu phương người lính biển” ngày 10 tháng 3 vừa qua, nhóm đã thăm hỏi, tặng quà gia đình liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm và Liệt sỹ Nguyễn Văn Phương (cùng ở tỉnh Thái Bình). Dù chưa thể thăm hỏi, tri ân được hết 64 liệt sỹ nhưng đây là tấm lòng, thể hiện sự biết ơn, tri ân của xã hội đến các liệt sỹ, gia đình liệt sỹ đã đóng góp xương máu cho quê hương, dân tộc. |