Giáo dục

Xem xét lại việc dùng IELTS thay điểm thi

Minh Anh 25/08/2023 - 06:40

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ xem xét, đánh giá lại việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để thay thế điểm thi. Để công tác này được thực hiện hiệu quả, cần các Sở GD&ĐT địa phương phải chủ động và lưu ý hơn trong việc giám sát, tổ chức thi.

Các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL bắt đầu được sử dụng làm một trong những tiêu chí kết hợp để tuyển thẳng đại học từ 2017. Số lượng các trường sử dụng phương thức này ngày một tăng, trong bối cảnh xét tuyển đầu vào đại học ngày càng ít phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Khoảng 5 năm trở lại đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt là tiếng Anh, được ưa chuộng trong tuyển sinh. Hiện Bộ GD&ĐT xét miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.5 trở lên hoặc tương đương.

z46326007783317d08119c8a9e9fed-5120-3839-1692887243.jpg
Cục trưởng Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương phát biểu tại hội nghị ngày 24/8, được tổ chức tại TP HCM. Ảnh: MOET
ielts_1.jpg
IELTS, TOEIC là một trong những yếu tố góp phần vào quá trình hội nhập, song cũng cần đánh giá lại mức độ của việc dùng kết quả này để thay thế điểm thi. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, hàng chục trường đại học dùng IELTS, TOEIC... kết hợp với điểm thi để tuyển đầu vào. Số thí sinh diện này cũng ngày càng tăng, theo đánh giá của nhiều trường.

Chẳng hạn, Đại học Kinh tế quốc dân năm nay tuyển 2.800 sinh viên theo phương thức này nhưng có đến 11.000 em nộp hồ sơ. Con số này gấp hơn 200 lần so với năm 2017.

Nhiều trường phổ thông công lập cũng tuyển thẳng hoặc cộng điểm cho học sinh có chứng chỉ.

Từ năm 2021, lớp 6 tăng cường tiếng Anh của TP HCM xét học sinh đạt chứng chỉ A2 trở lên theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) hoặc tương đương. Học sinh có chứng chỉ IELTS, TOEFL được xét tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên

Tuy nhiên từ năm 2020, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và kèm theo đó là những tồn tại trong hoạt động quản lý thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhiều địa phương chưa sát sao, không thực hiện đúng quy định và chỉ đạo của Bộ.

Điều này dẫn tới việc nhiều đơn vị phải hoãn thi IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác hồi tháng 9/2022, gây lộn xộn và ảnh hưởng quyền lợi người thi.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học mới trong công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra với các Sở GD&ĐT, Cục trưởng Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương đánh giá các địa phương "cơ bản làm tốt" việc quản lý văn bằng, chứng chỉ ở cấp phổ thông. Công tác chấn chỉnh hoạt động liên kết, tổ chức thi cùng được chuẩn hóa, tinh gọn hơn.

Theo ông, chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC là một trong những yếu tố góp phần vào quá trình hội nhập, song cũng cần đánh giá lại mức độ của việc dùng kết quả này để thay thế điểm thi.

"Chắc chắn thông tư sắp tới của Bộ sẽ bàn thêm cái này", ông Chương nói tại hội nghị.

Minh Anh