Tuyên Quang: Hoàn thiện hạ tầng, đánh thức tiềm năng phát triển mạnh mẽ
Xác định ''đường thông, kinh tế mở'', Tuyên Quang đang khoác lên mình “tấm áo mới” căng tràn sức sống với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, các khu đô thị, khu dân cư được hình thành... Vùng đất này đã và đang hội tụ đầy đủ những điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, mở rộng giao thương, phát triển du lịch và bất động sản.
Hạ tầng giao thông - đòn bẩy kinh tế
Phát triển hạ tầng giao thông là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhằm thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển toàn diện và bền vững của khu vực miền núi phía Bắc. Vì vậy, Tuyên Quang đã và đang huy động nhiều nguồn lực, ưu tiên cho phát triển hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng của tỉnh.
Một trong những dự án trọng điểm là tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dự kiến hoàn thành, thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2023.
Tuyến cao tốc hơn 40 km này sẽ rút ngắn thời gian từ Tuyên Quang về thủ đô Hà Nội còn khoảng 1,5 giờ thay vì hơn 3 giờ như hiện tại; mở rộng kết nối giữa tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Phú Thọ với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang cũng đang triển khai các bước đầu tư, xây dựng các dự án đường trục phát triển đô thị từ TP. Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn; dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn tỉnh), một số tuyến đường huyện lên đường tỉnh và đường tỉnh lên quốc lộ. Đây đều là những động lực quan trọng thúc đẩy giao thương, tăng lợi thế thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch.
Tuyên Quang có 7 đô thị gồm thành phố Tuyên Quang là đô thị loại II và 6 đô thị loại V thuộc trung tâm các huyện. Tỉnh cũng đã quy hoạch, xây dựng đô thị động lực theo 3 vùng là trung tâm, phía Bắc và phía Nam. Trong đó, vùng trung tâm bao gồm thành phố Tuyên Quang và các vùng phụ cận, lấy đô thị thành phố Tuyên Quang là hạt nhân.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh
Thiên nhiên ưu đãi cho Tuyên Quang nhiều tài nguyên quý giá: rừng có độ che phủ vào hàng cao nhất nước; địa hình đặc biệt tạo nên núi non hùng vĩ... Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang đã được xếp hạng danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt. Khu suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn nước khoáng nóng 68 độ như một viên ngọc quý giấu mình trong phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, từ nhiều năm nay đã nổi danh về giá trị chữa bệnh và nghỉ dưỡng...
Vừa là nơi khởi phát, vừa là nơi hội tụ, giao thoa của hơn 20 dân tộc miền núi phía Bắc, Tuyên Quang là xứ sở của những lễ hội. Đặc biệt, Tuyên Quang có nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó có 2 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tuyên Quang được gọi là “bảo tàng cách mạng” của cả nước, tiêu biểu như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), Danh thắng Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình...
Chỉ riêng năm 2022, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón hơn 750.000 lượt khách, chiếm gần 90% tổng lượng du khách đến Tuyên Quang. Trong tương lai, khu di tích Tân Trào hứa hẹn sẽ thu hút lượng du khách nhiều hơn nữa nhờ Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào đến năm 2023 của Chính phủ.
Bước đột phá trong thời gian qua của Tuyên Quang là dấu ấn thu hút đầu tư phát triển du lịch, đáp ứng sự kỳ vọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Hiện các tập đoàn tầm cỡ đến đầu tư xây dựng các công trình, dự án lớn, các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, quy mô lớn, bài bản, tạo thêm không gian phát triển đô thị, mở ra cơ hội phát triển mới.
Điều kiện tự nhiên thuận lơi, sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, cùng các chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ và du lịch đã tạo nên "lợi thế kép" cho bất động sản Tuyên Quang, mở ra cơ hội đầu tư kinh doanh bất động sản ở vùng đất giàu tiềm năng theo hướng phát triển bền vững.