Độc đáo Tết mùa mưa
Tết mùa mưa (Dế Khừ Chà) là một trong những cái tết lớn và mang đậm bản sắc văn hóa hết sức độc đáo của dân tộc Hà Nhì. Đây là dịp để đồng bào tri ân các vị thần và cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng no đủ.
Đặc trưng của cư dân nông nghiệp
Tết mùa mưa là một trong bảy cái Tết trong năm theo phong tục cổ truyền của người Hà Nhì và thường diễn ra vào cuối mùa hè, khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh. Các nghi lễ trong Tết mùa mưa thể hiện đặc trưng tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thờ thần mưa, thần nước của cộng đồng người Hà Nhì, cầu mong cho mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, do người Hà Nhì sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trồng lúa trên các thửa ruộng bậc thang, nên rất coi trọng việc cúng các vị thần nông nghiệp, nhất là thần nước, thần mưa. Có lẽ vì thế mà Tết mùa mưa cũng được “sinh ra”.
Khác với Tết Khô Già Già mang tính chất lễ cầu mùa với rất nhiều nghi lễ cúng thần đất, thần nước, thần rừng, thần cây... và thường tổ chức với quy mô lớn, theo chu kỳ 3 năm một lần, Tết mùa mưa thường tổ chức mỗi năm 1 lần để cúng thần mưa. Đây cũng là nghi lễ đặc trưng của cư dân nông nghiệp. Trong nhiều trường hợp người Hà Nhì cũng tổ chức nghi lễ cầu mưa này cùng với Tết Khô Già Già.
Ông Chu Cha Chừ, ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cho biết: “Theo truyền thống, nghi lễ cúng cầu mưa tổ chức vào đỉnh điểm tháng nóng nhất của mùa hè, đó là tháng 6. Theo tập quán làm nông nghiệp vào thời điểm đó các ruộng bậc thang rất cần nước tưới để lúa chín và cho thu hoạch. Đây là nghi lễ thể hiện sự ứng xử một cách hài hoà giữa con người với thiên nhiên. Người Hà Nhì cho rằng để cầu cho một năm mưa thuận gió hoà thì cần tổ chức nghi lễ cúng cầu mưa”.
Tết cầu mưa được tổ chức định kỳ hàng năm, nhưng những năm khô hạn, người Hà Nhì có khi tổ chức nghi lễ này 2-3 lần trong một năm, với ước muốn mong cho thần linh nghe được lời cầu khấn, ban cho đồng ruộng có đủ nước tưới cho đồng ruộng, cây cối xanh tươi. Lễ vật thường là một con lợn đen. Nếu là một làng lớn hay năm đó mưa ít, dân trong bản cùng nhau tổ chức và lễ vật cúng thần cũng lớn hơn, có thể là con trâu đen.
Vào ngày Tết mùa mưa, hầu như nhà nào trong bản cũng dậy sớm đun nước, mổ lợn hay chuẩn bị lễ vật cho lễ cúng thần. Tiếng chày giã gạo nấu cơm, làm bánh của các gia đình làm xao động cả núi rừng. Sau khi chuẩn bị xong, mọi người cùng mang lễ vật được ra bờ ruộng của một trong những người làm ruộng lúa tốt nhất trong bản để làm lễ cúng.
Mâm cúng thần mưa ngày Tết, ngoài thịt lợn còn có cơm, rượu, bát chè gừng, trà, mía, chuối và hoa mào gà… Thày cúng phải là người có uy tín trong bản. Lễ cúng diễn ra từ sáng, lúc mặt trời đã tỏ và đến gần trưa thì kết thúc. Bởi người Hà Nhì tin rằng vào thời điểm đó các thần linh mới lắng nghe được lời cầu khấn của họ. Sau lễ cúng, con cháu trong dòng họ đều ăn một chút lễ vật để “ lấy lộc” cầu may.
Nhiều bản người Hà Nhì ở các vùng núi cao như ở Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai... hiện vẫn duy trì Tết mùa mưa theo truyền thống. Tuy nhiên cách tổ chức cũng có nhiều thay đổi và mang tính chất lễ hội nhiều hơn.
Ông Chừ cho biết thêm: “Nghi lễ cúng cầu mưa ngày nay không rườm rà như trước. Những người tham gia cũng đa dạng hơn, không còn nhiều kiêng kỵ lễ vật cúng cũng có sự thay đổi. Ngoài các lễ vật truyền thống còn có bánh kẹo, hoa trái. Trước đây, rượu cúng đựng trong các ống nứa, thì nay là rượu chai mua ngoài chợ, thậm chí là chai rượu ngoại. Tuy nhiên, nghi lễ vẫn giữ được không khí uy nghiêm, thể hiện sự thanh tịnh, thành kính của con người với thần linh”.
Không gian Tết mùa mưa cũng có sự thay đổi. Trước đây nghi lễ cúng thường diễn ra tại ruộng nương, thì giờ đây nghi lễ có thể được tổ chức trong khuôn viên gia đình ông trưởng thôn, hay gia đình người sản xuất giỏi trong bản. Vào ngày Tết, còn có các tiết mục diễn xướng dân gian và các trò chơi. Đặc biệt bữa liên hoan trong ngày Tết mùa mưa trong các bản làng vẫn giữ được không khí vui vẻ và ấm cúng.
Tết mùa mưa còn là dịp sum họp của các gia đình và con cháu trong dòng họ. Suốt từ chiều đến tận đêm khuya, mọi người trong bản đến chơi nhà nhau. Nhà nào có khách cũng bày mâm rót rượu. Chén rượu nồng trên tay chủ nhà và khách như những sợi dây vô hình thắt chặt thêm tình cảm láng giềng, cộng đồng làng bản thêm bền vững.
Thành kính với thần thánh, tổ tiên
Giống như “những người anh em” của mình nơi “cuối trời Tây Bắc có Lai Châu”, người Hà Nhì ở Mường Nhé, Điện Biên cũng ăn Tết mùa mưa và xem đó như là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm. Thông thường thì khi mùa mưa bắt đầu, khi cây lúa vừa qua kỳ bén rễ, đang lúc sinh trưởng, phát triển thì những già làng, trưởng bản sẽ ngồi lại với nhau, họp bàn, thống nhất về ngày ăn tết. Tết thường diễn ra trong 4 ngày, bắt đầu từ ngày Hợi và kéo dài đến hết ngày Dần
Khi đã ấn định được ngày ăn tết, mọi công việc chuẩn bị sẽ được tiến hành. Xóm bản nào cũng nhộn nhịp, tất bật bởi các chị, em gái, các bà, các mẹ đi lấy lá chuối, ngâm gạo nếp, chuẩn bị các đồ dùng, vật dụng cho các lễ thức.
Vào ngày đầu tiên của Tết mùa mưa, khi bản làng chưa tỏ mặt người, dân bản đã thức giấc chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, sân ngõ sạch sẽ. Thành viên trong các gia đình đã tất bật với việc đồ xôi và giã bánh dày (gạ bạ).
Gạo nếp được lựa chọn để giã bánh hay đồ xôi là loại gạo nếp do chính tay của những người trong gia đình cấy trồng, được lựa chọn kỹ càng của mùa vụ trước, được cất giữ, bảo quản cẩn thận nên hạt nào cũng mẩy. Khi đồ lên hay làm thành bánh đều rất thơm và dẻo.
Việc giã bánh dày diễn ra hết sức vui vẻ, khi có sự tham gia của nhiều người trong gia đình, họ hàng. Đó cũng là cách để người Hà Nhì thể hiện tình đoàn kết, sự sẻ chia. Bên những chiếc cối đặt cạnh hiên nhà, đầu ngõ, người thì luôn tay đảo đều bột bánh trong cối đá, người thì nhịp chân để dậm chày. Để tạo ra được một mẻ bánh dày ngon, có độ kết dính, bánh mịn, dẻo thì công việc giã bánh diễn ra cả tiếng đồng hồ.
Khi hoàn tất việc giã bánh, các gia đình sẽ nặn thành ba chiếc bánh để dâng cúng tổ tiên. Do nền kinh tế chủ đạo là nông nghiệp, chăn nuôi nên trong tâm thức của người Hà Nhì, bánh dày là thành quả của quá trình lao động chăm chỉ và vất vả. Lễ vật này khi dâng cúng sẽ thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân, hiếu thuận của các thành viên trong gia đình, thế hệ con cháu đối với các đấng sinh thành, bậc tiên tổ.
Thực hiện lễ thức khấn vái, cúng tổ tiên thì đàn ông hoặc phụ nữ trong gia đình đều có thể đảm nhận. Nhưng người đóng vai trò chủ lễ phải là chủ nhà (bố, mẹ), hoặc có vai trò quan trọng trong cộng đồng (già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ). Khi chủ lễ cúng xong, bánh dày sẽ được hạ lễ, chia cho các thành viên trong gia đình cùng thụ lễ.
Không khí thiêng liêng, thành kính, trang nghiêm sau đó được tiếp diễn khi các gia đình thực hiện nghi thức gọi hồn. Lễ vật chuẩn bị cho lễ thức này gồm hai con gà, một quả trứng, một bát nước trắng, chai rượu và không thể thiếu một số vật dụng, trang sức gắn liền với đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người Hà Nhì như: vòng tay, khăn, áo, quần...
Lễ gọi hồn thường được thực hiện ngoài cửa và trong nhà, nơi thờ tổ tiên để cầu cho con cháu được khỏe mạnh, bản làng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau lễ cúng gọi hồn, chủ lễ sẽ mang tất cả các lễ vật vào nhà, các thành viên trong gia đình cùng uống bát nước trắng và nhận lại trang sức, vật dụng.
Sau lễ gọi hồn là lễ cúng bái tổ tiên hai bên nội, ngoại. Chủ nhà sẽ cắt tiết vật hiến tế (hai con gà), mọi thành viên trong gia đình cũng nhanh tay chuẩn bị các thứ, sắp bày một mâm cúng với các lễ vật, gồm hai bát cháo, hai bát thịt nạc gà xé, gan gà luộc, hai chén rượu... Khi gia chủ hoàn tất việc cúng xin, lễ vật được hạ, mọi người trong gia đình cùng quây quần bên nhau ăn cỗ.
Nếu như ngày đầu tiên của Tết mùa mưa phần lớn là lễ lạt, cúng bái tổ tiên thì những ngày tiếp theo chủ yếu là phần hội với nhiều hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ và các trò chơi, từ đi cà kheo, đánh cù, hát đối giao duyên đến chơi đu lăng, bập bênh xoay vòng...
Tuy nhiên, trò chơi được xem là không thể thiếu trong dịp Tết mùa mưa là đu lăng. Bởi người Hà Nhì quan niệm rằng, việc chơi đu lăng là một hình thức sám hối cho những tội lỗi mà họ vướng phải trong suốt quãng thời gian trước. Cụ thể là việc săn bắn, giết hại những con vật trên rừng, mà mỗi con vật đều có linh hồn nên phải có hình phạt nhất định để giải oan cho linh hồn của những con vật để chúng không còn tìm về làm hại bản làng.
Kết thúc mấy ngày Tết, đồng bào Hà Nhì lại trở về với cuộc sống thường ngày. Họ lại miệt mài lao động, sản xuất, lại phấn chấn, đợi chờ mùa Tết năm sau...