Đề xuất Thủ tướng 2 cơ chế để khơi thông dự án chống ngập ở TP. Hồ Chí Minh
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất 2 cơ chế để có thể giải quyết khó khăn, vướng mắc mà Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (Dự án) đang gặp phải.
Theo Công văn số 3647/QĐ-UBND-DA mà UBND TP Hồ Chí Minh mới ban hành, để giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với Dự án, Thành phố kiến nghị 2 cơ chế để xử lý.
Cơ chế thứ nhất, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành đồng thời bằng quỹ đất và bằng tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận. Đối với phần giá trị thanh toán bằng tiền, đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hướng dẫn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Ngân hàng BIDV) chưa thu nợ ngay mà tạo điều kiện để cho nhà đầu tư có đủ điều kiện tiếp tục thi công hoàn thành dự án. TP Hồ Chí Minh và nhà đầu tư sẽ tổ chức nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo đúng các thỏa thuận, Hợp đồng BT, Phụ lục Hợp đồng BT đã được ký kết với nhà đầu tư.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, cơ chế này có những ưu điểm là phù hợp theo cơ chế tái cấp vốn đã được Thủ tướng và NHNN chấp thuận; thống nhất một đầu mối duy nhất cấp vốn cho nhà đầu tư là Ngân hàng BIDV và sẽ thuận lợi cho xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có). Tuy nhiên, nhược điểm của cơ chế này không chủ động được về thời gian thực hiện, hoàn thành do phụ thuộc vào sự đồng thuận của Thủ tướng Chính phủ, NHNN và Ngân hàng BIDV để có thể triển khai thực hiện; chi phí lãi vay phát sinh sẽ tăng cao do thời gian thực hiện dự án kéo dài.
Cùng với đó là rủi ro trong trường hợp Ngân hàng BIDV vẫn giữ nguyên các điều kiện cần thực hiện như đã nêu tại Văn bản số 3192/BIDV-TTDA ngày 26/5/2023 của Ngân hàng BIDV thì không thể thực hiện theo cơ chế này, dự án sẽ tiếp tục chậm tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng, lãi vay phát sinh của dự án sẽ tiếp tục tăng cao.
Ngoài cơ chế trên, trong Báo cáo gửi Thủ tướng, UBND TP Hồ Chí Mình còn đưa ra thêm cơ chế 2 để xử lý các vướng mắc tại Dự án. Theo đó, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (Công ty HFIC) sẽ nhận ủy thác cho vay để tiếp tục thi công công trình dự án từ nguồn ngân sách Thành phố theo Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ.
Cụ thể, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ ủy thác ngân sách Thành phố (khoảng 1.800 tỷ đồng) cho Công ty HFIC để cho nhà đầu tư vay thực hiện hoàn thành công trình. Sau khi công trình được nghiệm thu, Thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng thỏa thuận tại Hợp đồng BT, Phụ lục Hợp đồng BT đã ký và nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ cho Công ty HFIC. Công ty HFIC sẽ hoàn trả lại ngân sách Thành phố khoản vốn đã nhận ủy thác.
Cơ chế này có ưu điểm là Thành phố chủ động trong việc bố trí vốn từ ngân sách địa phương; chi phí lãi vay của nhà đầu tư thấp (Công ty HFIC không mất chi phí huy động vốn cho vay do được Thành phố ủy thác từ ngân sách); việc triển khai dự kiến sẽ nhanh hơn do thủ tục nhận ủy thác cho vay chỉ liên quan đến các cơ quan của UBND TP Hồ Chí Minh với nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhược điểm ở cơ chế này là cần có ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài chính trong việc triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó có rủi ro là sau khi hoàn thành, nếu công trình không đáp ứng được về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng để nghiệm thu thì khó thu hồi vốn để cho vay và có khả năng thất thoát ngân sách nhà nước (là số tiền ngân sách Thành phố đã ủy thác cho Công ty HFIC cho nhà đầu tư vay).
Qua nội dung phân tích nêu trên, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận thực hiện theo cơ chế 2 do có nhiều thuận lợi hơn trong việc triển khai; đồng thời, chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ ngành Trung ương và các đơn vị liên quan hướng dẫn Thành phố trình tự, thủ tục thực hiện, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp theo đúng quy định.
"UBND Thành phố cam kết sẽ khẩn trương thực hiện, đảm bảo nguồn vốn ủy thác cho nhà đầu tư vay được sử dụng đúng theo mục đích, hiệu quả, sớm triển khai thi công hoàn thành dự án, tổ chức nghiệm thu và đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả dự án", UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Trước đó, Báo Công lý đã phản ánh: Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 là một trong những dự án trọng điểm, có vai trò trọng yếu trong việc kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km, với khoảng 6,5 triệu dân, thuộc Khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm TP Hồ Chí Minh; mặc dù tiến độ đạt hơn 90% khối lượng công việc nhưng Dự án lại đang gặp vướng mắc khó khăn liên quan đến vấn đề nguồn vốn. Theo đó, nhu cầu vốn để hoàn thành Dự án còn lại là khoảng 1.800 tỷ đồng nhưng nhà đầu tư chưa được Ngân hàng BIDV cấp vốn để tiếp tục triển khai dự án do vướng mắc liên quan việc thanh toán.
Đáng nói, do việc thanh toán chưa thể thực hiện nên khoản vay của nhà đầu tư tại Ngân hàng BIDV đã thành nợ quá hạn và cần được cấp có thẩm quyền chấp thuận cho được cơ cấu phần nợ quá hạn, giữ nhóm nợ để có thể tiếp tục giải ngân cho dự án. Một khi Dự án không được Ngân hàng bổ sung vốn để hoàn thành thì không thể nghiệm thu, thanh toán cho nhà đầu tư. Nhưng để Ngân hàng đồng thuận bổ sung vốn cho nhà đầu tư thì nhà đầu tư phải thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi quá hạn.