Phóng sự - Ghi chép

Ma tà, bùa ngải và những câu chuyện hoang đường trên núi cao

T. Thành 23/08/2023 - 15:07

Trên chuyến công tác ngược miền trời Tây Bắc, tôi cố gắng vượt qua những con đường len lỏi giữa điệp trùng đá núi để đến được những bản làng vùng sâu, vùng xa, biên giới. Ở đó có những câu chuyện hoang đường đến khó tin về ma chài, ma lai, ma cà rồng được lưu truyền, ăn sâu vào trong nếp nghĩ của đồng bào các dân tộc Thái, Mông…

Niềm tin mê mụ vào ma tà, bùa ngải

Ngay từ thuở sơ khai, hai dân tộc Thái - Mông ở Tây Bắc đã có rất nhiều những nghi lễ, phong tục truyền thống ảnh hưởng sâu sắc tới tín ngưỡng được truyền từ đời này qua đời khác. Trong đời sống tâm linh của đồng bào thời xa xưa, thần thánh và ma quỷ luôn có chỗ ngự trị. Thế nên nhà ai có người hoặc vật nuôi bị bệnh đau ốm, thường thì điều đầu tiên người ta nghĩ tới là bị “ma ám”, hoặc bị yểm bùa. Thay vì tìm thầy thuốc chữa trị, đồng bào thường nhờ đến thầy mo, thầy cúng để giải trừ.

Nhưng điều đáng nói ở đây là từ những suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu, mang đậm màu sắc mê tín dị đoan ấy mà rất nhiều con người phải “sống dở, chết dở” vì bị nghi ngờ là ma gà, ma lai, ma xó. Thậm chí, nhiều thiếu nữ miền sơn cước được trời phú cho sắc đẹp tuyệt mỹ, bỗng dưng bị cho là hiện thân của “ma cà rồng”. Kể từ đó, cuộc sống của họ chỉ còn là những ngày u ám khi bà con dân bản đều nhìn họ bằng ánh mắt kinh sợ, xa lánh.

anh-bai-ma-ta-bua-ngai-va-nhung-cau-chuyen-hoang-duong-tren-nui-cao-1(1).jpg
Bà Sùng Thị Th: “Ngày xưa có nhiều người tin vào ma tà, bùa ngải”

Căn nhà sàn của bà Sùng Thị Th nằm ngửa mặt ra con đường đá ở Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên). Bà là người dân tộc Mông và được xem là người “am hiểu nhất bản” về... các loài ma. Bà Th kể, từ ngày còn nhỏ, khi mới cao ngang cái bậu cửa, bà đã được nghe nhiều chuyện về ma tà, bùa ngải của những bậc cao niên, thế nên “kiến thức” về “thế giới bí ẩn” đó bà “chứa đầy một bụng”. Từ chuyện ma lai, ma xó “vật” trâu bò cho đến chuyện “ma cà rồng” “bám” vào các cô gái xinh đẹp để lừa hại đàn ông.

Cũng theo lời bà Th thì “ma cà rồng” chẳng bao giờ chết và “nó” không trú chân ở hẳn một nhà mà cứ lang thang khắp nơi theo chu trình của một đời người. Vì thế, người nào bị dân bản nghi là “ma” thì trọn đời, trọn kiếp phải chịu muôn vàn tiếng xấu. Cô gái bị “ma cà rồng” nhập xác, nếu lấy chồng, “ma” theo cô gái ấy về nhà chồng. Cô gái ấy sinh con, “hồn ma” nhập sang con gái, “hồn ma” nhập sang cháu gái. Nếu không có cháu gái thì núp tạm sau cháu dâu.

Chính vì quan niệm cổ hủ đã được ngâm tẩm từ đời này sang đời khác ấy đã khiến cho nhiều cô gái có nhan sắc cùng thế hệ với bà Th bị người trong làng bản ghê sợ, cách ly. Ban đầu chỉ là những lời đồn thổi, bán tín bán nghi, sau cứ thế câu chuyện được người dân đem đi rải vãi khắp nơi. Chả mấy chốc mà bao trùm lên khắp rừng xanh núi đỏ đều váng vất những hồn ma, bóng quế. Những lời đồn thổi quái ác, hoang đường ấy như cái vòng kim cô siết chặt các nạn nhân.

Những cô gái không may bị dính “lời nguyền” thì dù có xinh đẹp, giỏi giang đến đâu cũng phải chịu sống trong cảnh cô quạnh đến tột cùng. Phần lớn các cô đều phải bỏ làng, bỏ bản ra đi mới mong kiếm được tấm chồng. Thậm chí nhiều cô đã yên bề gia thất vẫn bị những lời đồn đoán ấy đeo bám đến tận cuối đời.

Hệ lụy khôn lường

Những gì liên quan đến ma gà, ma lai, ma xó hay “ma cà rồng” chỉ là những lời truyền miệng, nhưng những tủi khổ mà nạn nhân phải gánh chịu là điều có thật. Như trường hợp bà Giàng Thị S, ở Phình Giàng. Thời con gái, bà S xinh đẹp nổi tiếng khắp vùng. Bà đẹp, vẻ đẹp rất đặc trưng của thiếu nữ người Mông: Da trắng, cổ cao, mắt tròn to và ướt rượt. Khi đó, bà rực rỡ hệt như bông hoa hướng dương nở giữa rừng.

Thế nhưng oái oăm thay, chẳng hiểu vì sao năm bà S lên 17 tuổi thì trong bản rộ lên tin đồn bà bị “ma cà rồng nhập xác”. Một đồn năm, năm đồn mười, chả mấy chốc tin đồn ấy lan ra toàn xã. Gia đình, bố mẹ S cũng vì chuyện đó mà không còn dám khỏi nhà vào ban ngày sợ chạm mặt bà con, có việc gì cần kíp lắm thì toàn phải đi vào ban đêm, công việc nương rẫy, đồng áng cũng vì thế mà bê trễ. Đã thế người ta lại càng được dịp thêu dệt rằng nhà S “nuôi ma” trên núi nên tối tối mới phải thường phải đi cho “ăn”.

anh-bai-ma-ta-bua-ngai-va-nhung-cau-chuyen-hoang-duong-tren-nui-cao-2-2-.jpg
Hình ảnh ông Lầu Giống Chu lưu trong hồ sơ của cơ quan chức năng

Chính vì thế, mãi đến năm 20 tuổi, S vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai, trong khi các bạn ở tuổi đó đã con đàn con đống. Bởi đơn giản là các chàng trai trong bản đều kinh sợ chẳng ai dám đến gần S, ai bạo gan thì cũng chỉ dám đứng từ xa mà ngắm.

Không đành lòng nhìn con gái “chết già trong cô quạnh”, bố mẹ S đã phải gửi S xuống nhà ông anh họ ở mãi tận huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Vì sợ “người đi đâu tin đồn theo đó” nên chuyến đi của S diễn ra hết sức âm thầm, bí mật. Bố S nửa đêm lặn lội vượt mấy chục kilomet đường đèo dốc đèo con gái bằng xe máy xuống TP Điện Biên Phủ. Rồi từ thành phố, S tự mình bắt xe khách ngược Mường Tè.

Xuống sống ở nhờ nhà bác họ một thời gian, tinh thần phấn chấn vì không còn bị ám ảnh bởi những lời đồn ác ý, S ngày càng phổng phao và xinh đẹp. Sự xuất hiện của “bông hoa lạ” khiến cả bản xôn xao. Rất nhiều ông bố, bà mẹ đánh tiếng muốn cưới S về cho con trai của họ. Và cuối cùng S cũng lấy được chồng. Chồng S cũng là người ở Mường Tè. Đến giờ, vợ chồng bà S đã con đàn cháu đống. Thỉnh thoảng bà lại dắt ràng ruột máu mủ của mình về thăm người thân ở Phình Giàng.

Bằng tiếng Kinh lơ lớ, bà S tâm sự, đại ý rằng: “Đến giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao ngày đó mình lại phải hứng chịu những lời đồn thổi ác ý ấy. Ngày đó cả nhà tôi chả mấy khi dám ló mặt ra đường. Đang học dở phổ thông tôi cũng phải bỏ giữa chừng, bởi cứ mỗi lần bước vào lớp là các bạn lại trêu trọc, cười đùa. Tôi toàn phải ngồi một mình trong xó lớp. Nhiều hôm trên đường đi học về, tôi còn bị trẻ con cầm đá ném túi bụi, phải lấy cặp che đầu. Lúc bấy giờ trong bản tôi cũng có mấy chị bị như vậy. Họ đều rất khó lấy chồng. Mà có lấy cũng toàn lấy những người chẳng ra gì, không vợ chết thì cũng nghiện ngập, rượu chè…”.

Hủ tục, mê tín dần được bài trừ

Không chỉ làm những người như S “sống dở, chết dở”, mà chính vì những suy nghĩ lạc hậu, ấu trĩ ấy của đồng bào mà đôi khi tình làng nghĩa xóm bị sứt mẻ, dư luận hoang mang, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết của nhân dân. Điều trớ trêu là ngay cả những người được xem là có ăn học đàng hoàng, có hiểu biết pháp luật mà đôi khi cũng mê mụ tin vào những chuyện hoang đường. Đó là trường hợp ông Lầu Giống Chu, SN 1958, cựu cán bộ xã Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên).

Ông Chu có một người em trai là Lầu Sái Và. Mấy năm trước, hai anh em ông Chu có xảy ra mâu thuẫn. Dù đã được cán bộ thôn bản đến hòa giải, nhưng mối quan hệ giữa ông Chu và ông Và cũng không tốt đẹp lên được là bao.

Không chịu nổi cảnh sống chung một nhà với em trai, ông Chu đã cùng vợ con chuyển sang sinh sống tại bản Chua Ta, xã Phình Giàng. Tuy không còn phải hàng ngày chạm mặt với em trai, nhưng trong bụng ông Chu vẫn chưa hề nguôi giận. Thời gian đó, cũng do tuổi già lại suy nghĩ nhiều nên ông Chu tự nhiên đổ bệnh, toàn thân đau nhức. Nghĩ là do bị em trai mình “nuôi ma” rồi bỏ bùa, bỏ bả nên ông Chu càng uất hận và nuôi chí trả thù.

anh-bai-ma-ta-bua-ngai-va-nhung-cau-chuyen-hoang-duong-tren-nui-cao-3.jpg
Một góc Phì Nhừ.

Có lần ông Chu còn gọi điện thoại dọa ông Và: “Nếu mày không “rút ma” ra khỏi người tao, thì gặp mày ở đâu, tao cũng giết”. Lo sợ bị anh trai trả thù, ông Và đã báo cáo việc này với chính quyền. Phải mất rất nhiều thời gian và công sức, các cơ quan chức năng của xã Phì Nhừ và huyện Điện Biên Đông mới hóa giải được mối hận thù giữa hai anh em họ Lầu. Đến tận giờ, ông Chu mới thôi nghĩ em trai mình là ma gà, ma xó.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Phó Chánh án TAND huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, người từng trực tiếp tham gia vào công tác hòa giải mâu thuẫn giữa ông Chu và ông Và, cho biết, mấy năm gần đây, nhờ các cơ quan, ban ngành đoàn thể của huyện Điện Biên Đông tích cực vào cuộc, tuyên truyền, giải thích nên giờ hiện tượng mê tín dị đoan trong đời sống của đồng bào đã giảm. Người dân đã không còn có niềm tin mù quáng vào ma tà, bùa ngải hay những điều nhảm nhí. Chính vì thế mà núi cao cũng bớt đi những sự việc đau lòng.

T. Thành