TP Hồ Chí Minh: Dự án chống ngập đang “tắc” ở đâu?
Giải quyết ngập do triều cường là dự án trọng điểm nhằm thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của người dân TP Hồ Chí Minh. Do đó, việc sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ tạo hiệu quả kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội hết sức quan trọng. Tuy nhiên, dự án lại đang gặp phải một loạt khó khăn cần được Trung ương tháo gỡ…
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1(Dự án) là một trong những dự án trọng điểm, có vai trò trọng yếu trong việc kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km, với khoảng 6,5 triệu dân, thuộc Khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh;
Chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát của các dự án thoát nước đô thị; hỗ trợ lưu trữ nước mưa khi có mưa kết hợp triều cường; góp phần chỉ tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.566 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Cty Trung Nam) làm nhà đầu tư thực hiện theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), có quy mô xây dựng 06 cống kiểm soát triều lớn, quy mô bề rộng cống từ 40-160m; cao trình đáy cống từ -3.60 - 10.00 m và xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh giai đoạn 1 bao gồm khoảng 6,004 km đê kẻ ở các đoạn xung yếu, 43 cống nhỏ có khẩu độ từ 1,0 m-10,0 m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối; Xây dựng nhà quản lý trung tâm và hệ thống SCADA.
Đến nay, nhà đầu tư báo cáo đã triển khai thi công đạt hơn 90% khối lượng công việc, trong đó tại các hạng mục cổng Bến Nghé (đạt 97%), cống Tân Thuận (đạt 93%), cống Phú Xuân (đạt 90%), cống Mương Chuối (đạt 93%), cống Cây Khô (đạt 86%), cống Phủ Định (đạt 88%), tuyến đê bao (đạt 85%). Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện nhà điều hành tại các cống, nhà quản lý điều khiển trung tâm, hoàn thiện đường vận hành sau kẻ, nạo vét thảm đá gia cố lòng sông, cảnh quan cây xanh, lắp đặt các cửa van âu thuyền, lắp đặt hệ thống bơm, hệ thống điện nước chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy và hệ thống điều khiển SCADA.
Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù tiến độ đạt hơn 90% khối lượng công việc nhưng Dự án lại đang gặp vướng mắc khó khăn liên quan đến vấn đề nguồn vốn. Theo đó, nhu cầu vốn để hoàn thành Dự án còn lại là khoảng 1.800 tỷ đồng nhưng nhà đầu tư được cho là chưa được ngân hàng cấp vốn để tiếp tục triển khai dự án do vướng mắc liên quan việc thanh toán.
Cụ thể, phương án thanh toán của Dự án là bằng quỹ đất kết hợp bằng tiền nhưng đến nay tiến độ thực hiện đối với việc thanh toán bằng quỹ đất như sau: UBND TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn các quỹ đất đã bồi thường GPMB và sẽ báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ để thanh toán theo quy định của Nghị định số 69/2019/NĐ-CP. “Tuy nhiên, hiện nay Thành phố chưa có cơ sở để thực hiện thanh toán bằng đất cho nhà đầu tư do đang phải phối hợp với các Bộ ngành Trung ương thực hiện rà soát cơ sở pháp lý”, theo UBND TP. Hồ Chí Minh.
Trong khi đối với việc thanh toán bằng tiền, Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị dự án BT thì Nhà nước thanh toán phần chênh lệch bằng tiền hoặc bằng quỹ đất tại thời điểm quyết toán dự án BT hoàn thành (theo quy định việc thanh toán tiền chi thực hiện sau khi đã thanh toán đất mà vẫn chưa đủ để cân đối cho giá trị dự án BT). “Do đó, Thành phố cũng chưa thể thực hiện việc thanh toán bằng tiền mặc dù đã phân bổ Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với giá trị là hơn 5.771 tỷ đồng để bố trí vốn thanh toán”, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết.
Đáng nói, do việc thanh toán chưa thể thực hiện nên khoản vay của nhà đầu tư tại Ngân hàng đã thành nợ quá hạn và cần được cấp có thẩm quyền chấp thuận cho được cơ cấu phần nợ quá hạn, giữ nhóm nợ để có thể tiếp tục giải ngân cho dự án. Một khi Dự án không được Ngân hàng bổ sung vốn để hoàn thành thì không thể nghiệm thu, thanh toán cho nhà đầu tư. Nhưng để Ngân hàng đồng thuận bổ sung vốn cho nhà đầu tư thì nhà đầu tư phải thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi quá hạn. Trong khi đó, Thành phố đã bố trí sẵn sàng nguồn vốn để trả cho khối lượng công trình đã hoàn thành. Do đó, để tháo gỡ khó khăn, UBND TP Hồ Chí Minh đưa ra một số cơ chế trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép thực hiện.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh: Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có vai trò trọng yếu trong việc kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km, với khoảng 6,5 triệu dân, thuộc Khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án cũng được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao điều kiện sống cho người dân. Do đó, việc sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình dự án không chỉ tạo hiệu quả kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội hết sức quan trọng.