Quán âm Phật đài: Điểm nhấn du lịch tâm linh của tỉnh Bạc Liêu
Tọa lạc tại phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), Quán âm Phật đài Mẹ Nam Hải là một ngôi chùa nổi tiếng có giá trị văn hóa tâm linh nổi bật mang màu sắc Phật Giáo, là nơi nhiều người dân xứ biển Bạc Liêu và du khách thập phương đến viếng thăm.
Quán âm Phật đài Mẹ Nam Hải còn có tên gọi khác là Bồ Tát Quán Thế âm, nhiều người dân vẫn hay gọi là Mẹ Nam Hải Bạc Liêu.
Khu Quán âm Phật Đài ban đầu chỉ là một căn nhà lá đơn sơ thờ phụng Quan Thế âm Bồ Tát, nằm ở một khu đất nhỏ ven biển, với xung quanh là bùn lầy và những rừng cây vùng nước mặn.
Tương truyền ngôi chùa này lập nên để cầu an cho những người đi biển, mong Phật bà phù hộ người dân đánh bắt xa bờ về nhà an toàn. Đến năm 1973, Hòa thượng Thích Trí Đức đến đây, nhận ra sự linh thiêng thần thành nơi này nên đã cho xây dựng thành ngôi chùa khang trang hơn. Hòa thượng đã cho xây một tượng Quan Thế âm Bồ Tát cao 11m với tầm nhìn ra biển. Tượng xây trong 2 năm, đến năm 1975 thì hoàn thành.
Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào phật tử và thể hiện chủ trương về bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tỉnh nhà, năm 2004, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt dự án và cho phép Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh xây dựng Quán âm Phật đài.
Đến tháng 3/2023, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tiến hành đợt đại trùng tu Khu Quán âm Phật đài. Theo đó, hơn 30 hạng mục được trùng tu như: khu thiên thủ thiên nhãn; nâng mặt sân hiện hữu cao thêm; xây dựng thêm nhiều hạng mục khác như sân hành lễ cao 5,4m, nhà triển lãm, nhà khách, nhà nghỉ chân, khu vườn Lam Tỳ Ni, hoa viên, khu tu tập, khu đa chức năng, vườn tượng 32 hóa thân Bồ tát; nhà ăn, khu đông y, phòng y tế, nhà vệ sinh… Đợt xây dựng, đại trùng tu này được thực hiện với tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng.
Khu Quán âm Phật đài có tổng diện tích gần 5ha, diện tích xây dựng 22.000m2, với không gian rộng rãi, thoáng mát và gió biển thổi vào. Ấn tượng đầu tiên là cổng tam quan (hay còn gọi là cổng trời), hướng ra biển, tiếp đó là đại điện rộng lớn với cột phướn cao lên đến 49 mét.
Chính giữa Khu Quán âm Phật đài là tượng Quan âm Bồ Tát đứng uy nghiêm trên tòa sen, mắt nhìn về hướng Đông, có tổng chiều cao 20m (sau khi được trùng tu). Thánh tượng như ngọn hải đăng được ngư dân vùng biển kính tin và nguyện cầu cho những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió.
Phía bên phải tượng Phật Bà là Điện Quan âm, dãy nhà rộng lớn được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chùa cổ của Việt Nam.
Bên phía trái tượng Phật Bà Nam Hải cũng theo hướng nhìn từ ngoài vào cổng là Điện Địa Tạng.
Nổi bật ở đây là khu vườn Lam Tỳ Ni, hoa viên, vườn tượng 32 hóa thân Bồ tát.., mỗi vị có công hạnh khác nhau nhưng tất cả đều lắng nghe tiếng kêu của chúng sanh mà cứu khổ, đặc biệt là theo tâm linh của người dân đi biển, họ tin rằng, mẹ Nam Hải là người luôn lắng nghe những bất trắc, khổ đau và chở che trước mọi sóng gió của đời sống người dân khi trên bờ lẫn khi ra biển.
Hàng năm, vào ngày 22,23 và 24/3 âm lịch, tại Bạc Liêu tổ chức lễ hội Quan âm Nam Hải. Đây là một trong những lễ hội Phật giáo lớn nhất của tỉnh với những giá trị văn hóa độc đáo, sức hấp dẫn từ các hoạt động văn hóa tâm linh, lễ hội được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng của du lịch Bạc Liêu.
Mang bản sắc tôn giáo dân tộc đậm nét, đồng thời chứa đựng nhiều màu sắc văn hóa địa phương Nam bộ, được đúc kết tồn tại và phát triển lâu đời trên vùng đất này là một lễ hội văn hóa tín ngưỡng và văn hóa dân gian đáp ứng nhu cầu văn hóa xã hội, đời sống tinh thần của người dân.
Theo đó, vào dịp này hàng ngàn Phật tử, du khách, tăng ni và người dân khắp nơi hành hương đến đây để hòa mình vào không gian lễ hội và tâm linh thiêng liêng rất đặc biệt như: thuyết pháp, nghi thức dâng hoa, hoa đăng cúng Phật, rước lễ Quán âm, múa lân sư rồng, văn nghệ, khai chung bảng, thượng phan, chiêu u,...
Không chỉ riêng vào những ngày tổ chức lễ hội chính, tại các ngày lễ truyền thống, các dịp cuối tuần, lượng du khách đến đây luôn tấp nập.
Ông Thạch Ril, người dân địa phương cho biết, cứ vào dịp cuối tuần là ông cùng gia đình hay đến thắp hương cúng viếng Phật bà Nam Hải, mỗi lần đến đây ông đều cầu bình an và mong Mẹ Nam Hải phù hộ cho gia đình ông thuận buồm xuôi gió trong những chuyến đánh bắt xa khơi.
Bà Trần Huyền Diệu, du khách đến từ tỉnh An Giang cho biết, gia đình hàng năm cứ đến dịp lễ, Tết đều đi du lịch đó đây. Năm nay đến Bạc Liêu, viếng khu du lịch Quán âm Phật đài, các địa điểm du lịch ở đây làm tôi rất ấn tượng với đà phát triển về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ cũng như an ninh trật tự.
Bà Đỗ Ái Lam, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cho biết, Khu Quán âm Phật đài là một trong những điểm nhấn du lịch tâm linh thu hút hàng trăm ngàn du khách mỗi năm, là một điểm đến không thể thiếu đối với nhiều phật tử và du khách trên địa bàn tỉnh cũng như cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch của tỉnh Bạc Liêu.
TP. Bạc Liêu xác định phát triển du lịch là một trong những hướng đi trọng điểm, một trong những trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Đặc biệt là ưu tiên phát triển các điểm du lịch văn hóa tâm linh, tiêu biểu là Khu Quán âm Phật đài.
UBND TP. Bạc Liêu, cùng các ngành chức năng phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, Ban quản lý Khu Quán âm Phật đài tạo mọi điều kiện tốt nhất để Khu Quan âm Phật đài không chỉ là điểm du lịch thu hút khách trong tỉnh mà còn là địa điểm thu hút du khách cả trong và ngoài nước.
“UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng đảm bảo công tác an ninh trật tự; kiểm tra vật giá tại các điểm buôn bán xung quanh, không diễn ra cảnh chặt chém du khách; kiểm soát chất lượng dịch vụ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đặc biệt là tại các cơ sở lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm tham quan du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí trên địa bàn được giám sát kịp thời. Các doanh nghiệp hoạt động du lịch đều thực hiện tốt việc niêm yết giá, không để xảy ra tình trạng chèo kéo khách du lịch tại nơi đây”, bà Lam thông tin thêm.