Tân Thủ tướng, Bộ trưởng: Thẳng thắn, tư duy mới nhằm tạo chuyển động mới

Chính trị - Ngày đăng : 10:42, 15/04/2016

Ngay sau khi Bộ máy Chính phủ được kiện toàn, công tác bàn giao công việc đã và đang được các bộ ngành tiến hành khẩn trương vì một mục tiêu chung: Triển khai công việc thời gian tiếp theo được thông suốt, hiệu quả.

Một điều hết sức phấn khởi chúng tôi ghi nhận được đó là từ định hướng quyết liệt, rõ nét trong chiến lược của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho đến kế hoạch hành động cụ thể, gắn liền với thực tiễn từng lĩnh vực phụ trách của các tân Bộ trưởng đang khiến người dân phấn khởi tin tưởng vào nhiệt huyết, cách tư duy thẳng thắn, đối mặt với thách thức, đề ra những đối sách khoa học, hành động cụ thể sẽ tạo ra những chuyển động mới.

Cần phải bắt tay ngay vào công việc

Ngay tại phiên họp đầu tiên với các thành viên Chính phủ mới được kiện toàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ các thách thức, khó khăn hiện nay để các thành viên Chính phủ nỗ lực thực hiện, quyết liệt hành động vì sự phát triển đất nước.

Tân Thủ tướng, Bộ trưởng: Thẳng thắn, tư duy mới nhằm tạo chuyển động mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cuộc họp đầu tiên này của Chính phủ tập trung bàn một số việc cấp bách và các giải pháp cần làm ngay trong tháng 4 và những tháng tiếp theo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tập trung vào giải quyết ngay các nhiệm vụ cấp bách như hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá; giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, thu ngân sách gặp khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế do thiên tai khắc nghiệt, giá dầu mỏ giảm sâu; tăng cường cải cách hành chính và giải quyết vấn đề xã hội nhức nhối như an toàn thực phẩm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mỗi thành viên Chính phủ phải đổi mới cách làm dân chủ, minh bạch, cởi mở, quyết đoán, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không để tình trạng trì trệ trong bộ máy. Mỗi thành viên Chính phủ cần có chương trình hành động và tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách vì đây là khâu đột phá để phát triển đất nước.

Đổi mới, cải cách là xu thế tất yếu

Tân Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận chịu áp lực từ người tiền nhiệm mạnh mẽ, quyết liệt, được xã hội ghi nhận Bùi Quang Vinh. Song ông coi đây là động lực để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. “Cán bộ ngành Kế hoạch và Đầu tư đã được truyền cảm hứng, khát vọng, tâm huyết, trách nhiệm trước công việc, với tinh thần đổi mới, cùng nhau có những đóng góp, nỗ lực làm việc, tiến về phía trước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói trong Lễ tiếp nhận nhiệm vụ mới.

Tân Thủ tướng, Bộ trưởng: Thẳng thắn, tư duy mới nhằm tạo chuyển động mới

Tân Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trong Lễ tiếp nhận nhiệm vụ mới 

Trên tinh thần tiếp tục đổi mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đổi mới và cải cách là một xu thế tất yếu, quyết định sự phát triển và đi lên của đất nước. Bộ KH&ĐT sẽ góp phần xây dựng thể chế phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại hơn. Cải cách sẽ có những động chạm, ý kiến thuận hoặc không thuận, nhưng quan trọng là đúng thì phải làm.

Đẩy mạnh quan hệ tương tác, phối hợp hai chiều giữa Bộ trưởng và người dân

Nhận nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình khô hạn đang căng thẳng, ô nhiễm môi trường đô thị đang ở mức báo động đỏ, khai thác khoáng sản không theo quy hoạch để lại nhiều hệ lụy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đã xác định rất rõ ưu tiên hàng đầu của ông là tập trung xử lý những vấn đề cấp bách liên quan hạn hán ở Tây Nguyên, khô hạn ở ĐBSCL, khủng hoảng tài nguyên nước… Bên cạnh đó là xử lý những tồn đọng về sổ đỏ với 0,5 - 0,6% tồn đọng. Ông cũng lo lắng và muốn hành động gắn tăng trưởng kinh tế đúng mức đến môi trường.

Ông khẳng định: Là Bộ trưởng, điều gì gây ảnh hưởng đến dân, đe dọa đời sống của dân thì đó là vấn đề phải tập trung ưu tiên cao nhất. Vì vậy, một trong ưu tiên hàng đầu của tôi là đẩy mạnh quan hệ tương tác, phối hợp hai chiều giữa Bộ trưởng và người dân. Phương châm hành động của Bộ là gần dân, lắng nghe dân, hành động quyết liệt vì dân.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà xác định cần tiếp tục đổi mới, phát huy thành tựu của ngành; tích cực cùng các cấp chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nhằm giải quyết tốt, hài hòa 2 vấn đề: quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường cho phát triển bền vững và tăng trưởng nhanh kinh tế - xã hội.

Hoàn thiện thể chế, minh bạch hóa thông tin với người dân

Tân Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa kế thừa người tiền nhiệm Đinh La Thăng với nhiều thành quả nổi bật của ngành, song, ông cũng không ngần ngại chỉ ra những vấn đề nóng, dư luận bức xúc cần phải hành động. Đó là, nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển hiện nay chủ yếu là đi vay, việc trông chờ vào vốn ngân sách nhà nước là cực kỳ gian nan. Việc hội nhập với khu vực và thế giới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký năm ngoái, các hiệp định FTA khác đã ký và dần có hiệu lực, điều đó đặt ngành giao thông đứng trước cơ hội và thách thức…

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa định hướng, cần rà soát lại các dự án để báo cáo Chính phủ, dự án nào sẽ tiếp tục triển khai, dự án nào sẽ phải điều chỉnh và dự án nào phải dừng. Tất cả quá trình này sẽ được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch để mọi người cùng biết và đồng thuận với Bộ. Trên tinh thần Bộ GTVT sẽ luôn cầu thị, lắng nghe và trân trọng các ý kiến đóng góp; trân trọng các nguồn vốn của các nhà đầu tư; tiết kiệm từng đồng tiền thuế của nhân dân, không đầu tư dàn trải, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư hạ tầng giao thông bằng mọi giá.

Tân Thủ tướng, Bộ trưởng: Thẳng thắn, tư duy mới nhằm tạo chuyển động mới

Tân Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhận bàn giao công việc mới

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định, để đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, không còn cách nào khác là phải hoàn thiện thể chế, tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng và hiệu quả hơn để kêu gọi thêm nhiều nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, kết hợp sử dụng có hiệu quả, hợp lý các nguồn vốn khác từ ngân sách, ODA và các nguồn vốn khác.

Đặc biệt với tư duy mới, Bộ trưởng Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng quan tâm đến việc thông tin đối với người dân: “Ngành giao thông là một ngành “nóng”, mọi thông tin đưa ra đều được nhân dân quan tâm. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là thông tin đến với người dân phải chuẩn mực, minh bạch và thẳng thắn. Có như vậy mới đạt được hiệu quả tuyên truyền cho đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, để người dân tin tưởng”.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hội nhập hiệu quả

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tự hào vì được kế nhiệm trong bối cảnh ngành đã hoạch định sẵn những chiến lược phát triển nên ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ chính là thúc đẩy thực hiện những chiến lược phát triển đã được thông qua. Tuy nhiên, mặt khác Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng xác định rõ những nhiệm vụ đặc thù cho năm 2016 là phải tập trung thực thi những chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện tốt Nghị quyết 01 và Nghị quyết trong phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ. Tiếp đó, Bộ cũng hướng tới các vấn đề ổn định môi trường vĩ mô, xây dựng môi trường pháp lý và thể chế hóa theo đúng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đồng thời, tập trung bám sát thực tiễn để tổ chức thực thi chính sách của pháp luật, đặc biệt là những chỉ đạo điều hành của Chính phủ và của các Bộ ngành; tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, lực lượng sản xuất có điều kiện nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, đồng thời hội nhập hiệu quả.

Giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đặt ra

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện xác định: Một mặt phải giải quyết tốt tất cả những vấn đề về quản lý nhà nước của ngành VHTT&DL theo quy định của pháp luật, mặt khác cần tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách do thực tiễn đặt ra. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã đưa ra 4 những mục tiêu cụ thể liên quan đến 4 lĩnh vực:

Văn hoá, tập trung chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách tốt đẹp;

Gia đình, thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, là tổ ấm hình thành, nuôi dưỡng nhân cách con người; đề cao và phát huy vai trò gia đình;

Thể dục thể thao, từng bước phát triển thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp, phấn đấu là 1 trong 3 nước có thành tích cao dẫn đầu ở các kỳ SEA Games, từng bước tiếp cận thành tích của châu Á và thế giới ở một số nội dung Olympic, ASIAD mà đất nước có thế mạnh.

Du lịch, tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, được đo bằng chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả bền vững thương hiệu và sự cạnh tranh; phấn đấu đến năm 2020, du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12% và đến năm 2020 đạt 12-13 triệu lượt khách quốc tế, 48-50 triệu lượt khách nội địa…

Giữ vững an ninh quốc gia và TTATXH, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trên cương vị mới, kế thừa người tiền nhiệm ưu tú nay đã trở thành Chủ tịch nước với một niềm tin và ý chí quyết tâm cao đã khẳng định, sẽ cố gắng hết sức mình, chung sức, đồng lòng, đoàn kết thống nhất cùng tập thể lãnh đạo Bộ Công an và các đồng chí trong Đảng uỷ Công an Trung ương tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng CAND;

Kế thừa những kinh nghiệm quý báu của các đồng chí Bộ trưởng tiền nhiệm; nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong công tác và chiến đấu để lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia và TTATXH, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường an toàn, lành mạnh, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, gắn với công nghệ thông tin

Trong khi đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tự nhận vị trí mới của mình không khác nào 'từ ngòi ra biển', khi vừa thôi chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam.

Tân Thủ tướng, Bộ trưởng: Thẳng thắn, tư duy mới nhằm tạo chuyển động mới

Nguyên Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên (trái) chúc mừng Tân Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhận nhiệm vụ mới

Người đứng đầu mới của VPCP đã xác định cơ quan này phải là một bộ máy hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, gắn với công nghệ thông tin. Cải cách hành chính là việc "không thể chần chừ”.

Trong đó, công tác thông tin truyền thông, bảo đảm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là một trong những chức năng, nhiệm vụ trụ cột của VPCP được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng xác định cần tiếp tục có những cải tiến, đổi mới, chủ động hơn nữa. Ông khẳng định “Không chỉ là làm tốt việc thông tin chiều từ Chính phủ tới người dân mà còn phải làm tốt việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản hồi từ người dân, làm tốt vai trò kênh thông tin tương tác giữa Chính phủ với nhân dân, giúp Chính phủ gần dân hơn. Người Phát ngôn Chính phủ sẽ luôn đồng hành với báo chí để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

Đổi mới để “trả nợ” cho dân

Nhận nhiệm vụ mới, tân Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ cùng lãnh đạo bộ mạnh mẽ đổi mới, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng thời gian qua. "Có nhiều việc người dân đang đợi giải quyết và chúng ta còn nợ dân rất nhiều", ông nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã xác định rõ một số tồn tại mà Bộ Lao động đang gặp phải. Đó là, việc người có công, người hưởng trợ cấp xã hội chưa được hưởng quyền lợi đầy đủ. Vấn đề lương thưởng, làm sao hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động trong việc nâng lương. Tình trạng cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp là hệ lụy rất lớn từ việc đào tạo không gắn với nhu cầu việc làm. Vấn đề tệ nạn xã hội nhiều khiến môi trường sống của người dân không an toàn...

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những vấn đề còn tồn đọng, Bộ trưởng tiền nhiệm Phạm Thị Hải Chuyền trong quá trình bàn giao đã nói hết. Thời gian tới Bộ Lao động cần rà soát và đánh giá tổng thể các chính sách an sinh, giải quyết vấn đề việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, thực hiện tốt chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chú trọng vào công tác dạy nghề theo hướng tiếp cận thị trường.

"Mọi việc giải quyết theo hướng cái gì sai phải sửa, lạc hậu phải thay đổi, chưa đáp ứng được thực tế thì phải nghiên cứu ban hành mới ngay, không được nợ đọng văn bản. Nợ dân cái gì thì phải tập trung xử lý cái đó, đi từng bước, minh bạch trong mọi việc", ông Dung nói.

Hành động vì một xã hội thông tin lành mạnh

Dù được nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bàn giao lại công việc mà ông mô tả sự tin tưởng về người kế nhiệm là đã không ngừng nỗ lực, trưởng thành từ chính ngành thông tin và truyền thông, song, tân Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn rất thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, thách thức và nhiệm vụ trước mắt cần phải vượt qua.

Tân Thủ tướng, Bộ trưởng: Thẳng thắn, tư duy mới nhằm tạo chuyển động mới

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ký biên bản bàn giao nhiệm vụ

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã vạch rõ tiếp tục những nhiệm vụ và chiến lược ngành thông tin - truyền thông đã đề ra của lãnh đạo ngành. Đặc biệt hai mục tiêu quan trọng khác, trong đó có việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để luật Báo chí (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sớm được đi vào đời sống. Bên cạnh đó nghiên cứu để xây dựng luật Quản lý mạng xã hội dựa trên tinh thần nghị định 72.

Tân Bộ trưởng TT&TT cũng cho biết sẽ ưu tiên một chương trình hành động “Vì một xã hội thông tin lành mạnh” trong thời gian tới.

Thu Vân