Xã hội

Cân nhắc thêm khi quy định hưởng BHXH một lần

Bình Nguyên 21/08/2023 - 16:57

Hưởng bảo hiểm xã hội một lần (BHXH) là vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, Chính phủ đã đưa ra hai phương án để lựa chọn khi trình UBTVQH dự án Luật BHXH (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 25 này.

Giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần

Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”.

202308181707204284_dsc_3062.jpg
Phiên họp thứ 25 UBTVQH.

Để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: Giảm điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng BHYT do NSNN đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng…

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) hiện nay, quy định về hưởng BHXH một lần, Chính phủ đang đề xuất 2 phương án.

- Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:

+ Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

+ Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/07/2025) thì không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).

- Phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH."

Đây là vấn đề lớn, có nhiều ý kiến khác nhau, nên Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án nêu trên vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách BHXH một lần đối với người lao động trong Hồ sơ dự án Luật, trong 7 năm (từ 2016 - 2022) cho thấy, có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần và trong số này đã có khoảng gần 1,3 triệu người quay lại tiếp tục tham gia BHXH (chiếm tỷ lệ 26% số lượt người hưởng BHXH một lần ).

Như vậy trong giai đoạn này ước có khoảng 3,5 triệu người hưởng BHXH một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống BHXH, chiếm tỷ lệ hơn 70% số lượt người hưởng BHXH một lần. Trong số gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần có khoảng 66% có thời gian đóng BHXH dưới 5 năm, nhóm dưới 40 tuổi chiếm 77,5% và đây cũng là nhóm có thời gian đóng bình quân dưới 5 năm.

Quy định và việc hưởng BHXH một lần nhìn chung đều có ở các nước trên thế giới nhưng với những điều kiện hưởng khác nhau và rất chặt chẽ. Qua tham vấn chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, đối với quy định nghỉ việc 12 tháng để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp và ngay sau đó hưởng BHXH một lần thì chưa tìm thấy quốc gia nào có quy định tương tự nước ta.

Cần có các phương thức linh hoạt hơn

202307121921355663_z4509918165221_bdecc1b87925a2ec49cdd401ba5c7de6.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Phát biểu tại phiên họp UBTVQH, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, quá trình thẩm tra dự án luật, có một số ý kiến cũng chưa đồng ý với cả hai phương án Chính phủ trình và cho rằng, phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút BHXH một lần; Phương án 2 cho rút 50% không hợp lý vì, số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động là tiền của người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 168 của Bộ luật Lao động và chưa giải thích tại sao lại đưa ra tỷ lệ 50%.

Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đối tượng chịu tác động trực tiếp vấn đề này; Rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH.

Trước đó, khi góp ý về dự thảo luật này, các chuyên gia cũng cho rằng cần cân nhắc khi quy định hưởng BHXH một lần.

Theo PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, đây là vấn đề lớn, nhưng cả hai phương án đưa ra đều chưa phải là những phương án hay nhất, nên thiết kế các phương thức linh hoạt hơn để cho người lao động lựa chọn. Đó là, cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng hưu hoặc nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu. Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung như dự kiến của dự thảo Luật. Đồng thời cho phép tái tục BHXH khi người lao động muốn quay lại đóng tiếp BHXH sau thời gian ngưng đóng.

Phương thức thứ hai: Người lao động không rút BHXH một lần mà được dùng sổ BHXH để cầm cố vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi để có tiền giải quyết những khó khăn trước mắt. Tất nhiên cần phải quy định chặt chẽ điều kiện vay vốn của NHCSXH, trong đó phải có điều kiện là mất việc làm, không có thu nhập và không có khả năng đóng tiếp BHXH; có phương án sử dụng vốn vay khả thi. Nếu người lao động tìm được việc làm mới, có thu nhập thì hoàn trả vốn vay và tiếp tục tham gia đóng BHXH. Trường hợp đến hạn trả nợ mà người lao động không trả được nợ thì NHCSXH sẽ thu hồi khoản nợ thông qua sổ BHXH đang cầm cố.

110820230437-cqh_4564ok.jpg
PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội cũng cho biết, kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, việc rút BHXH một lần nếu chưa đủ tuổi về hưu là rất hạn chế về cả phương diện lý thuyết và thực tế. Vì chức năng của BHXH là phòng ngừa rủi ro trong ngắn hạn (ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và thai sản), và dài hạn (tử tuất và hưu trí). Nếu các biến cố trên chưa xảy ra, thì không sử dụng BHXH; Trong trường hợp người lao động bị thất nghiệp, không có việc làm, thì sử dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cần tăng cường sự tham gia BHTN.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, phương án 2 mà dự thảo Luật đưa ra là phù hợp. Bởi vì, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Việc rút BHXH khi không có việc làm là chưa phù hợp với bản chất của BHXH, cần sử dụng BHTN để bù đắp thu nhập do bị mất việc làm. Tuy nhiên, đối với trường hợp NLĐ không tham gia BHTN, thì việc cho rút một phần BHXH cũng là giải pháp hỗ trợ người lao động giảm bớt khó khăn. Việc chỉ cho rút 50% cũng là điều kiện để người lao động tiếp tục tham gia BHXH và quan trọng hơn là bảo đảm cho họ có hưu trí khi về già.

Bình Nguyên