Đề xuất thu phương tiện của người vi phạm: Quyền sở hữu tài sản của chủ phương tiện bị xâm hại?!

Đời sống - Ngày đăng : 21:29, 06/03/2015

Theo Luật sư Lê Ngọc Lương, kiến nghị tịch thu phương tiện vi phạm Luật giao thông của Ủy ban ATGT Quốc gia cần được xem xét và cân nhắc kỹ, vì việc này có thể khiến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của chủ sở hữu phương tiện giao thông đó bị xâm hại?!

Liên quan đến kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện vi phạm pháp luật về ATGT đường bộ đang gây xôn xao dư luận, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Lê Ngọc Lương (Công ty Luật Đại Phúc) để trao đổi một số nội dung mà dư luận đang quan tâm.

PV: Thưa Luật sư, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, mới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia đã kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện (ô tô, xe máy) đối với một số vi phạm về ATGT đường bộ. Theo Luật sư, kiến nghị này có xâm hại đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân mà pháp luật đã ghi nhận không?

LS Lê Ngọc Lương: Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2005 đều đã có các quy định để bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân. Do đó, bất kỳ một đề nghị nào ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản của công dân cũng đều phải được cân nhắc và xem xét một cách thận trọng và tuân thủ những nội dung mà Hiến pháp đã ghi nhận. Năm 2012, Quốc hội đã ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó Điều 26 của Luật này đã quy định rõ: vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính có thể tịch thu nếu đó là những vi phạm hành chính có tính chất nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Như vậy, về mặt pháp lý, kiến nghị này là có cơ sở pháp luật chứ không phải là đề nghị cảm tính.

PV: Theo Luật sư, nếu kiến nghị này được Chính phủ chấp thuận thì việc triển khai thực hiện sẽ gặp phải những khó khăn gì?

LS Lê Ngọc Lương: Theo tôi đây là một chế tài hết sức nghiêm khắc, và chắc chắn việc triển khai và thực hiện sẽ gặp không ít khó khăn, trở ngại, cụ thể như: Để triển khai được quy định này thì Chính phủ cần phải giải thích rõ thế nào là “vi phạm hành chính nghiêm trọng” và thế nào là lỗi cố ý của người vi phạm? Mặt khác cũng phải phân định rõ trách nhiệm của người vi phạm hành chính với trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện vi phạm. Đây là hai chủ thể khác nhau nên quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của họ đối với phương tiện vi phạm cũng khác nhau.

Đề xuất thu phương tiện của người vi phạm: Quyền sở hữu tài sản của chủ phương tiện bị xâm hại?!

Hình thức tịch thu xe, cần phải được thảo luận kỹ trước khi ban ban hành. (Ảnh: VOV)

Cụ thể như có rất nhiều người đi lái xe thuê, hoặc mượn xe của người quen, và họ không phải là chủ sở hữu phương tiện giao thông. Trong thời gian được chủ sở hữu giao quản lý xe thì người lái vi phạm quy định của pháp luật về ATGT. Điều gì sẽ xảy ra nếu áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện như đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia trong trường hợp này? Rõ ràng, dù muốn hay không quyền sở hữu tài sản hợp pháp của chủ sở hữu phương tiện giao thông đó cũng sẽ bị xâm hại. Đó là chưa kể trường hợp chủ sở hữu phương tiện vi phạm là các cơ quan nhà nước. Lúc này việc tịch thu phương tiện vi phạm không còn là việc giữa cơ quan nhà nước với cá nhân người vi phạm nữa mà nó trở thành việc giữa hai hay nhiều cơ quan nhà nước với nhau. Nhà nước sẽ giải quyết như thế nào đối với người bị mất tài sản? Do đó, nếu đề xuất này được triển khai thì có thể cần phải sửa đổi một số văn bản pháp luật hiện hành và phải quy định hành lang pháp lý để chủ sở hữu phương tiện có phương án đảm bảo quyền lợi cho mình.

PV: Vậy để triển khai thực hiện quy định này, Nhà nước phải sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật nào thưa Luật sư?

LS Lê Ngọc Lương: Thiết nghĩ, nếu Chính phủ chấp nhận kiến nghị của Ủy ban ATGT Quốc gia thì để triển khai nội dung này, trước mắt cần sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang có hiệu lực thi hành và những văn bản có liên quan. Song song đó cần phải quy định và giải thích rõ các trường hợp bị áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện vi phạm hành chính mà Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã đề cập.

Mặt khác cũng cần phải quy định một cách cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện vi phạm trong trường hợp người vi phạm không phải là chủ sở hữu phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, để làm được những việc này thì cũng không hề đơn giản. Bởi, nếu làm không tốt sẽ khiến nhiều người bị “mất tài sản oan” và sẽ gây phản ứng không tốt trong xã hội, khiến quy định này không thể thực hiện được trên thực tế.

PV: Luật sư có đề xuất gì khả thi hơn không?

LS Lê Ngọc Lương: Tôi nghĩ rằng, cơ quan có thẩm quyền chỉ cần thực hiện nghiêm chỉnh và quyết liệt các quy định hiện hành cùng với việc tăng cường tuần tra và sử dụng các công cụ hỗ trợ (Hệ thống giám sát giao thông) để điều khiển và giám sát người tham gia giao thông là đã có thể giảm được phần lớn các vi phạm. Ngoài ra để răn đe người vi phạm, Chính phủ có thể tăng nặng các chế tài xử phạt hiện có đối với người vi phạm quy định về ATGT đường bộ.

Cùng quan điểm với Luật sư Lê Ngọc Lương, khi được hỏi về vấn đề này, Luật sư Phạm Lê Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: “Chúng ta không thể tịch thu tài sản của chủ sở hữu phương tiện chỉ vì hành vi vi phạm hành chính của người mượn xe hoặc của người được họ thuê để lái xe. Có người cả đời tích cóp mới mua được cái xe nên đối với họ, cái xe là tài sản có giá trị lớn nên chúng ta cần cân nhắc các biện pháp xử lý phù hợp. Chúng ta cũng không nên buộc chủ sở hữu phải ràng buộc trách nhiệm bồi thường của người mà mượn xe hoặc người lái xe thuê, bởi kéo theo nó là một loạt các vấn đề pháp lý có liên quan mà việc giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho chủ sở hữu phương tiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém về tiền bạc của đương sự. Pháp luật phải công bằng và bình đẳng với tất cả mọi người...".

Thiết nghĩ, Chính phủ cần lắng nghe ý kiến của người dân và phải nghiên cứu kỹ mọi khả năng để đưa ra giải pháp hợp tình, hợp lý trước khi quyết định có thực hiện đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia hay không.

Xung quanh đề xuất tịch thu phương tiện, bao gồm cả ô tô và xe máy, nếu người điều khiển vi phạm về nồng độ cồn quá cao, hoặc xe máy lưu thông vào đường cao tốc đang có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Nhiều người cho rằng quy định này sẽ khó thực thi vì xe máy, ô tô là tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Trong khi đó, vi phạm Luật Giao thông đường bộ chỉ là vi phạm phải xử phạt hành chính...

 

Huyền Trang