Hộ gia đình, cá nhân nhận tiền bồi thường thu hồi đất, có mất quyền khiếu kiện?
Theo quy định, nếu hộ gia đình, cá nhân đã nhận tiền bồi thường thu hồi đất thì có quyền khiếu kiện nữa không?
Anh Phạm Văn A (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) hỏi: Vừa qua, chính quyền nhiều lần thông báo và vận động gia đình tôi nhận tiền, bàn giao đất để làm đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhưng tôi không đồng ý về đơn giá, tiền bồi thường, hỗ trợ,… nên chưa nhận. Vậy xin hỏi, nếu nhận tiền bồi thường thì tôi có mất quyền khiếu kiện? Trong thời gian chờ giải quyết khiếu kiện, tôi có bị cưỡng chế buộc giao đất để thi công dự án? Trường hợp có tranh chấp về đất đai, tranh chấp về người nhận tiền bồi thường thì giải quyết như thế nào?
Giải đáp về vấn đề trên, Ths. Bùi Đức Độ - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang – trả lời:
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, có dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau đi qua địa bàn xã Phong Đông và xã Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) dài 17,1km. Là dự án trọng điểm quốc gia, mang tầm chiến lược, hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, nối giữa các vùng đô thị và nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và địa phương nên thuộc trường hợp thu hồi đất theo khoản 1 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 “do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất”.
Theo Điều 74 Luật Đất đai thì “Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất” cho người sử dụng đất có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai.
Như vậy, giá đất để làm căn cứ bồi thường được áp dụng chung cho khu vực và tại thời điểm quyết định thu hồi đất, cho nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không giải quyết khiếu nại về giá đất, mà chỉ xem xét giải quyết bồi thường về loại đất, diện tích đất bị thu hồi,… nếu chưa đúng với mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tại Điều 93 Luật Đất đai quy định “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi. Trường hợp chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả. Trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước”.
Như vậy, nếu người có đất bị thu hồi không nhận tiền bồi thường, thì số tiền này được gửi vào Kho bạc nhà nước, cho nên dù có giữ tiền bồi thường ở đó bao nhiêu năm thì cũng không phát sinh lãi.
Bên cạnh đó, khoản 6 Điều 17 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai quy định: “Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có)”.
Pháp luật về đất đai và pháp luật về khiếu kiện, không quy định người có đất bị thu hồi đã nhận tiền bồi thường thì không được quyền khiếu kiện, cho nên nhận hay chưa nhận tiền đền bù thì cũng có quyền khiếu kiện như nhau nếu đáp ứng các điều kiện: (1) Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày và thời hiệu khởi kiện là 1 năm, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính liên quan đến bồi thường, hết thời hiệu sẽ không được quyền khiếu nại, khởi kiện (thời gian ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa… thì có thể được xem xét không tính vào thời hiệu khiếu nại, khởi kiện); (2) Đối tượng khiếu nại, khởi kiện là quyết định hành chính, hành vi hành chính; (3) Chủ thể khiếu nại, khởi kiện là người có đủ năng lực hành vi, bị ảnh hưởng bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính;…
Đối với đất đang có tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân hay tranh chấp giữa những người trong thân tộc về nhận khoản tiền đền bù, khoản 3 Điều 30 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định “Trường hợp diện tích đất thu hồi đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất mà chưa giải quyết xong thì tiền bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích đất đang tranh chấp đó được chuyển vào Kho bạc nhà nước chờ sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết xong thì trả cho người có quyền sử dụng đất”.
Giải quyết xong có nghĩa là bằng một quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính có hiệu lực hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án (bản án sơ thẩm không bị kháng cáo/kháng nghị, bản án phúc thẩm); trường hợp đang yêu cầu xem xét theo trình tự giám đốc thẩm thì bản có hiệu lực vẫn buộc phải thi hành, trừ khi Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao trở lên đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án có quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm (Điều 332 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Từ những quy định và phân tích nêu trên, nếu người có đất bị thu hồi không đồng ý với mức bồi thường thì hoàn toàn có thể yên tâm, thể hiện rõ ý kiến của mình trong văn bản ký nhận là sẽ tiếp tục khiếu kiện sau khi đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho dự án để tránh thiệt hại cho bản thân, cũng như ảnh hưởng đến dự án.