Xôn xao về "rắn thần" xuất hiện ở đền Nưa - Am Tiên
Đời sống - Ngày đăng : 17:31, 27/02/2015
Nằm ở độ cao 585m so với mặt nước biển, khu di tích Am Tiên nằm trên đỉnh Ngàn Nưa là nơi hội tụ linh khí linh thiêng giao thoa giữa trời - đất. Nơi đây xưa kia Bà Triệu cùng hàng ngàn tráng sĩ mài gươm luyện võ, dấy binh khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của giặc Ngô phương Bắc.
Rất đông người dân đổ về di tích Am Tiên
Những ngày gần đây người dân tới dự lễ, thắp hương đều rất hiếu kỳ về thông tin “thần xà” xuất hiện phù hộ độ trì cho người thành kính, tấm lòng trong sạch và sẵn sàng trừng trị những kẻ gian manh. Nhiều câu chuyện được thêu dệt thêm khiến người dân không khỏi bán tín, bán nghi.
Rắn lục màu xanh được thêu dệt là "Thần xà"
Quần thể núi Nưa có mạch núi bắt nguồn từ dải Trường Sơn, vươn về phía biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có hàng ngàn ngọn núi lớn nhỏ trùng điệp phân bổ rộng khắp trên diện tích 55km, có đỉnh cao nhất 538m so với mặt nước biển, xung quanh là 99 ngọn núi tựa như voi phục chầu về đỉnh. Từ trên cao nhìn xuống, một vùng đồng bằng Nông Cống - Triệu Sơn mờ ảo trải dài ngút tầm mắt. Kia là dòng Lãn Giang nằm e ấp, cuộn mình trong sương sớm. Kia là núi Tía, núi Lễ.
Theo quan sát của PV, trên đường lên “cổng trời” có một cây đa nhỏ có một con rắn lục xanh nằm bất động trên ngã ba ngọn cây. Trong không gian của ngôi đền thiêng, người dân cứ thêu dệt đây là linh xà khiến không ít người hoài nghi.
Giếng tiên ở khu di tích Am Tiên
Theo ông Nguyễn Đình Mạnh, người trông coi, quét dọn các điểm di tích, thì “thần xà” đã xuất hiện ở đây hơn 1 năm nay và chưa cắn ai bao giờ. Từ trước “thần xà” sinh sống ở giếng Tiên. Đỉnh núi Nưa - nơi có động Am Tiên là một khu đất rộng và khá bằng phẳng. Tuy ở độ cao 585m, nhưng ở đây vẫn có mạch nước ngầm chảy ra trong vắt và không bao giờ cạn, đã tạo thành một cái giếng tự nhiên rất đặc biệt mà dân gian đặt tên là giếng Tiên.
Ông Nguyễn Văn Mạnh cho đây là "Thần xà" rất linh
Một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ không giải thích được trên đỉnh Ngàn Nưa, đó là xuất hiện giếng nước trên núi. Trên độ cao hơn 500m không suối, không khe lại có thủy tụ. Không ai xác định được giếng này có từ khi nào. Dân gian vẫn tương truyền, sự chuyển động của vũ trụ tạo ra vết nứt trên đá, dần dần vết nứt rộng ra tạo thành giếng.
Ngày mùng Một, chẳng hiểu sự tình thế nào mà “Thần xà” chuyển lên ngự ở ngọn cây đa. Người ta đi qua lại chỉ biết khấn vái, không ai dám làm kinh động tới ngài. Những câu chuyện kỳ bí cứ thế được thêu dệt không ngừng khiến ngày càng nhiều người tới khấn vái, cầu nguyện tại cây đa có con rắn này.