Hạnh phúc giòn rụm

Đời sống - Ngày đăng : 07:30, 23/02/2015

Chiếc bánh tráng Phù Cát có màu vàng chứ không trắng như bánh tráng gạo. Ăn có mùi vị đậm đà chứ không nhạt như bánh tráng gạo.

Những lúc xa quê, vật tôi nhớ tới đầu tiên là chiếc bánh tráng. Nghĩ lại, nó là vật vô tri làm sao nó lại hiện diện trong ký ức rối rắm, có nhiều thứ phải nhớ tới của tôi. Kỳ thực nhớ tới chiếc bánh tráng chính là nhớ tới con người.

Hạnh phúc giòn rụm

Bánh tráng là món ẩm thực rất thông dụng, có mặt trong các bữa ăn từ Nam chí Bắc nhưng cách sử dụng nó, không có nơi nào “cạn tàu ráo máng”như ở Bình Định. Thường ở các nơi, bánh tráng dùng để làm món gỏi cuốn là bánh tráng mỏng, có khi không cần thấm nước vẫn có thể cuốn được. Ở Bình Định, bánh tráng dùng phổ biến là bánh tráng dày... Người ta có cuốn mọi thứ bằng bánh tráng dày theo đúng câu “ăn chắc, mặc bền”.

Ở đây có thể nói thêm một chuyện khác. Nhiều người dân Nam bộ ra miền Trung chơi thường ngạc nhiên khi thấy nhà cửa ở đây thường là nhà gạch, mái ngói không có loại nhà tranh mái lá như nơi họ sống. Không phải người Trung giàu hơn người Nam, mà chính do thời tiết khắc nghiệt, mưa bão liên miên,cho nên dù phải "ăn mắm, mút giòi" họ cũng chắc mót xây cho được một mái nhà vững chắc. Chuyện đó có liên quan gì tới chiếc bánh tráng.

Có đấy, nó liên quan đến thói quen dè sẻn của người dân ở đây. Dù giàu hay nghèo, trong nhà luôn luôn dự trữ vài ràng bánh tráng. Mỗi khi đói bụng,có cái ăn ngay... Chỉ việc rút ra vài chiếc bánh nhúng nước, cộng thêm chén nước mắm tỏi ớt (không có chanh đường,vì dân ở đây vốn ăn mặn mà) là xong một bữa. Người ở nơi khác có thể thắc mắc, không có thử để cuốn (tôm, thịt) thì ăn bằng gì? Câu trả lời đơn giản: bánh tráng cuốn bánh tráng. Ăn suông như thế chỉ có ở người Bình Định. Từ đây liên tưởng đến chuyện lịch sử.

Người ta cho rằng, trong cuộc hành quân thần tốc của quân đội Tây Sơn từ Nam ra Bắc, có sự trợ sức của món ăn dân dã: chiếc bánh tráng bởi cách chế biến cấp tốc của nó. Nhưng có thật hay không, chưa có nghiên cứu lịch sử nào xác nhận điều này.

Chuyện “bánh tráng cuốn bánh tráng” làm tôi nhớ lại thời sinh viên trước bảy lăm. Mỗi lần về thăm quê trở lại, trong hành trang của các sinh viên quê gốc Bình Định thường không thiếu vài ràng bánh tráng mặn dù đi xe đò tối kỵ những vật lỉnh kỉnh. Ở chung phòng trọ,trước các kỳ thi, học bài xong có khi đến quá nửa đêm, bụng đói cồn cào, ăn khuya nhanh, lẹ không có gì hơn là bánh tráng. Thức chấm có khi là nước mắm hoặc ngon hơn nữa không gì bằng mắm ruốc, ớt tỏi, thêm vài lát chanh vắt vào thì tuyệt cú mèo, có thể vững bụng mà đi ngủ.

Chiếc bánh tráng cũng không thể thiếu trong các cuộc giỗ tiệc. Mỗi lần mang đồ cúng xếp đặt trên bàn thờ tôi thường nghe má tôi nói “còn thiếu con ơi!”. Tôi chợt nhớ ra chiếc bánh tráng. Khi dọn mâm cỗ ra mời khách, vật đầu tiên mà khách đụng tới cũng là chiếc bánh tráng... Má tôi là chủ nhà “mời các chú, các bác cầm đũa” thì khắp nơi đồng loạt vang lên tiếng cúc cắc của bánh tráng bẻra. Các nơi người ta nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” còn ở đây “bánh tráng là đầu bữa giỗ”. Vừa cắn bánh tráng vừa trò chuyện, thôi là bao nhiêu chuyện trên trời dưới đất liên tục nổ ra.

Mùa cá nục, dân ở đây có thể ăn bánh tráng thay cơm. Cá nục tươi hấp lên dọn lên mâm cùng với rau muống sống (không thể thay thứ rau nào khác) chấm nước mắm ớt tỏi, vừa ăn vừa hít hà. Ăn bánh xèo ở Bình Định cũng không thiếu chiếc bánh tráng...Nó dùng để cuốn rau kèm theo nửa chiếc bánh xèo vừa đúc xong nóng hổi “vừa thổi vừa nhai”.

Khác với cách ăn bánh xèo ở Nam Bộ, người ta có thể dùng lá cải xanh cuốn bánh xèo hoặc ăn bánh xèo bỏ vào chén ăn kèm rau mà không cuốn. Cách nhau chỉ một con đèo (đèo Bình Đê) nhưng Quảng Ngãi ăn bánh tráng theo kiểu khác. Những món ăn nào có nước như bún, phở, don... người dân ở đây thường ăn kèm bánh tráng nướng bẻvụn. Ăn một tô bún nhờ bánh tráng có thể no lên gấp rưỡi.

Nói đến bánh tráng, không thể không nhắc đến bánh tráng mì Phù Cát và bánh tráng dừa Hoài Nhơn. Bánh tráng mì là thứ bánh tráng con nhà nghèo, làm toàn bằng nguyên liệu củ mì(sắn) mài ra. Chiếc bánh có màu vàng chứ không trắng như bánh tráng gạo. Ăn có mùi vị đậm đà chứ không nhạt như bánh tráng gạo.

Nông dân ở đây sáng sớm trước khi ra đồng có thể lót dạ bằng vài chiếc bánh tráng mì nhúng hoặc nướng, vừa ngon vừa rẻ. Còn bánh tráng dừa Hoài Nhơn thường được khách xa mua làm quà mỗi khi xe tạt ngang huyện lỵBồng Sơn. Trên mặt chiếc bánh này thường thấy nổi lên xác cơm dừa, xác hành tím, nướng lên ăn có vị béo béo thơm thơm. Hạnh phúc cuộc sống ở đó chớ đâu xa....

Bích Tuyền