Tết ăn cá niên hên trọn 1 năm

Đời sống - Ngày đăng : 10:00, 21/02/2015

Anh Trần Hồng Cảnh đeo cây đèn quấn mấy lớp ni lông lên đầu, tay kiểm tra khẩu súng nọc, nói gọn lỏn: đi! Tôi ôm theo mớ lưới cùng cây vợt cũ lon ton theo anh như một đồ đệ.

Núi rừng An Lão thâm u, phủ đầy bóng đêm. Sỏi lạo xạo dưới chân, con suối sùng sục chảy hòa chung tiếng cú mồn một vọng về. Hôm nay, tôi đi săn cá niên...

Chịu lạnh lùng cá

Cảnh giải thích, cá niên là đặc sản có một không hai của vùng núi đồi từ Huế vào đến huyện miền núi An Lão, Bình Định. Ban đầu, nó là thức ăn của bà con đồng bào các dân tộc anh em như Ba Na, Ê Đê, Cadong... nhưng bây giờ, cá niên đã là món ăn quyến rũ làm mê đắm bất kỳ ai.

Tết ăn cá niên hên trọn 1 năm

Để có đĩa cá niên này phải trải qua cuộc săn tìm, ngâm mình trong suối lạnh với nhiều cái "thú đau thương" khác

Cá niên sống dưới những làn thác đổ, bọt tung trắng xóa ban ngày, rì rầm ban đêm. Sau bữa rượu gạo giản đơn với rau dớn rừng, cá niên ở nhà anh Cảnh, lý do chúng tôi nán lại vùng sơn cước này chỉ vì nóng lòng muốn đi săn loài cá làm thỏa mãn bất kỳ cái lưỡi bảo thủ nào. Rượu gạo tự chưng khiến chếnh choáng, nhưng thịt cá niên lại đưa người ta đến cơn say bất tận. Nói cách khác, cá niên ngon đến độ đồng bào dân tộc khuyên: Ăn xong, nhớ đừng chết để còn cơ hội ăn nữa.

Thoạt trông, cá niên giống cá diếc nhưng xương rất cứng. Nếu ví cá diếc như anh hai đồng bằng dân dã thì cá niên đáng được gọi là hảo hán sơn lâm.

Có hai thời điểm cá niên xuất hiện nhiều là vào mùa hè và dịp Tết nguyên đán. Ban ngày cá bơi nhanh nên rất khó bắt. Đó là lý do dân săn cá thường chọn ban đêm, lúc cá ngủ trong các hộc đá mà “ra tay”. Một ký cá niên trên thị trường mùa tết, nhiều khi lên đến tiền triệu mà vẫn không có hàng. “Thịt cá ngon, được giá nên dù nước lạnh đến 15 độ C hay thấp hơn chút nữa, dân vẫn đi bắt như thường”. Cảnh cười giòn tan, ngâm chân xuống suối lạnh cho quen rồi từ từ mất dạng dưới lòng suối sâu.

Từ trên bờ, mấy anh thanh niên “tà lọt” nhả khói, chỉ theo vệt sáng dưới dòng suối trong mà đoán vị trí lặn của Cảnh. Ở cái xóm An Hòa, An Lão này, Cảnh là một trong những tay sát cá niên số một.

Độc chiêu cá niên

Ngụp lặn trong dòng suối lạnh hơn ba tiếng đồng hồ, nhóm chúng tôi thu hoạch được khoảng hơn nửa ký cá niên. Cảnh leo lên mỏm đá, khoác vội chiếc khô vào người, co ro bên đống lửa vừa được nhen để nướng cá.

Thực ra, không có cách bảo quản cá niên nào tốt hơn cách nướng. Vì cá niên từ lúc lên bờ đến vài chục phút sau đã mất đi mùi vị béo, thơm, dai, ngọt của nó. Ngay cả cách hiện đại nhất là ướp đá, bỏ vào tủ đông thì cá cũng không thể ngon. Nướng cá qua lửa, mùi vị đặc trưng “tay hảo hán núi rừng” sẽ được giữ nguyên rất lâu ngày. Đây là cách mà đồng bào Ba Na, Ê Đê ở vùng xã An Toàn, giáp ranh với tỉnh Kom Tum bảo quản cá để dùng trong lúc nhà thiếu thức ăn, hay làm biếng ra chợ.

Thấy tôi săm soi khẩu súng nọc, Cảnh kể: Đây là loại súng do người dân An Lão sáng tạo nên. Nó được đẽo từ một thân gỗ theo hình dạng một khẩu súng thật. Phía trước gắn một ống kim loại để định vị mũi tên nhỏ như cây căm xe đạp. Đèn soi đầu được quấn ni lông để không thấm nước, hư mạch pin. Thợ lặn chỉ cần quan sát các hốc đá, thấy đàn cá niên thì đưa súng nọc ra bắn từng con. Kiểu săn này mang tính văn nghệ nên không thể bắt được nhiều cá niên.

Một kiểu bắt cá niên khác hiệu quả hơn là dùng lưới lỗ nhỏ như hạt đậu phộng. Mỗi đoạn lưới dài khoảng hơn 10m. Tuy nhiên, do vùng thác ghềnh An Lão nước chảy mạnh nên người ta phải đính vào đó hơn 5kg chì để lưới chìm bắt cá.

“Mỗi đêm dân đánh cá niên bằng lưới bắt được 3 ký là cao. Vì cá niên sống trong nước sạch, ô nhiễm chút xíu là nó đi hết. Do tên gọi là cá niên lại thường có vào mùa tết nhưng rất nhiều người muốn mua để cúng tất niên, bày trên mâm cơm đầu năm cho may mắn. Bây giờ mà dùng cần đi câu cá niên thì chắc đỏ mắt mới được một con”. Anh Ba Quang, một người dân xã An Hòa kể thêm.

Cá niên có nhiều cách chế biến và hầu như làm món nào cũng ngon. Ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, cá niên thường nướng, hấp chấm với nước mắm, còn dân An Lão, Bình Định lại thích nướng cá lên rồi dằm nát vào trong mắm làm thứ nước chấm trác tuyệt cho các loại rau.

Độc chiêu hơn, con cá niên núi rừng khi về đến phố thị Quy Nhơn lại thêm món nấu canh lá giang. Cuộc hôn phối kỳ lạ của vị chua lá giang và cái đắng “tê tái” của ruột cá thoáng chốc thành mối lương duyên cắm sâu vào ký ức.

Cảnh nói, giờ An Lão dần vắng bóng thanh niên. Họ đổ xô vào các thành phố phía Nam làm đủ thứ nghề. Bản thân anh cũng là dân kinh doanh, nhưng mỗi bận Tết đến xuân về, không thể nào bỏ qua được cảm giác trân mình giữa dòng nước lạnh để bắt cá niên đãi bạn bè.

“Săn bắt hay ăn cá niên qua lời kể không bao giờ là trọn vẹn cảm giác, cảm xúc. Bạn phải là người trong cuộc mới được!”. Cảnh cười giòn tan giữa núi rừng...

Có hai thời điểm cá niên xuất hiện nhiều là vào mùa hè và dịp Tết nguyên đán. Ban ngày cá bơi nhanh nên rất khó bắt. Đó là lý do dân săn cá thường chọn ban đêm, lúc cá ngủ trong các hộc đá mà “ra tay”. Một ký cá niên trên thị trường mùa tết, nhiều khi lên đến tiền triệu mà vẫn không có hàng. “Thịt cá ngon, được giá nên dù nước lạnh đến 15 độ C hay thấp hơn chút nữa, dân vẫn đi bắt như thường”. Cảnh cười giòn tan, ngâm chân xuống suối lạnh cho quen rồi từ từ mất dạng dưới lòng suối sâu.

 

Nguyễn Đăng