Tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Xác định sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả trong cơ cấu kinh tế, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao chất lượng, năng suất. Từ đó, tỉnh Thái Nguyên hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô, thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Sáng 16/8, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chủ trì Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương.
Sau 05 năm (2018 - 2022) triển khai Nghị định số 98, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện 121 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho 88 hợp tác xã (HTX) và 33 doanh nghiệp trên địa bàn với 3.665 hộ tham gia liên kết. Trong đó, tập trung hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; chi phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; mua giống, vật tư thiết yếu; hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn GAP, hữu cơ…
Đến nay, toàn tỉnh đã có 81 liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp duy trì hoạt động; nhiều doanh nghiệp, HTX đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, từng bước mang lại hiệu quả tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, qua đó hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, như: Sản xuất chè VietGAP, hữu cơ, lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao; cây ăn quả, cây quế; chăn nuôi an toàn dịch bệnh; nuôi trồng thuỷ sản;... Từ đó, góp phần quan trọng đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới của địa phương cũng như hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có trên 170 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có hai sản phẩm OCOP 5 sao. Các sản phẩm này đã tăng doanh thu ít nhất từ 20% trở lên so với trước khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Tỉnh Thái Nguyên đã chủ động ban hành các Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, OCOP với các chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu, điểm giới thiệu và bán sản phẩm... Đây là động lực thôi thúc các chủ thể phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật cho nên ngày càng có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định: Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được xem là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hình thành nền nông nghiệp hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định số 98, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó chú trọng tuyên truyền về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản và các quy chuẩn tiêu chuẩn, thông tin về thị trường (giá cả, dự báo thị trường...); rà soát, kiến nghị kịp thời với cấp có thẩm quyền điều chỉnh và bổ sung các văn bản nhằm khắc phục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách được quy định trong Nghị định cũng như các văn bản liên quan khác.
Bên cạnh đó, bố trí, lồng ghép các nguồn lực của Trung ương và địa phương, các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai chính sách hiệu quả; ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ xây dựng mô hình doanh nghiệp, HTX sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn sản phẩm an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối đưa nông sản địa phương vào các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao cho các dự án, kế hoạch liên kết, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản trị…
Việc phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm đang được tỉnh Thái Nguyên thực hiện giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đồng thời, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo vùng nguyên liệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Từ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.