Chất Hà thành nơi đảo xa

Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 21/02/2015

Ngoài Trường Sa, người Hà Nội thậm ít nhưng cái chất Tràng An lại có sức lan tỏa, ảnh hưởng rất lớn đến những anh em lính đảo ở những vùng quê khác…Đơn giản bởi họ là người Hà Nội.

Song Tử Tây – Trái tim của các đảo cánh bắc Trường Sa như một vườn Bách Thảo (Hà Nội) xanh um giữa ngàn trùng sóng. Tuy nhiên, chẳng thể có đủ bách thảo (Trăm loại cây cỏ) mà chỉ có “nhị thảo” là cây phong ba và cây bàng vuông. Xuống vừa cập bến, có cậu lính trẻ chạy ngược, chạy xuôi trên cầu tầu luôn miệng hỏi những người trong đoàn công tác: “Có anh nào người Hà Nội không? Em tên Ngọc Anh, ở Bồ Đề, Long Biên. Quê đi có chịu được sóng không, tối nghỉ phòng nào ở nhà khách? Quê nghỉ đi cho khỏe nhé, em còn bận gác, tối gặp lại”. Đến như gió, đi như gió, chả hiểu ra sao duy có tiếng “Quê ơi” nghe thân thương đến lạ.

Chất Hà thành nơi đảo xa

Chuẩn bị trang trí cây phong ba cho đêm văn nghệ trên đảo Song Tử Tây

Chút hương nhài giữa trập trùng sóng

Trên Trường Sa, nếu là đồng hương, người ta không gọi nhau là anh em, chú bác vốn rất nhiêu khê của tiếng Việt mà chỉ thủ thỉ: “Quê ơi”… Vốn đi Trường Sa vài lần nên tôi thắc mắc không hiểu người Hà Nội có gọi “quê ơi” với đồng hương hay không? Nay thì đã rõ. Cậu lính trẻ Tăng Ngọc Anh này chính là con “kình ngư” của đảo.

Ngọc Anh lý giải về chuyện này: “Lúc mới ra đảo, em bị đồng đội gọi là “công tử bột” vì tác phong sinh hoạt hơi cầu kỳ và da hơi trắng nên trông cũng bột thật. Để anh em nhìn mình với con mắt thân thiện hơn, em thường xin phép chỉ huy đi đánh bắt cá, đồ biển về để cải thiện bữa ăn cho anh em. Lâu ngày thành quen nên bơi lội cũng khá mà tay nghề đánh bắt cá cũng tàm tạm”. Tàm tạm là cách nói khiêm tốn chứ nhìn dăm con cá bò bọc thép dễ đến dăm cân cậu vừa mang ở biển về để tối mời khách cũng biết đây là tay “sát cá” có hạng.

Trường Sa – Hà Nội cách xa nhau quá nhưng trên Trường Sa, đoàn công tác chúng tôi nhớ mãi, bộ đội Trường Sa cũng sẽ nhớ mãi một “Mối tình Trường Sa – Hà Nội” trứ danh tại buổi liên hoan trên đảo. Nói “mối tình” cho có vẻ lãng mạn nhưng thực ra nó chỉ là món cá bò nướng mà những người Hà thành kỳ công chế biến “kiểu Hà Nội” để mời đoàn công tác.

Cá bò bọc thép là món ăn đệ nhất trên Trường Sa, anh nào ra đến Trường Sa mà không được ăn món này thì coi như “Là người Pháp mà không biết đến Nã Phá Luân – Là người Mỹ mà không biết đến Hoa Thịnh Đốn” hoặc nói đơn giản hơn là “Đến Hà Nội chơi mà không được biết mùi phở”. Cánh lính đảo vốn “chém to kho mặn” nên chỉ “mê tín” món cá bò nướng cho gọn, cứ vứt vào lửa, kệ cho lửa cháy ra sao cũng mặc vì da cá rất dày (thế mới gọi là bò bọc thép), khi da cháy đen thui thì vác lên gỡ ra và chấm muối mà đánh chén… Món ăn Ngọc Anh mời khách và đãi bạn ấy có màu vàng ươm vì được phết một lớp nước nghệ trước khi nướng.

Khi lớp da vừa được gỡ đi thì thật thần kỳ, lớp thịt trắng tinh, bốc khói ấy được rắc lên một lớp thì là thái nhỏ và hạt tiêu thơm thoang thoảng. Trên đất liền có lẽ ít người biết rằng có được một chút rau thì là (bán khoảng dăm nghìn/ mớ tại các chợ Hà Nội) trên Trường Sa đúng là điều không tưởng. Nước chấm cá là mắm ớt gừng thái sợi. Nhìn món ăn vừa lạ lẫm vừa quen thuộc ấy, cánh bộ đội trên đảo đánh lưỡi choèn choẹt và suốt cả bữa (nói vui như Đại tá Nguyễn Bá Ngọc, Phó tư lệnh Hải Quân vùng 4) là “Các đồng chí! Lấy đĩa cá bò làm đích ngắm”. Tay khua đũa như múa giáo, mấy anh bộ đội trên đảo còn bảo “Mấy cái anh Hà Nội này, “rách việc” thật”. Âý đấy! Có thanh lịch hay không? Có Tràng An hay không? Có thoảng hương hoa nhài hay không? Chính là nhờ cái sự “rách việc” này đây.

Khuê Văn Các vững chãi giữa biển

Một người Hà Nội “cứng cựa” khác là thượng tá Đào Thanh Tùng, Bệnh xá trưởng cụm đảo phía bắc Trường Sa, con người sinh ra và lớn lên ở 44 Cầu Gỗ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói như thanh minh: “Không hiểu người ta xa quê thì nhớ cái gì? Nhưng tớ cho rằng nhớ quê phần nhiều là nhớ các món ăn quê mình, bởi món ăn ấy có hình bóng mẹ, vợ, người hay làm những món ăn cho mình.

Quanh những món ăn ấy là cảnh cả gia đình sum họp vào bữa cơm chiều. Nhớ lắm. Chính vì thế, có vài anh em Hà Nội trên đảo những lúc rỗi rãi thường hay làm vài món ăn Hà Nội để mời anh em, vừa đỡ nhớ nhà và cũng có dịp khoe cái hay của người thủ đô”. Cái mớ thì là bé tí ấy là sản phẩm của cả gói hạt giống to đùng từ đất liền gửi ra. Phải trồng trong chậu, nhưng mang ra ngoài trời thì thân cây như cái tăm không chống nổi gió dữ dội, mang vào nhà thì lại thiếu ánh sáng. Chính vì thế, mấy anh em phải thay phiên nhau trực, chờ lúc nào thật lặng gió thì mang chậu thì là ra đón nắng, hễ có gió lại phải bê vào nhà, bao vất vả mới được một nhúm con con đãi khách “ở quê ra” như thế.

Những người Tràng An trên Song Tử Tây còn có một sản phẩm khiến ai cũng ngỡ ngàng: Một cây phong ba thế Trường Xà (con rắn dài) được mấy anh em Hà Nội đánh lên trồng vào chậu uốn tỉa, chăm sóc để mỗi đêm văn nghệ đều được mang lên sân khấu và treo hoa giấy lên trên: Tùy theo mùa, xuân thì hoa mai, hạ thì hoa phượng, thu lại hoa cúc… tha hồ mà đẹp. Cây phong ba này đã trở thành một bảo vật của đảo… Nghề chơi thật cũng lắm công phu.

Từ Hà Nội ra Trường Sa và về quê là ngàn trùng xa cách: Phải mất gần một nghìn km trên biển và hơn nghìn km trên đất liền mới về đến nhà. Cầm món quà gửi về cho con của trung úy Đỗ Văn Chiến, nhà ở xóm 10, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm cũng thấy ấm lòng với tình cảm của đất liền với lính đảo.

Cái vỏ đạn chỉ bằng cổ tay được gia công lại thành chiếc bình hoa xinh xắn khiến chúng tôi luôn gặp rắc rối ở các sân bay, thế nhưng chỉ một câu nói: “Của lính đảo Trường Sa gửi về Hà Nội” là lại được tạo điều kiện mang đi dễ dàng. Món quà thân thương, nồng nàn tình cảm đầy chất lính của anh Chiến đã được tôi đem đến nhà ở xóm 10, Cổ Nhuế, Từ Liêm (Hà Nội) đưa tận tay vợ anh là chị Tống Thị Minh Hằng. Chị Hằng không kìm được những giọt nước mắt xúc động. Ôm con trai Đỗ Gia Bách, chị Hằng bộc bạch: “Là vợ bộ đội nên tôi rất hiểu và thông cảm với công việc của chồng. Tôi sẽ cố gắng để thay chồng nuôi con. Tôi xin gửi lời chúc mạnh khỏe, bình an đến chồng và các đồng đội ở Trường Sa. Mong các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Những người Hà Nội ở Trường Sa rất tự hào với công trình nhà khách Thủ đô đầu tiên được đặt trên đảo Trường Sa lớn. Công trình nhà khách Thủ Đô có 2 tầng, rộng gần 600m2, gồm 21 phòng, 50 giường, tọa lạc trên vị trí rất đẹp, ngay cạnh cầu tàu ra vào đảo, hoàn thành năm 2010. Đây là công trình do UBND Thành phố Hà Nội xây tặng Trường Sa.

Đại tá Nguyễn Bá Ngọc, Phó tư lệnh Hải quân vùng 4 cho biết: “Công trình nhà khách của UBND Thành phố Hà Nội mở đầu phong trào cả nước đóng góp thiết thực cho Trường Sa. Từ công trình này đã có rất nhiều các nhà khách khác được các tổ chức trong nước noi gương xây dựng tại một số đảo lớn: Nam Yết, Sơn Ca…”. Công trình nhà khách mang hình dáng trang nhã của Khuê Văn Các tại Quốc Tử Giám khi đứng trước sóng biển Trường Sa trông thật vững chãi như tấm lòng bền chặt của người thủ đô với đảo xa.

Rời Trường Sa, tôi chỉ nhớ lời thượng tá Thanh Tùng nói với mấy anh em tôi trong đêm ra bờ biển ngắm trăng: “Các cậu biết tại sao Trường Sa sóng dữ dội mà sóng hồ Gươm lại yên ả thế không? Đó chính là vì có những người lính, những người Hà Nội ra đây ưỡn ngực đón ngọn sóng đầu dữ dội để con sóng dưới chân cầu Thê Húc được yên bình vỗ nhẹ giữa lòng thủ đô”.

Lãng mạn quá thể! Mấy cái anh Hà Nội này “rách việc” thật!

Thượng tá Vũ Văn Cường - Đảo trưởng Song Tử Tây - cho biết: “Công bằng mà nói, anh em người Hà Nội ra Trường Sa luôn gặp khó khăn hơn so với những anh em khác vì sức chịu đựng gian khổ trong những ngày đầu chưa tốt. Tuy nhiên, chúng tôi luôn khích lệ anh em làm sao đừng để anh em bộ đội các địa phương khác “chê” người Hà Nội “công tử bột”. Đáng mừng là anh em sau thời gian đầu bỡ ngỡ đều bắt nhịp rất tốt với mọi hoạt động của đơn vị và luôn là hạt nhân của các phong trào văn nghệ”. 

 

Tuấn Lệ