Chính trị

UBTVQH cho ý kiến kế hoạch giám sát hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập

Mai Thoa 18/08/2023 12:00

Sáng 18/8, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.

Báo cáo về kế hoạch giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng- Phó trưởng đoàn giám sát cho biết: Dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết của Đoàn giám sát gồm 6 phần, xác định rõ mục đích, yêu cầu; nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát; phương thức hoạt động của Đoàn giám sát; phân công tổ chức công việc của Đoàn giám sát; kế hoạch hoạt động giám sát và tổ chức thực hiện.

202308161522028078_dsc_1720.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng- Phó trưởng đoàn giám sát tại phiên họp sáng nay 18/8.

Hoạt động giám sát tập trung vào việc giá kết quả đạt được; hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc: Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tập trung vào các nội dung : Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các đơn vị sự nghiệp công lập; ứng dụng dịch vụ công, hoàn thiện cơ chế tài chính…

Đối tượng giám sát được chia làm 2 nhóm, nhóm thứ nhất gồm: Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nhóm thứ 2 bao gồm: các cơ quan Đảng ở Trung ương, TANDTC, Viện KSNDTC, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội.

Phạm vi giám sát, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 25/10/2017 (từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII) đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước.

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát dự kiến tổ chức 3 phiên họp chính để triển khai thực hiện các nội dung công việc (vào khoảng thời gian: 10/8/2023; cuối tháng 6/2024; giữa tháng 7/2024).

Bên cạnh làm việc với các cơ quan Bộ, ngành sẽ tổ chức Đoàn công tác làm việc với một số đơn vị sự nghiệp công lập điển hình, quy mô lớn trong một số ngành, lĩnh vực để trao đổi sâu, làm rõ các vấn đề có liên quan.

Đoàn giám sát tổ chức giám sát, làm việc với một số địa phương là các tỉnh, thành phố lớn, có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, có đặc thù, đại diện các khu vực, vùng miền... (khoảng 10 - 12 tỉnh, thành phố, dự kiến gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Long An).

Căn cứ vào tình hình cụ thể, Trưởng Đoàn giám sát quyết định việc mời chuyên gia, đại diện cơ quan, tổ chức liên quan tham gia các Đoàn công tác; tổ chức hội thảo, tọa đàm để đóng góp ý kiến, thu thập thông tin, xây dựng video clip phục vụ hoạt động giám sát.

Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến nhất trí với dự thảo kế hoạch của đoàn giám sát đề ra. Dự thảo Kế hoạch giám sát đã xác định rõ mục đích, yêu cầu; nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát; phương thức hoạt động của Đoàn giám sát; phân công tổ chức công việc, kế hoạch hoạt động giám sát và tổ chức thực hiện.

202308171806457672_dsc_2039.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến trong UBTVQH đánh giá cao việc chuẩn bị kế hoạch của đoàn giám sát đối với chuyên đề nêu trên. Các công việc triển khai khẩn trương, kịp tiến độ.

Về một số ý kiến tham gia thêm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong đề cương cần làm rõ thêm tình hình, bối cảnh thực hiện. Trong bối cảnh hiện nay, đây là chuyên đề khó liên quan đến cả hệ thống chính trị, có nhiều nghị quyết của Trung ương, Đại hội Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư… và nhiều luật, nhiều lĩnh vực.

Hầu hết cơ quan trong hệ thống chính trị đều có đơn vị sự nghiệp công lập, nên phạm vi rất rộng, có rất nhiều luật điều chỉnh nhưng chưa có luật riêng. UBTVH, Quốc chưa bao giờ giám sát một chuyên đề có phạm vi rộng lớn như vậy.

Về nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay, UBTVQH ủng hộ cách tiếp cận toàn diện, tổng thể trong nội dung giám sát với 6 nội dung được đề cập đến trong Nghị quyết 19 của Trung ương.

Nhưng qua giám sát tổng thể, đồng bộ cần phải đi sâu, trọng tâm, đối với các vấn đề lớn, các vấn đề bức xúc trong thực tiễn được dư luận quan tâm và yêu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội cần phải đảm bảo có trọng tâm. Trong đó lưu ý, sắp xếp gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị của các đơn vị;

Tiếp đến là tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, không chỉ về tài chính mà tự chủ nhiều nội dung; vấn đề xã hội hóa các dịch vụ công lập, chuyển các công việc của nhà nước cho khối tư nhân làm, như dịch vụ công chứng, thừa phát lại, kiểm định.

“Chúng tôi đã giao Bộ GTVT báo cáo sâu về việc chuyển dịch vụ đăng kiểm từ đơn vị công lập sang tư nhân thực hiện. Vừa rồi lĩnh vực đăng kiểm đã phát sinh ra nhiều tiêu cực mà các cơ quan đang thanh tra, kiểm tra phát hiện, thậm chí xử lý hình sự. Qua việc giám sát phải làm rõ các vấn đề tương tự, dịch vụ công, xã hội hóa”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Nhấn mạnh việc mới đây, cuộc họp Ban Chỉ đạo PCTN, TC cũng đã chỉ đạo về việc đổi mới trong công tác của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, qua giám sát, phát hiện ra các khe hở chính sách hay cách chỉ đạo điều hành… để từ đó phát sinh tham nhũng, tiêu cực hay không, cần chỉ rõ để có biện pháp khắc phục.

Làm rõ có hay không có tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm,… xử lý công việc chậm, gây cản trở sự phát triển của xã hội. Qua giám sát để rà soát văn bản pháp luật xem các mâu thuẫn, chồng chéo có phải xuất phát từ Luật hay do thông tư, Nghị định… để từ đó có hướng khắc phục, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Mai Thoa