Nâng cao chất lượng nghiên cứu tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng
Ngày 17/8, tại TP. Huế, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.
Chủ trì và điều hành hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Dương Trung Ý.
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, các cấp ủy đã quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng. Công tác tuyên truyền lịch sử Đảng, nhất là đối với thế hệ trẻ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chỉ đạo thực hiện với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội…
Bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Đó là, một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Số lượng các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống được nghiên cứu, biên soạn và xuất bản chất lượng chưa cao, chưa đồng đều...
Chỉ đạo định hướng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Chỉ thị số 20-CT/TW là một chủ trương lớn của Đảng, nhằm khẳng định yêu cầu nhiệm vụ, tầm quan trọng của việc tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được các cấp ủy coi trọng, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Điểm sáng của công tác này là những đóng góp quan trọng vào thành tựu nhiệm kỳ Đại hội XII, đồng thời kịp thời nắm bắt, thực hiện hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng trên lĩnh vực công tác tư tưởng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, các cấp ủy đã quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, đưa nhiệm vụ này vào công việc thường xuyên của Đảng bộ các cấp.
Đến nay, hàng ngàn công trình lịch sử Đảng đã được xuất bản và công bố, từ lịch sử toàn Đảng cho đến lịch sử Đảng bộ địa phương các cấp; đặc biệt, cơ bản các địa phương đã biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương đến năm 2000.
Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, thường xuyên, sâu rộng, sáng tạo và hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị, tư tưởng của cấp ủy các cấp.
Tại hội nghị, đại biểu các cơ quan ban, bộ, ngành, địa phương, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học đã cùng nhau phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những đóng góp nổi bật của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII của Đảng; những mặt tồn tại, hạn chế; trên cơ sở đó xác định phương hướng, tầm nhìn, đề xuất, kiến nghị những giải pháp khả thi, hữu hiệu, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW trong thời gian tới.