Bộ NN&PTNT đồng thuận nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng
Sau khi nhận được văn bản của tỉnh Thanh Hóa về việc xin ý kiến hướng dẫn phương án chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản trả lời khi đối chiếu với các quy định pháp luật về chăn nuôi, thú y hiện hành.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao trong nhà cao tầng do Tập đoàn Xuân Thiện đề xuất phù hợp với các quy định hiện hành (Luật Chăn nuôi, Luật Công nghệ cao, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020).
Đúng chủ trương của Nhà nước về đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới đã được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 6 Luật Chăn nuôi quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong chăn nuôi được Nhà nước ưu tiên; khoản 1 Điều 7 Luật Chăn nuôi quy định về ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi.
Chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng là mô hình chăn nuôi lợn kiểu mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi; rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng; tiết kiệm hạ tầng dùng chung, tăng hiệu quả sử dụng đất; nâng cao năng suất, chất lượng; quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, mô hình công nghệ này có khả năng giải quyết được vấn đề lọc khí, khử mùi trong chuồng trại, xử lý nước thải ở các giai đoạn khác nhau. Công trình khí sinh học có thể sử dụng để sản xuất điện sử dụng cho trang trại, tạo nhiệt để sấy (xe, đốt lò hơi cho nhà máy cám, phụ phẩm chăn nuôi...) và hòa lưới điện quốc gia nếu dư thừa.
Trên thực tế ứng dụng mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng đã và đang được triển khai tại Việt Nam và Trung Quốc. Năm 2016, Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội (HTX) đã hoàn thiện đưa vào hoạt động “chung cư chăn nuôi lợn 3 tầng có thang máy” tương đối hiện đại tại thời điểm xây dựng theo hướng chăn nuôi bền vững, an toàn, phù hợp từng giai đoạn trưởng thành, cân nặng và tình trạng sức khỏe của đàn lợn.
HTX đã xây dựng thành công thương hiệu “thực phẩm A-Z” đạt tiêu chuẩn OCOP. Sản phẩm được sản xuất khép kín từ con giống, thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối và có mặt trên nhiều hệ thống siêu thị lớn của thành phố Hà Nội. Hệ thống chăn nuôi của HTX đảm bảo được hoạt động phòng, chống dịch bệnh tốt, trong thời gian dịch tả lợn châu Phi bùng phát, bão giá, đóng góp vào bình ổn giá thực phẩm cho người dân.
Năm 2018, ứng phó với thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi và khắc phục khan hiếm nguồn cung thịt lợn, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu cho phép xây dựng các trại chăn nuôi lợn trong chuồng nhiều tầng ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, Trung Quốc đã có khoảng 1.830 dự án với 4.282 tòa nhà cao tầng chăn nuôi trên 2,64 triệu lợn nái có khả năng cung cấp hơn 25,45 triệu lợn thịt. Giải pháp chăn nuôi này góp phần quan trọng trong việc khôi phục tổng đàn và đảm bảo an ninh lương thực của Trung Quốc.
Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong hoạt động chăn nuôi đối với đề xuất dự án chăn nuôi lợn trong nhà cao tầng của nhà đầu tư (bao gồm các quy định điều kiện chăn nuôi, quy định pháp luật về thú y, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về môi trường liên quan đến chăn nuôi và phúc lợi động vật.
Chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao trong nhà cao tầng là mô hình chăn nuôi lợn kiểu mới cần tập trung chỉ đạo để đáp ứng các quy định chính sau: Công suất thiết kế của dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng của Xuân Thiện là trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn theo quy định (về quy mô, mật độ, điều kiện chăn nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi, khoảng cách với các khu dân cư, trường học, công trình công cộng…)
Ngoài việc áp dụng các quy định chung về phòng, chống dịch bệnh động vật, Xuân Thiện có quy mô chăn nuôi lớn nên cần tập trung các giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh không để mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào trong trang trại.
Trường hợp Tập đoàn Xuân Thiện chăn nuôi lợn hướng tới mục đích xuất khẩu cần chủ động tìm hiểu các quy định của nước nhập khẩu và tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới về vùng an toàn dịch bệnh động vật để lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp; phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT (Cục Chăn nuôi, Cục Thú y), UBND tỉnh Thanh Hóa để xây dựng vùng đệm an toàn dịch bệnh, xây dựng thành chuỗi chăn nuôi, chế biến khép kín đủ điều kiện xuất khẩu.
Ngoài đáp ứng các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo dự án tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành trong xây dựng công trình và quy hoạch xây dựng.
Được biết, ngày 04/5/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1443/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và Quyết định số 1442/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2, 3 tại xã Nguyệt Ấn, xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc cho Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa 3 để chăn nuôi lợn, sản xuất lợn giống.
Dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 có quy mô diện tích đất khoảng 97,04 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng với công suất dự kiến 5.000 lợn nái và 35.000 lợn thịt. Dự án chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 3 có quy mô diện tích đất khoảng 104,5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng với công suất dự kiến 5.000 lợn nái và 35.000 lợn thịt.
Theo thiết kế, chuỗi tổ hợp dự án gồm trang trại chăn nuôi, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy sản xuất nước trái cây với mục tiêu cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn với người tiêu dùng, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ và hướng đến xuất khẩu.