Xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện ngành báo chí
Báo cáo đề dẫn hội thảo "Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số", nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của ngành báo chí...
Ngày 17/8, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức Hội thảo "Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số". Đây là diễn đàn để các cơ quan báo chí cùng nhận diện xu thế tất yếu hình thành những tòa soạn số.
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số, hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung đã hình thành và đang phát triển mạnh mẽ. Hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được xem như "chìa khóa" để mở ra con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn hiện đại.
Để có được sự hội tụ, tích hợp cả về mặt nội dung lẫn phương thức hoạt động thì mô hình tòa soạn số đang là xu thế tất yếu, được triển khai tại các cơ quan báo chí trên thế giới. Và các cơ quan báo chí Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng này.
Tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của cơ quan báo chí, đổi mới mạnh mẽ nhằm chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm.
Tòa soạn số cũng là tiền đề để tiếp tục thực hiện nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin, bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, để báo chí chính thống giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trong số những công nghệ sẽ có tác động mạnh mẽ tới hoạt động báo chí, truyền thông hiện nay thì nổi bật là vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (blockchain) trong quản lý tòa soạn số, trong tổ chức sản xuất sản phẩm cũng như phát hành các sản phẩm báo chí truyền thông.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, đây là hội thảo rất lớn trong mảng chuyển đổi số ở lĩnh vực báo chí truyền thông, có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông, những người làm báo cả nước và cả các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Các đại biểu cùng trao đổi về ứng dụng công nghệ trong hoạt động báo chí, chia sẻ những mô hình tòa soạn số ở Việt Nam hiện nay cùng những giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn.
Theo bà Hằng, chỉ một thời gian ngắn, hội thảo đã nhận được 12 tham luận từ chuyên gia công nghệ, nhà báo, các nhà quản lý báo chí gửi về Ban Tổ chức.
"Điều này cho thấy chủ đề mà Hội thảo đưa ra là một vấn đề hết sức "nóng", thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học, chuyên gia và các cơ quan báo chí trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay", PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nói.
Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất tin tức, video tự động dựa trên từ khóa, TS Trần Tiến Công - Khoa Công nghệ Thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã trình bày những ứng dụng của AI tạo sinh văn bản tự động tích hợp công nghệ trong các toà soạn thời đại số. Những công nghệ như tạo sinh văn bản và ảnh tự động này có thể được dùng để tạo ra những video phù hợp nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm thời gian tạo nội dung văn bản, ảnh và video…
Bên cạnh việc khẳng định những lợi thế trong việc áp dụng công nghệ AI, blockchain, tại Hội thảo các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, việc sử dụng công nghệ báo chí tự động mà không có sự kiểm soát sẽ gây ra sự "hỗn loạn".
Tại hội thảo, TS Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học Viện Chính trị hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, nếu xây dựng được tòa soạn số, chúng ta sẽ tận dụng được những lợi thế về mặt công nghệ, thông tin để thực hiện các hoạt động báo chí.
Tăng cường sức gắn kết với bạn đọc, có quy trình cải tiến về công nghệ, hoạt động của tòa soạn nhằm rút ngắn thời gian sản xuất. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ sẽ giúp các cơ quan báo chí thực hiện hiệu quả hơn việc phân tích, quản lý dữ liệu…
“Công nghệ là công cụ nếu chúng ta áp dụng, sử dụng công nghệ không hợp lý thì công nghệ đó chỉ mang tính trình diễn. Do đó, cần có lộ trình chuyển đổi số cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng của các cơ quan báo chí”, TS Trần Quang Diệu nhấn mạnh.
Hội thảo diễn ra 2 phiên:
- Phiên 1: Giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số.
Nội dung các tham luận: Tòa soạn số trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam hiện nay, Ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản trị tòa soạn số, Ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất tin tức và video tự động dựa trên từ khóa, Ứng dụng Al trong quản trị nội dung số.
- Phiên thứ 2: Mở đầu với thuyết trình chủ đề Mô hình tòa soạn số ở Việt Nam. Các diễn giả, khách mời và tất cả các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến cùng thảo luận về AI "đe dọa" nhà báo mất việc? Cách bộ phận nội dung số, Trung tâm tin tức Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) ứng dụng sản xuất thời sự trên thế mạnh của trí thông minh nhân tạo; cùng một số mô hình tòa soạn số và phân phối nội dung đa nền tảng ở Ban Thời sự - Đài Tiếng nói Việt Nam; Quản trị kinh doanh nội dung số tại VTV Digital; Chiến lược xây dựng và phát triển dữ liệu của ngành báo chí Đông Nam Á.