Kể chuyện ẩm thực ngày Tết của người Thái xứ Nghệ
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 18/02/2015
Những món ăn đó không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về vật chất mà còn mang cả những ý niệm tâm linh gắn liền với những truyền thuyết, sự tích nhằm răn đời, răn người hướng đến cái: Chân, thiện, mỹ….
Ẩm thực bước ra từ truyền thuyết
Ẩm thực tết của người Thái xứ Nghệ có rất nhiều món gắn liền với sự tích truyền thuyết thú vị, điển hình như món: Pà Pinh (Cá nướng), Cơm Lam, Rêu đá…. Món Pà Pinh được tương truyền rằng: Xưa có đôi vợ chồng người Thái chung sống với nhau không hợp tính. Người vợ thì rất đỗi siêng năng, thức khuya dậy sớm lên rừng kiếm củi, xuống suối mò cua. Ngược lại người chồng thì hết sức lười nhác, cứ ru rú ở nhà với công việc chính là ăn rồi ngủ.
Người vợ bực lắm, nhiều lần định to tiếng chửi chồng nhưng sợ hàng xóm dị nghị nên đã nghĩ ra một cách “trị chồng” rất hay.
Tờ mờ sáng, khi con gà rừng trên đồi cao cất tiếng gáy vang trời, người vợ đã lọ mọ mang gùi lên ngàn như mọi hôm. Người chồng ở nhà, sau khi say sưa giấc tỉnh dậy, nhìn ra phía đỉnh đồi thấy ông mặt trời đã đi qua bên kia mà người vợ vẫn chưa về, bếp núc lạnh tanh…
Thoáng thấy bóng vợ ngoài cửa, người chồng vui mừng reo lên chạy ào ra lục chiếc gùi nhưng chỉ thấy rặt một mớ nấm già. Người vợ liền rửa sạch nấm ấy rồi nấu canh nóng bày lên mâm. Sẵn lúc bụng đang sôi vì đói anh chồng liền sà vào định ăn thì bị người vợ ngăn lại và nói: “Loại nấm già này, người đàn ông chủ nhà không được ăn!”. Rồi bưng bát canh lên húp ngon lành.
Người chồng bực lắm, sáng sớm hôm sau đã vội vã xách xiên ra sông. Khoảng giữa trưa anh chồng trở về với vẻ mặt hớn hở, trên tay xách một xâu cá nặng trĩu, rồi anh mài dao thật sắc lật ngửa con cá, lách mũi dao theo lưng và xẻ đôi từng con một, đồng thời mạnh tay “uốn cong”, kẹp que đem nướng cá trên than hồng.
Đến bữa ăn người chồng dọn món cá nướng lên mâm và nói: “Pà Pinh phè mè kè châu hướn bờ đây ky !”. Nghĩa là: “Loại cá nướng này, người đàn bà chủ nhà không được ăn!”. Đến lúc này, người vợ mới bật cười ha hả trước sự ngạc nhiên của người chồng rồi vội kể cho anh nghe nỗi lòng của mình lâu nay. Người chồng nghe xong rất ân hận, sửa ngay thói lười lao động của mình. Từ đó cuộc sống của gia đình họ rất ấm êm, hạnh phúc và sung túc. Món ăn Pà Pinh xuất hiện từ đó và được lưu giữ cho đến ngày nay.
Khác với món Pà Pinh, món cơm lam lại ẩn trong nó những sự tích về cõi thiên, về các vị thần, về sự sinh tử. Người Thái quan niệm thế giới tự nhiên được chia làm ba phần, trong đó cõi trời là thế giới đặc biệt chứa đựng quyền lực tối cao và quyết định hành vi của con người, sự vật. Cõi trời được người Thái gọi là Mường Then, cai quản có 34 vị thần gọi là Phi Then; trong đó 12 Then lớn cai quản trần gian, có một Then, tên là Then Chất. Then Chất chuyên theo dõi việc sinh tử của loài người. Hàng năm Then Chất lật sổ ra xem ai đã đến lúc hết hạn ở trần gian thì gọi người ấy về trời.
Theo quan niệm của người Thái, món cơm lam là món có thể gửi thông điệp đến các Then và được sống ở Mường Then là ước nguyện cuối cùng của họ, vì thế phụ nữ dân tộc Thái ngày đầu ở cữ thường ăn cơm lam, các vỏ ống cơm lam không vứt đi mà được bó lại treo trên cành cây gần nhà, hoặc ở bìa rừng nơi đặt ống tre ở trong có nhau thai của đứa bé mới sinh. Làm như vậy, người Thái tin rằng họ đã gửi thông điệp cho các Then và thông báo rằng có một đứa trẻ mới được sinh ra trên cõi đời này. Món cơm lam vì vậy mà được lưu giữ cho đến ngày nay.
Khác với 2 món trên, món rêu đá lại phác họa nên một thiên tình sử đẹp như mơ. Đồng bào dân tộc Thái thường truyền miệng câu chuyện về mối tình chung thủy của đôi trai gái. Hai người yêu nhau tha thiết nhưng bố của cô gái không ưng thuận đã tìm đủ mọi cách ngăn cấm, chia rẽ.
Một hôm, họ nắm tay nhau trèo lên ngọn núi cao trao nhau nụ hôn nồng thắm, bện tóc vào nhau, thề nguyện suốt đời suốt kiếp không chia lìa. Họ ôm nhau khóc nấc nở, nước mắt chảy dài thành sông. Cô gái chết biến thành những hòn đá dựng quanh sông, chàng trai biến thành những cây rêu mọc quanh đá như ôm ấp như chở che cho đá ngàn đời. Và, món ăn rêu đá xuất hiện từ đó như một biểu tượng của lòng thủy chung son sắt.
Răn đời qua các món ăn
Thấy chúng tôi hồ hởi với những món ăn lạ của người Thái xứ Nghệ, ông Lô Văn Chung - Trưởng bản Hữu Văn (Châu Kim, Quế Phong, Nghệ An) thổ lộ: “Ngươi chưa biết hết mô (đâu) các món ăn của dân bản ta rất đa dạng, phong phú và ăn cực thú vị. Này là: Pà Pinh, thịt chua, bánh sừng trâu, bánh họ cà tôm, cơm lam, canh nhọoc, canh ột, pắc chụp, chẻo măng đắng, pá nạp, rêu đá…
Các món ăn của người Thái ta được chia làm 5 phần không thể tách rời, đầu tiên là đồ chấm, sau đó thứ tự là đồ uống, đồ ghém, thức ăn và cơm. Vị cay của ớt, vị ngọt của đồ nướng, vị tươi non của các loại rau ghém đã tạo nên một sắc thái riêng. Nếu thiếu đi một trong các vị ấy thì mâm cơm đãi khách của người Thái ta không còn được đậm đà theo một bản sắc riêng của dân tộc mình”.
Ông còn cho biết thêm: Không chỉ đơn thuần là các món ăn, chúng còn mang trong mình những ý nghĩa răn đời, răn người sâu sắc, hướng con người đến cái chân, thiện, mỹ.
Món Pà Pinh răn dạy con người phải biết siêng năng, cần cù mới có được thành quả lao động thơm ngon, ngọt bùi như miếng cá nướng. Chính vì thế, khi đứa trẻ mới sinh ra, người mẹ đã lấy đôi đũa mới gắp miếng cá nướng chấm vào miệng con trẻ, làm như vậy có nghĩa là bé sinh ra hưởng miếng cơm cá mà khôn lớn trưởng thành. Đối với họ “cơm trắng, miếng cá bạc” là biểu tượng cho sự no đủ, hạnh phúc của gia đình. Không những vậy, cá nướng còn là đặc sản đem mời khách tới thăm nhà, thể hiện tình cảm của gia chủ. Tục ngữ Thái có câu: “Cày măn mọk má ha. Bo tò Pà Pinh tộp má xù”. Nghĩa là: “Gà tơ tần đem đến, không bằng cá nướng xẻ lưng uốn cong kẹp gia vị đem mời”. Như thế, ngoài ăn uống ra, họ cũng có hàm ý khuyên các thực khách rằng: “Trong tất cả mọi việc, cần gian nan khổ luyện mới đạt thành quả cao”.
Món cơm lam, khuyên nhủ ta rằng: Sống phải đạo, phải phép, phải biết chấp nhận và tuân theo quy luật nghiệt ngã của tự nhiên, sinh lão bệnh tử là chuyện thường trong nhân gian. Ta vui mừng khi đón nhận một sinh linh mới chào đời nhưng cũng đừng quá đau khổ khi tiễn một người về cõi vĩnh hằng.
Để chuẩn bị đón Tết, người Thái đã phải lên rừng trước đó một tháng tìm măng và chặt nứa về nấu cơm lam. Nứa ở núi rừng miền Tây rất nhiều, nhưng để tìm được loại nứa non, thành dày, lóng dài, phải mất rất nhiều công. Một mâm cơm chỉ cần 2 đến 4 ống cơm lam, nhưng phải mất thời gian, công sức tìm được nứa phù hợp để sử dụng. Rồi công đoạn ngâm gạo, cho gạo vào ống nứa, thổi lửa nướng cơm cũng rất công phu và tỉ mỉ.
Món rêu đá, từ trong sự tích ta đã biết rằng, nó khuyên nhủ con người phải có lòng chung thủy sắt son. Yêu thương là phải keo sơn gắn bó trọn đời không chia lìa, trước sau như một. Món Rêu đá ca ngợi về tình yêu vĩnh cửu về sự mặn nồng sống chết có nhau.
Chính vì thế, mỗi khi xuân về Tết đến, người dân tộc Thái thường dậy sớm đi hái rêu bám trên những tảng đá giữa suối. Trước khi chế biến thành món ăn phải để rêu trên thớt hoặc hòn đá có mặt phẳng, dùng chày gỗ đập nhiều lần cho nát hết tạp chất bám trên rêu, rửa sạch không còn cát sạn. Rêu chế biến được nhiều món ăn ngon: Canh rêu tươi (kinh tau) nấu với xương hầm hoặc nước luộc gà, nấu vừa chín tới, cho mắm muối và các gia vị, ăn nóng. Rêu nộm (tau nửng chụp), thường lấy rêu non, cho vào chõ đồ xôi, đồ vừa chín tới, trộn cùng súp, mì chính và các gia vị, gừng, mùi, “mắc khén” (hạt tiêu rừng), thích ăn cay cho thêm quả ớt nướng giã nhỏ.
Rêu nướng (tau pho), món ăn hấp dẫn và hợp khẩu vị với hầu hết mọi người. Rêu rửa sạch, lấy lá chuối hoặc lá dong trên rừng, chọn lá to bản, hơ trên than hồng cho lá mềm, khi gói không bị rách, cho cùng các gia vị, muối, mì chính, gừng, rau mùi, “mắc khén”, sả, hành, buộc túm lại, nướng trên tro nóng hoặc than hồng, thỉnh thoảng xoay đều cho tới khi lớp lá bên ngoài cháy xém là được. Món rêu nướng có mùi vị đặc trưng, đặc biệt khoái khẩu đối với người biết uống rượu. Rêu đá là món ăn không thể thiếu trong các mâm rượu hứa hôn của các đôi trai, gái tổ chức trong ngày xuân, gợi nhớ cho họ về mối tình thủy chung ẩn chứa trong món ăn, răn họ rằng: Đã kết tóc xe tơ thì trăm năm mãi mãi.
Nói chung, trong mâm cơm Tết của người Thái xứ Nghệ, nếu thiếu một trong những món ăn: Pà Ping, rêu đá, cơm lam… thì chưa thể gọi là Tết. Có thể nói rằng: Những món ăn đó luôn gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, luôn mộc mạc, chân chất và không kém phần đậm đà sâu nặng tình cảm như chính người Thái xứ Nghệ.