Công nghệ

Tây Ninh đẩy mạnh công nghệ số để phát triển du lịch

Kim Sáng 15/08/2023 - 21:24

Tích hợp Cổng thông tin du lịch với bản đồ số du lịch thông minh, xây dựng các kênh truyền thông du lịch, hệ thống Chatbot, vận hành App du lịch… là những giải pháp công nghệ số Tây Ninh sẽ đẩy mạnh để phát triển du lịch.

Theo kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 -2025, Tây Ninh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông.

Tây Ninh sẽ tích hợp Cổng thông tin du lịch với bản đồ số du lịch thông minh.

Trong đó, Cổng Thông tin du lịch Tây Ninh cung cấp các nội dung tổng quan về tiềm năng du lịch tỉnh; các dự án đầu tư du lịch; thông tin du lịch (lưu trú, ẩm thực, mua sắm, điểm tham quan, lễ hội, các sự kiện lớn, các tour, tuyến du lịch…); các video, hình ảnh đẹp về du lịch Tây Ninh; thông tin các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh đã được cấp giấy phép; thông tin các hướng dẫn viên du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cấp thẻ; các bài viết, phân tích, nhận định về du lịch tỉnh Tây Ninh; thông tin tuyên truyền, quảng bá; chuyên mục quảng cáo dịch vụ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

p1870916.jpg
Lượng khách đến Khu Du lịch núi Bà Đen chiếm hơn 90% lượng khách đến tỉnh Tây Ninh. 

Còn bản đồ số du lịch thông minh tỉnh Tây Ninh mô tả chi tiết toàn cảnh thông tin giới thiệu các điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh  theo hình thức thực tế ảo; trải nghiệm tổng thể bản đồ du lịch Tây Ninh, có thể trực tiếp chọn các điểm du lịch, hoặc các địa điểm theo mong muốn trên các nội dung về ẩm thực, nhà hàng, khách sạn, mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí, gọi xe, khu vực nhà vệ sinh công cộng, ngân hàng, bưu điện, trụ sở Công an…

Bản đồ thể hiện rõ các địa điểm và định vị khoảng cách từ người dùng đến địa điểm đó; thường xuyên cập nhật khi có thay đổi; sử dụng cả 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng các kênh truyền thông du lịch nhằm quảng bá các điểm tham quan trọng điểm, các điểm tham quan với vai trò kết nối, lan tỏa; các lễ hội nổi bật, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch; các sản phẩm OCOP và sản phẩm, làng nghề truyền thống của địa phương.

Các kênh truyền thông sẽ khai thác các nền tảng mạng xã hội miễn phí như: Fanpage, Zalo Official, Youtube, Twitter, Instagram, Tiktok... để thu hút sự chú ý của du khách, đặc biệt là đối tượng trẻ tuổi.

p1870966.jpg
Giai đoạn 2023 -2025, Tây Ninh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch.

Đồng thời, thiết lập hệ thống quản trị "Check-in" nhằm thống kê số lượng truy cập của người dùng tới mỗi địa điểm du lịch, qua đó đánh giá được mức độ ấn tượng, sự thu hút của điểm du lịch đối với du khách. Hệ thống này thể hiện lượt truy cập, lượt yêu thích và lượt chia sẻ.

Song song đó, vận hành App du lịch Tây Ninh nhằm tích hợp và đồng bộ bản đồ du lịch thông minh, các thông tin chỉ dẫn du lịch khác; tích hợp tính năng "Check-in" điểm du lịch Tây Ninh; tích hợp các ứng dụng hỗ trợ xây dựng chương trình du lịch, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến; tư vấn thông tin chỉ dẫn cho du khách, tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.

App du lịch Tây Ninh sử dụng cả tiếng Việt và tiếng Anh để phục vụ tốt nhất cho du khách.

App cũng đồng bộ với tên của các kênh quảng bá du lịch khác của tỉnh để tạo điểm nhấn; logo của App được thiết kế hiện đại, màu sắc hài hòa, thể hiện được ưu thế du lịch của tỉnh và khát vọng vươn lên trong tương lai.

Bên cạnh đó, Tây Ninh xây dựng hệ thống Chatbot hỗ trợ thông tin du lịch. Hệ thống sẽ đưa ra gợi ý dành riêng cho khách hàng thông qua việc hỏi và phân tích câu trả lời của người dùng về các vấn đề như: điểm đến; thời gian; gợi ý khách sạn (giá phòng, loại phòng, các tiện ích kèm theo…); đề xuất các hoạt động thú vị để du khách trải nghiệm; thông báo các gói khuyến mãi giảm giá; hỗ trợ đổi vé máy bay, đổi phòng khách sạn…

Ngoài ra, xây dựng hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin, giới thiệu tại các điểm tham quan với các nội dung như: Lập danh sách các điểm cần lắp đặt QR code, biên tập các tài liệu, thông tin để tích hợp vào QR code, thiết kế QR code và in QR, thực hiện lắp đặt các điểm quét mã QR tại các di tích, điểm tham quan.

Tổng kinh phí thực hiện các giải pháp công nghệ số dự kiến khoảng 7.000.000.000 đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Kim Sáng