Ngân hàng

Thúc đẩy cho vay lĩnh vực ưu tiên, HDBank tạo lối đi riêng cho tăng trưởng tín dụng

PV 15/08/2023 - 12:15

10 năm tăng trưởng liên tục, HDBank đã và đang đi con đường đúng hướng: Tập trung cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Tập trung cho nông nghiệp - nông thôn

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của HDBank (mã chứng khoán: HDB), tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của HDBank đã đạt 483.936 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; tổng huy động vốn đạt 430.123 tỷ đồng, tăng 17,4% so với đầu năm, trong đó huy động từ khách hàng đạt 309.645 tỷ đồng, tăng 44%.

Đáng chú ý, tổng dư nợ đạt trên 293.129 tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm, gấp đôi bình quân toàn ngành. Việc giữ được nhịp tăng trưởng tín dụng, động lực số hóa tiếp tục mở rộng giúp gia tăng mạnh mẽ lượng khách hàng mới và tối ưu hóa vận hành, lũy kế 6 tháng đầu năm HDBank đã đạt gần 5.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nếu duy trì được hướng tăng trưởng lợi nhuận hiện tại, 2023 sẽ là năm thứ 10 liên tiếp HDBank tăng trưởng liên tục.

hdb1.jpeg
Mức tăng trưởng liên tục của HDBank có được nhờ ngân hàng đã và đang đi con đường đúng hướng: Tập trung cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo HDBank, tại thị trường nông nghiệp nông thôn, Ngân hàng đã triển khai thành công tài trợ các chuỗi có quy mô lớn như chuỗi Lộc Trời, chuỗi CP, chuỗi Unilever,… Đây cũng là khu vực tập trung khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), các hộ gia đình kinh doanh mà HDBank đang dành tới 143.000 tỷ đồng, tương đương hơn 52% tổng dư nợ để đáp ứng, tính đến thời điểm 30/6/2023.

Đầu tư cho trụ cột của nền kinh tế

Không phải đến bây giờ HDBank mới coi cho vay nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng trong cơ cấu tín dụng. Lịch sử phát triển của HDBank từng ghi dấu ấn quan trọng: Nhận sáp nhập DaiABank. DaiABank trước đây là ngân hàng có thế mạnh hàng đầu khu vực Đông Nam bộ và sau đó trở thành ngân hàng lõi của cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Qua sáp nhập, lợi thế này nhanh chóng được nhân rộng và từng bước tăng độ phủ trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn cả nước, đi cùng với hoạt động điều tiết nguồn lan tỏa cho các thị trường để có được sức tăng trưởng tín dụng bền vững.

nguon-anh-vgp_ln.jpg
Nông nghiệp - nông thôn và các đô thị loại 2 chính là một trong các phân khúc chiến lược, có sức hấp thụ tín dụng tốt và đầy tiềm năng - Ảnh: VGP/LN

Nông nghiệp và nông thôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia. Việc đầu tư vào lĩnh vực này không chỉ giúp cải thiện đời sống của người nông dân, mà còn góp phần vào sự ổn định và bền vững của nền kinh tế. Trong việc thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp và nông thôn, việc ngân hàng ưu tiên nguồn vốn cho vay đóng một vai trò vô cùng quan trọng và mang lại nhiều ý nghĩa.

Trong nhiều năm qua, NHNN cũng luôn định hướng NHTM tham gia cho vay phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao và cho vay theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ dự trữ bắt buộc và lãi suất, năm 2017, NHNN đã ban hành quyết định số 813/QĐ-NHNN để điều tiết nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực kinh tế mà Việt Nam có nhiều lợi thế.

Hưởng ứng định hướng đó của NHNN, HDBank nhiều năm qua chủ trương đẩy mạnh cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực động lực của nền kinh tế trong đó có nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, sản xuất kinh doanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp nông thôn, các hoạt động cho vay dự án giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải CO2, xử lý/tái chế rác…

Ở hướng đi chiến lược này, HDBank còn kí kết hợp tác hàng trăm triệu USD nguồn vốn và hoạt động tư vấn từ nhiều tổ chức quốc tế như IFC (Tập đoàn Tài chính Quốc tế), DEG (Định chế Tài chính Phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức), Proparco (Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp), Quỹ đầu tư Quốc tế Affinity… để tiếp động lực tài chính xanh cho ngành nông nghiệp Việt.

Không chỉ giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế bộc lộ nhiều khó khăn và thử thách, mà trước đó, đại dịch Covid-19 hay giai đoạn thị trường tài chính gặp nhiều cú sốc do biến động trong lĩnh vực bất động sản, trái phiếu…, nông nghiệp nông thôn vẫn bền bỉ tăng trưởng và làm trụ cột của nền kinh tế. Đặt chiến lược phát triển gắn với trụ cột này, HDBank đạt mức tăng trưởng bền vững suốt nhiều năm liền.

Thực tế, ngành nông nghiệp Việt Nam đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn lực vốn rất lớn để cải tiến công nghệ, máy móc, chuỗi cung ứng… nâng cao năng suất lao động toàn diện. Chính vì thế, tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao đồng nghĩa với việc ngân hàng đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp không chỉ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mà còn hỗ trợ ngành dịch chuyển ngành từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. Cho vay nông nghiệp cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng chung tay cùng Nhà nước trong hành trình xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…

Thống kê cho thấy, việc tập trung cho vay nông nghiệp, nông thôn bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ các rủi ro, áp dụng toàn diện Basel III, HDBank tiếp tục là ngân hàng đạt mức sinh lời cao bậc nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam với ROAA, ROAE lần lượt đạt trên 2% và trên 22% trong 6 tháng đầu năm 2023.

PV